Cuối năm, thực phẩm... bẩn "đổ bộ" tấn công người tiêu dùng

ANTD.VN - Càng về cuối năm, nhiều loại thực phẩm bẩn, thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... được các đối tượng tuồn ra thị trường để "đáp ứng" nhu cầu của người tiêu dùng.

Dịp cuối năm thực phẩm bẩn được dịp tung hoành

Càng cận kề Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội liên tục phát hiện những vụ việc vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP).

Kinh hãi thực phẩm... bẩn!

Hàng tấn nội tạng động vật bốc mùi hôi thối được đưa ra thị trường bán cho các nhà hàng, quán ăn; hàng tấn sản phẩm từ động vật, gia súc, gia cầm được chế biến, đóng gói thành phẩm sau khi được biến hóa, nhào trộn cùng với các chất tẩy trắng, làm màu... mua của Trung Quốc rồi tung ra thị trường bán cho người tiêu dùng.

Điển hình, ngày 3-2, các trinh sát Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) và CAH Đông Anh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật của ông Nguyễn Hữu Doanh (SN 1968, ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh).

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện cơ sở này đang hoạt động bình thường và các công nhân tại cơ sở đang ngâm tẩm ô-xi già (dùng để vệ sinh dụng cụ y tế) vào hàng tạ thịt, tai lợn để chế biến bán ra thị trường.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Doanh khai nhận số thịt, tai lợn trên được cơ sở thu mua tại các lò mổ trên địa bàn huyện, sau đó mang về ngâm ô-xi già rồi tiếp tục quay vòng, đem đến các chợ trên địa bàn bán lẻ và bán sỉ cho ra tỉnh lân cận.

Quá trình kiểm tra, cơ sở này không có giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. Mặc dù vậy, cơ sở này hoạt động đã được 5 năm và mỗi ngày ông Doanh “chế biến” hàng tạ sản phẩm động vật bán ra thị trường mà không bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”.

Cùng ngày, lực lượng liên ngành trên tiếp tục kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Năng Ngọc (SN 1968, ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối) đang hoạt động, ngâm tẩm gân trâu, bò với bột tẩy trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện bột tẩy màu trắng do cơ sở này sử dụng có nguồn gốc xuất xứ ngoài bao bì ghi dòng chữ số Na2S2O5. Làm việc với tổ công tác, chủ cơ sở khai nhận, chất bột màu trắng được Ngọc mua của một đối tượng người Trung Quốc, mang về tẩy trắng gân trâu, bò được cơ sở thu gom trên địa bàn.

Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với các lực lượng liên ngành thành phố kiểm tra, phát hiện cơ sở chế biến gân trâu, bò bằng hóa chất của Trung Quốc

Sau khi ngâm, tẩy rồi phơi khô, cơ sở của Ngọc đóng gói bán trôi nổi trên thị trường với giá khoảng 380 nghìn đồng/kg. Cơ sở này hoạt động từ tháng 6-2017 đến nay. Theo ước tính, mỗi tháng, cơ sở bán ra thị trường gần 1 tấn gân trâu, bò ngâm tẩm, tẩy trắng và phơi khô. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ gần 1 tấn gân bò, trâu các loại.

Thời điểm vàng cho thực phẩm bẩn

Có thể thấy, vào dịp cuối năm, không chỉ riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM mà ngay các tỉnh - thành trên khắp cả nước, tình trạng thực phẩm bẩn thừa dịp trà trộn, len lỏi được đưa vào thị trường bán cho người tiêu dùng.

Trước sự “đổ bộ” của những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, khiến cho nhiều người tiêu dùng vô cùng e ngại về vấn đề vệ sinh, an toàn. Đây cũng là thời điểm vàng và trở thành mảnh đất màu mỡ cho lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch lên ngôi. Tuy nhiên, thực phẩm gọi là sạch nhưng thực sự sạch chưa thì chỉ có người bán mới biết.

Thượng tá Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội cho biết, theo như thường lệ, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa của người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và người dân cả nước tăng cao. Đây cũng là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm mất vệ sinh, không đảm bảo ATTP. Do thói quen của người dân, vào dịp Tết thường ra các chợ mua hàng của những người không có địa điểm kinh doanh cố định, không có địa chỉ rõ ràng, sẽ dễ mua phải thực phẩm... bẩn!

Thiếu tá Vũ Thị Hoàng Yến, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội nhận định, có thể thấy rằng, thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Nắm bắt được điểm này của người tiêu dùng, thị trường thực phẩm cũng trở nên sôi động hơn. Đây là lúc các hoạt động tiêu thụ, buôn bán thực phẩm diễn ra mạnh. Thời điểm này rất dễ phát sinh các “điểm nóng” về thực phẩm và là cơ hội để các đối tượng buôn bán thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường.

“Để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán này, Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội đã liên tục triển khai các kế hoạch tấn công tội phạm, mở đợt cao điểm, kiểm tra phá hiện bắt giữ và xử lý nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh ATTP”, Thiếu tá Vũ Thị Hoàng Yến cho biết.

Hàng tạ tai lợn sơ chế bằng ô-xi già không đảm bảo ATTP

Theo Thượng tá Trần Anh Tuấn, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình hình ATTP trên địa bàn thành phố sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bộc lộ nhiều vi phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP trong thời gian tới và dịp Tết Nguyên đán này, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đã triển khai một số kế hoạch, chuyên đề riêng của mình, trong đó chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

“Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết về ATTP. Thực tế vẫn còn không ít người tiêu dùng chưa lưu tâm đến nguồn gốc xuất xứ của loại hàng hóa mình mua. Nhiều người phó thác niềm tin cho người bán hàng, đến khi sử dụng, nhận biết thực phẩm hỏng, ôi thiu hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thì lại chọn cách... im lặng, tặc lưỡi cho qua, hoặc không sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó nữa”, Thượng tá Trần Anh Tuấn chia sẻ.