Chiêu trò kiếm chác nhờ dự án Nhà máy thủy điện Sơn La của hàng loạt "quan" xã, tỉnh

ANTD.VN - Theo Cơ quan ANĐT, UBND huyện Mường La đã ban hành kế hoạch đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi đất chi tiết sai quy định. Và đó là tiền để cho những sai phạm nghiêm trọng tiếp theo, trong quá trình GPMB phục vụ dự án Nhà máy thủy điện Sơn La.

Nhiều khu dân cư ở tỉnh Sơn La đã phải di dời để phục vụ dự án Nhà máy thủy điện

Diễn tiến điều tra mới nhất của vụ án liên quan đến công tác GPMB dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, là ngày 20-11, CQĐT Công an tỉnh Sơn La đã thực lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với Đèo Văn Ban (61 tuổi) - nguyên cán bộ UBND huyện Mường La, Bí thư chi bộ bản Co Chai, xã Mường Chùm (Mường La) để điều tra về tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Ra gian lận, vừa “la làng”

Như Báo ANTĐ thông tin, ngày 19-11, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La đã có cuộc họp thông tin về vụ án liên quan đến việc Cơ quan ANĐT Công an tỉnh khởi tố hàng loạt bị can là cán bộ huyện, tỉnh.

Theo đó, ngày 15-11, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 17 đối tượng (trong đó có 15 đảng viên) và ra lệnh bắt tạm giam 15 bị can, áp dụng dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú 2 bị can. Đối tượng Đèo Văn Ban là bị can thứ 18 bị khởi tố trong vụ án này.

Từ trái qua phải: các bị can Dũng, Diện, Hoa

Có 2 nhóm bị can bị khởi tố điều tra về các tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến các vi phạm trong công tác bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La.

Trong số các đối tượng bị khởi tố, đáng chú ý có ông Triệu Ngọc Hoan, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Sơn La; ông Trương Tuấn Dũng, Phó giám đốc Sở Tài chính (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mường La); ông Phan Tiến Diện, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mường La)…

Tìm hiểu công tác GPMB dự án Nhà máy thủy điện Sơn La trong thời gian qua, đặc biệt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân, dễ dàng nhận thấy nổi lên 1 nhân vật: Đèo Văn Ban – bị can thứ 18!

Từ năm 2015 đến nay, liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về đất đai qua các thời kỳ, một số hộ dân đã có đơn thư khiếu kiện đòi chế độ bồi thường, hỗ trợ. Các đơn thư này đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn tiếp tục gửi đơn thư khiếu kiện và lôi kéo đông người tham gia nhằm gây sức ép đòi hỏi chế độ, gây mất ANTT; trong đó có Đèo Văn Ban.

Cho đến khi CQĐT vào cuộc, sự thật đã được hé lộ. Động cơ gửi đơn thư, xúi giục người dân khiếu kiện của Đèo Văn Ban chính là nhằm che giấu hành vi phạm tội của ông ta.

Gia đình Đèo Văn Ban có diện tích đất được đền bù trong dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, và đã nhận tiền đền bù từ năm 2005. Năm 2014, tỉnh Sơn La có chủ trương giao UBND huyện Mường La đo đạc bản đồ xem xét phần đã bồi thường và chưa bồi thường di dân tái định cư để lập phương án trình UBND tỉnh.

Lợi dụng chủ trương này, ông Ban đã cùng với nhóm cán bộ vừa bị khởi tố hợp thức hóa nhiều giấy tờ để nhận tiền đền bù, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Theo đó, năm 2014, diện tích đất nhà ông Ban rộng khoảng 4,5 ha, nhiều phần đã bị ngập nước không thể đo đạc được. Nhưng sau đó, gia đình ông Ban vẫn đứng tên sở hữu tới hơn 17 ha (?!) Kết quả điều tra cho thấy, ngay cả phần đất đã bị ngập nước cũng được Đèo Văn Ban và các đối tượng kê vào hồ sơ với diện tích tăng lên gấp nhiều lần; và tất cả các khâu từ đo đạc, lập bản đồ, thẩm định thu hồi, bồi thường và hỗ trợ đều được hợp thức hóa. Đây cũng là một trong những thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để rút ruột ngân sách của Nhà nước.

Hơn 100 quyết định…ký bậy

Quá trình điều tra đến thời điểm này, CQĐT bước đầu xác định, có 62 quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất chi tiết và 46 quyết định phê duyệt phương án bồi thường do UBND huyện Mường La phê duyệt sai quy định. Cùng với đó là 16 bản đồ không được thẩm định, nhưng vẫn được Sở Tài nguyên môi trường ký xác nhận.

Cơ quan tố tụng tiến hành khám xét nơi ở của1 bị can trong vụ án

Đây là tiền để cho những sai phạm tiếp theo, và nghiêm trọng nhất là cán bộ đo đạc đã lập khống bản đồ địa chính, đã từ đất ngập nước không thể đo đạc “hô biến” thành đủ mốc giới rõ ràng khi lên phương án đền bù, chi trả tiền.

Cả huyện Mường La có hơn 600 hộ dân trong tình trạng hồ sơ đất đai có biểu hiện bị lập khống. Trong đó, hộ tăng diện tích đất, hộ không đúng loại đất so với thực tế như đất rừng phòng hộ thành đất rừng sản xuất… để nhận tiền bồi thường của Nhà nước.

Hành vi sai phạm của các đối tượng diễn ra tập trung từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2015. Trước dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có hệ thống, Công an tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch thực hiện công tác bắt bị can tạm giam, khám xét nơi làm việc, nơi ở, đồ vật, tài sản bị can.

Trong các ngày 16, 17 và 18-11, Cơ quan ANĐT đã chủ trì cùng Viện KSND tỉnh và các cơ quan chức năng thi hành lệnh bắt, khám xét các bị can để phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Ngoài 2 nhân vật “chóp bu” bị CQĐT tạm giam là ông Trương Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính, và Phan Tiến Diện - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Sơn La; ông Triệu Ngọc Hoan – Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh bị khởi tố, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, về tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Hoan được cho là đã ký 16 bản đồ của đơn vị đo đạc thuộc Văn phòng đăng ký đất đai, nhưng không thẩm định, kiểm tra kỹ nội dung.