Đào trộm hài cốt làm giả mộ liệt sĩ, diễn trò “nhập vong” phạm tội gì?

ANTĐ - Chiều 17-6, Công an Quảng Trị cho biết đã hoàn tất điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội của 7 người trong đường dây làm giả hài cốt liệt sĩ với quy mô lớn do Nguyễn Văn Thuý (cậu Thuỷ) tổ chức. Vụ án được Công an Quảng Trị khởi tố vào cuối tháng 10-2013. Các bị can có mối quan hệ ruột thịt với hai chủ mưu là Thúy (56 tuổi) và Mẫn Thị Duyên (53 tuổi, vợ Thuý). Vụ án có diễn biến như sau: 

Nội dung vụ án

Sau ra tù, vào năm 2008, Thúy và Duyên đã lợi dụng lĩnh vực tâm linh, lừa tìm kiếm mồ mả, hài cốt cho những ai có nhu cầu nhằm mục đích kiếm tiền. Thúy, Duyên đã lần lượt lôi kéo nhiều người thân cùng tham gia. Ban đầu, Thúy và Duyên dùng thủ đoạn mua tiểu sành cũ đem chôn làm giả nơi có mồ mả, hài cốt. Sau đó chúng dùng các thủ thuật giả tâm linh, khống chế thần kinh người nhà liệt sĩ dưới dạng “nhập vong” để dẫn đến nơi có hài cốt giả do chúng chọn sẵn. Năm 2010, thông tin “khả năng ngoại cảm” của Thúy và Duyên lan ra nhiều nơi, nhiều người đến đặt vấn đề nhờ chúng tìm hài cốt của người thân là liệt sĩ hy sinh tại các tỉnh phía Nam. Bọn chúng vẫn giở thủ đoạn làm mộ giả và diễn trò “nhập vong” để lừa các thân nhân liệt sĩ. 

Để các thân nhân liệt sĩ tin, cả nhóm lùng mua đồ dùng trong thời chiến rồi khắc tên làm giả di vật. Với hài cốt, Thúy và Duyên vờ là khách viếng nghĩa trang liệt sĩ để quan sát, chọn khu vực mộ chưa có tên để Nguyễn Văn Hoành (46 tuổi, em ruột Thúy), Mẫn Đức Phương (37 tuổi, em ruột Duyên), Nguyễn Trường Sơn (28 tuổi) và Nguyễn Anh Chiều (32 tuổi, cùng là con rể Duyên) ban đêm đến lấy trộm. Số hài cốt trộm được, nhóm nghi can mang về chia nhỏ rồi đưa đi chôn cùng các di vật làm giả. Với thủ đoạn trên, năm 2010-2013, nhóm này lừa 8 người đi tìm thân nhân là liệt sỹ, chiếm đoạt hơn một tỷ đồng.

Cùng thời gian trên, một cán bộ tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nhờ Thúy tìm người thân. Sau khi lừa được người này, Thúy phán “còn nhiều hài cốt” và đề nghị phát tâm cất bốc. Ngân hàng CSXH Việt Nam sau đó triển khai chương trình “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ”. Đường dây của Thuý tham gia và đã lừa, chiếm đoạt 7 tỷ đồng qua 4 đợt cất bốc. Để thực hiện phi vụ làm ăn béo bở này, Thúy, Duyên và đồng bọn đã tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ như Nghĩa trang liệt sĩ Tuyên Hóa, Quảng Bình; Hương Điền, Thừa - Thiên Huế; Gio Linh, Quảng Trị đào lấy trộm tổng cộng khoảng 60 bộ hài cốt liệt sĩ đi chôn ở các nơi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Đến ngày 25-7-2013, khi Thúy, Duyên và đồng bọn đang thực hiện cái gọi là “soi” hài cốt, “tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ” tại thôn Lâm Xuân (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) thì bị các cơ quan chức năng địa phương phát hiện, ngăn chặn và tố cáo. Trong quá trình điều tra, Công an Quảng Trị cũng xác định được ông Vũ Đức Chung (69 tuổi, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô)  đã nhận 30 triệu đồng để nhóm của Thúy lấy một số hài cốt liệt sĩ vô danh ở nghĩa trang.

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can đã phạm tội theo tội danh nào và sẽ phải chịu hình phạt ra sao?

Ý kiến bạn đọc 

Táng tận lương tâm, cần trừng trị ở mức án cao nhất

Đây là một hành vi táng tận lương tâm nhất, lại được nhiều người dàn dựng. Hành vi này phải đưa ra ánh sáng, phải được ngăn chặn. Xã hội không thể để việc này tồn tại. Không thể dùng lá cờ nhuốm máu các Anh hùng liệt sĩ phủ lên các đống xương giả. Hành động của hai nghi can chủ mưu đã gây đau khổ gấp bội lần cho thân nhân liệt sĩ. Một lần mất thân nhân, người nhà lại thêm lần nữa bị lừa, bị xúc phạm. Ngoài việc các nghi can đã phạm các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Xúc phạm mồ mả, các nghi can còn phạm các Tội Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội ( Điều 86 Bộ Luật Hình sự). Cần loại trừ những kẻ chủ mưu ra khỏi xã hội.

Trần Phương 
( Yên Mô, Ninh Bình)

Phạm tội lừa đảo và hành nghề mê tín dị đoan

Theo tôi, hành vi của các nghi can đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo theo điều 139 ( Bộ luật Hình sự). Nghi can Thúy đã dùng thủ đoạn gian dối, làm mộ giả, xương cốt giả và hiện vật giả để những gia đình có nguyện vọng tìm mộ tin tưởng đó là hiện vật của người thân của mình và tin rằng nghi can có khả năng ngoại cảm, thấu thị để tìm được mộ.

Từ đó dẫn đến việc các gia đình đã “tự nguyện” trao tiền cho nghi can Thúy. Như vậy hành vi của Thúy và các đồng phạm là cố ý, đã tạo ra mộ giả để người khác tin đó là sự thật với mục đích để chiếm đoạt tài sản. Song bên cạnh đó, tôi thấy hành vi của nghi can Thúy và đồng phạm cũng đủ yếu tố cấu thành tội hành nghề mê tín dị đoan theo điều 247 Bộ luật Hình sự. Các nghi can đã thực hiện các hành vi hành nghề mê tín dị đoan để kiếm tiền, chẳng hạn như việc áp vong, gọi hồn để nói chuyện với “người âm”, nhờ người âm đưa đến những chỗ đặt mộ (thực chất là mộ giả).

Hành vi của các nghi can khiến người dân mê muội, mù quáng tin vào những thứ nhảm nhí do các nghi can tự bịa ra mà không có cơ sở khoa học. Đặc biệt, hành vi của nghi can Thúy đã gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, cần phải truy tố thêm về hành vi hành nghề mê tín dị đoan.

Nguyễn Văn Minh 
(Hiệp Hòa Bắc Giang)

Tổng hợp đầy đủ các tình tiết tăng nặng của tội lừa đảo

Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định một số tình tiết tăng nặng như sau: Phạm tội có tổ chức, Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt khoản 4 - điều 139 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong vụ án này, hành vi của các nghi can đã phạm vào nhiều tình tiết tăng nặng mà điều luật quy định. Cần xét xử nghiêm với khung hình phạt cao nhất và bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

Vũ Văn Nghĩa 
(Đồng Hới, Quảng Bình)

 Bình luận của luật sư 

Xem xét kỹ nội dung vụ án, chúng ta thấy rõ, có ba hành vi của các nghi can có dấu hiệu vi phạm các điều luật của Bộ luật Hình sự. Hành vi thứ nhất là làm giả các mộ liệt sĩ để lừa thân nhân và các tổ chức để chiếm đoạt tài sản. Hành vi này do nghi can Thúy và nghi can Duyên làm chủ mưu, các nghi can khác là đồng phạm. Hành vi thứ hai là hành vi trộm cắp các hài cốt tại các nghĩa trang. Hành vi này của các nghi can Nguyễn Văn Hoành, Mẫn Đức Phương, Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Anh Chiều trực tiếp phạm tội, Thúy và Duyên là đồng phạm. Hành vi thứ ba là hành vi nhận tiền hối lộ để cho người khác xâm hại mồ mả các liệt sĩ trong nghĩa trang. Hành vi này do nghi can Vũ Đức Chung thực hiện. Chúng ta cần phân tích để xác định rõ các hành vi này đã phạm tội theo các tội danh nào.

Ở hành vi trộm cắp các hài cốt của người dân và các liệt sĩ, các nghi can Hoành, Phương, Sơn, Chiều đã lén lút đào trộm hài cốt tại các nghĩa trang để tạo các mộ giả lừa các thân nhân liệt sĩ. Tại điều 246 Bộ luật Hình sự quy định: người có hành vi đào phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì phạm Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Hình phạt cho hành vi phạm tội này có thể lên đến 5 năm tù. Ở hành vi này, các nghi can Thúy và Duyên đóng vai trò tổ chức, theo điều 20 Bộ luật Hình sự, Thúy và Duyên là đồng phạm trong tội này.

Ở trường hợp các nghi can trực tiếp đào lấy hài cốt tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk Tô có sự giúp sức của nghi can Vũ Đức Chung, vì vậy nghi can Vũ Đức Chung cũng là đồng phạm với tội danh Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Nghi can Chung còn có hành vi nhận 30 triệu đồng hối lộ để được đào trộm lấy hài cốt của những liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang do nghi can Chung làm quản trang. Hành vi này đã có dấu hiệu phạm tội theo tội danh Tội nhận hối lộ theo điều 279 Bộ luật Hình sự.

Nội dung của điều luật này: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội nghiêm trọng có thể bị xử phạt tới tử hình. Ông Chung được giao trách nhiệm quản trang nhưng nhận tiền để không bảo vệ các mộ liệt sĩ đã vi phạm điều luật này.

Tuy nhiên, cần nói rõ, nghi can Chung chỉ có một hành vi phạm tội, vì vậy nếu truy tố nghi can Chung đồng phạm trong tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì hành vi nhận 30 triệu có thể coi là tình tiết tăng nặng, hoặc ngược lại. Nhưng nếu nghi can Chung biết rõ việc lấy trộm hài cốt để lừa đảo mà vẫn để các nghi can khác lấy hài cốt đem đi thì nghi can Chung chắc chắn sẽ bị truy tố thêm với vai trò đồng phạm với nghi can Thúy, Duyên tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Hành vi làm mộ giả và sử dụng các thủ thuật tâm thần để thân nhân các liệt sĩ, các tổ chức quy tập mộ liệt sĩ nhầm tưởng là mộ liệt sĩ để chiếm đoạt tài sản của các thân nhân liệt sĩ và các tổ chức của nghi can Thúy và Duyên có dấu hiệu lừa đảo rất rõ. Có lẽ không phải tranh luận nhiều. Hành vi của nghi can Thúy và Duyên có nhiều tình tiết tăng nặng, ngay cả việc những hành vi này làm ảnh hưởng đến các chính sách xã hội của Nhà nước, gây dư luận xấu đối xã hội cũng là những tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, một độc giả có ý kiến cần xử mức án đến tử hình là không đúng.

 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 (Luật số 37/2009/QH12) đã hủy mức án tử hình đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy vậy, chắc chắn hai nghi can Thúy và Duyên sẽ bị truy tố theo khoản 4 điều 139 BLHS với mức án tù 20 năm tới tù chung thân. Các nghi can Hoành, Phương, Sơn, Chiều với vai trò đồng phạm tòa án sẽ tùy theo mức độ phạm tội để định hình phạt. 

 Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)