Đau đầu với cán bộ thuế "tham nhũng vặt"

ANTĐ - Theo Tổng cục Thống kê, số hộ gia đình và cá nhân kinh doanh trên cả nước là 4,6 triệu hộ. Và chính các hộ kinh doanh nhỏ này đã góp phần làm ra tới 33% GDP. Con số này có được do thống kê từ cơ sở qua các cuộc điều tra với tầm mức quốc gia. Đó là một con số rất ấn tượng. Nhưng bên cạnh đó cũng có một con số ấn tượng hơn. 

Theo Tổng cục Thuế, tổng thu thuế từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh chỉ vào khoảng 12.362 tỉ đồng trong năm 2014. Ngành thuế đã cấp mã số thuế cho 3,018 triệu hộ kinh doanh, trong đó số hộ kinh doanh đang hoạt động là 1,612 triệu hộ, còn lại là các hộ kinh doanh được cấp mã số thuế nhưng không hoạt động kinh doanh. Liệu con số nào chính xác hơn con số nào?

Đau đầu với cán bộ thuế "tham nhũng vặt" ảnh 1

Tuy nhiên, còn một con số ấn tượng hơn cả do chính Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế khẳng định với báo chí mới đây: “Ngành thuế rất quan tâm tới công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Mặc dù số thu của đối tượng này chỉ khoảng 2% tổng thu ngân sách, song có tới 21% cán bộ ngành thuế trực tiếp quản lý thuế ở khu vực này, chưa tính tới cán bộ gián tiếp”.

Thôi, không tính con số gián tiếp nữa, cũng theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số lao động toàn ngành hiện có 44.860 người (cán bộ công chức thuế là 40.598), nếu tính 21% vậy số cán bộ thuế làm việc để thu 12.362 tỷ đồng là 10.000 người. Với mức lương trung bình của ngành Thuế năm 2015 là 5,5 triệu/người (kể cả phụ cấp), tổng số lương chi cho  số cán bộ này là 660 tỷ đồng/năm. Bà Nguyễn Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, có cán bộ thuế ở Nghệ An, mỗi tháng chỉ có trách nhiệm thu thuế chợ có 2 triệu đồng, nhưng mỗi tháng vẫn hưởng lương 5 triệu đồng (!).

Hiệu quả thu thuế trong các hộ kinh doanh gia đình thấp

Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh - HKD (gồm cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh và hộ gia đình) đã thể hiện vai trò đối với nền kinh tế về số lượng tham gia, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh ở hầu hết các vùng địa lý trong cả nước và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Đặc điểm chung về kinh doanh của khu vực này là trình độ kinh doanh, khả năng tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về thuế nói riêng của các chủ thể chưa cao, do hầu hết các HKD hoạt động ở quy mô nhỏ, chủ yếu là phát triển kinh tế gia đình nhằm tăng thu nhập, nên kinh doanh theo kinh nghiệm, không thực hiện chế độ sổ sách kế toán, không thực hiện khai và nộp thuế theo thu nhập (doanh thu trừ chi phí) mà chủ yếu nộp thuế theo phương pháp khoán (nộp theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu)...

Trên thực tế, các dạng thức của HKD phải quản lý thuế cũng rất phức tạp: có dạng hộ chưa đến mức phải nộp thuế GTGT chỉ phải thu thuế môn bài; có HKD đến mức phải nộp thuế, HKD ngừng nghỉ (có hoặc không thông báo với cơ quan thuế) không nộp thuế, hộ không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh theo mùa vụ, không thường xuyên, không có địa điểm kinh doanh cố định...

Chính vì vậy mà dù tỷ lệ đóng góp trong tổng thu NSNN không cao (khoảng 2%), song do số lượng khá đông, phạm vi phủ sóng rộng khắp các địa bàn, nên việc quản lý thuế đối với HKD thường tốn nhiều chi phí hơn so với các nhóm đối tượng khác, nhất là về nhân lực. Theo đó, ngoài số cán bộ thuế trực tiếp quản lý chiếm khoảng 21% tổng số CBCC toàn ngành thuế, công tác quản lý HKD còn phải huy động sự tham gia của đại diện các ban, ngành, chính quyền địa phương (Hội đồng tư vấn thuế xã, phường) và của cả người dân trong việc xác định doanh thu khoán và mức thuế khoán đảm bảo sát với thực tế. 

Hiện tại, mạng lưới các hộ kinh tế gia đình vẫn tiếp tục thể hiện quy mô nhỏ lẻ, manh mún: 79% cơ sở cá thể là các cửa hàng trên đường phố, ngõ xóm, trong đó 69% kinh doanh tại nhà, 10% còn lại đi thuê; 12,5% cơ sở kinh doanh tại chợ kiên cố; 5,7% kinh doanh tại chợ tạm, chợ cóc; và chỉ vỏn vẹn 0,38% kinh doanh trong các siêu thị, trung tâm thương mại.

Mặc dù vậy, hộ kinh doanh là nguồn quan trọng cho hình thành các doanh nghiệp tại Việt Nam. Có tới 70% doanh nghiệp dân doanh từng là hộ dân doanh, theo điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI. Tình trạng bán hàng không phát hành hóa đơn GTGT là phổ biến. Có thể nói, trong mua bán hàng ngày, trừ ở siêu thị, không có nơi nào phát hành hóa đơn GTGT, mà cũng không ai đòi vì nếu đòi, người bán sẽ cộng thêm phần thế vào giá. Vô hình trung, ngân sách không thu được khoản thuế này. Ngoài ra, việc thỏa thuận với cán bộ thuế phụ trách địa bàn để có mức nộp thuế thấp cũng là phổ biến.

Đau đầu với cán bộ thuế "tham nhũng vặt" ảnh 2

Tham nhũng vặt trong thu thuế hộ gia đình kinh doanh là phổ biến

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng (Cecodes) đã công bố kết quả một cuộc khảo sát 500 hộ kinh doanh về thất thu thuế. Theo đó, với thuế môn bài, loại thuế dựa vào doanh thu, từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm, có tới 30% hộ kinh doanh khai doanh thu thấp đi để hưởng mức thuế thấp hơn. Có 6% số hộ thừa nhận hối lộ để trả mức thuế thấp hơn.

Với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng (từ 0,5-5% doanh thu hàng năm), 14% số hộ thừa nhận hối lộ để có mức thuế thấp hơn. Có tới 63% số hộ khẳng định “luôn xảy ra” khi được hỏi cảm nhận về mức độ thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế. Nếu nhận được lời đề nghị hai bên bắt tay để cùng có lợi thì một nửa số hộ sẵn sàng chấp nhận, nếu cái giá phải trả hợp lý. Mức độ thỏa thuận ngầm lớn.

 Chúng tôi không có bức tranh rõ ràng, ai là thủ phạm, ai là nạn nhân. Hộ kinh doanh cũng là thủ phạm vì cùng trốn thuế. Vì thế, thiệt thòi là của chung xã hội. Có rất nhiều biểu hiện của việc có sự thỏa thuận của các hộ kinh doanh với cán bộ thuế. Có sạp hàng, cửa hàng thông báo nghỉ, nhưng vẫn kinh doanh bình thường, có những hộ bỗng có đơn và có xác nhận của cán bộ thuế kinh doanh khó khăn, doanh số giảm xin hạ mức thuế, nhưng việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Lại có trường hợp, cán bộ thuế xác định mức thuế khoán mới cao hơn nhiều so với mức cũ, nhưng sau đó lại chủ động xin giảm giúp cho hộ kinh doanh. Hầu hết trong số đó đã có sự thỏa thuận ngầm, các hộ kinh doanh đã chi cho các cán bộ thuế một số tiền nhỏ hơn nhiều lần số tiền phải nộp thuế. 

Nhận thấy sự vô lý trong công tác thu thuế các hộ kinh doanh gia đình, đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giao nhiệm vụ dự toán NSNN năm 2015 đối với khu vực hộ, cá nhân kinh doanh tăng tối thiểu 16%-18%. Để tránh tình trạng thông đồng, nhũng nhiễu, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế khẳng định, ngành Thuế quy định từ năm 2015, tất cả hộ kinh doanh thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán, thay vì kê khai như trước đây.

Liệu cách thu mới có phát huy tác dụng, giảm thông đồng? Nhiều chuyên gia băn khoăn về điều này khi chất lượng cán bộ thuế, đặc biệt tại cơ sở vẫn chưa thấy sự thay đổi rõ rết. Liệu có cần một cuộc vận động “thuế đức” như ngành Y tế không?