Bắt trùm ma túy người El Salvado và những phi vụ vận chuyển ma túy liều lĩnh

ANTĐ - Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Bộ Công an, tình hình tội phạm vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam qua đường biển và đường hàng không thời gian qua đang có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là vụ việc do trùm ma túy người El Salvado cầm đầu với số lượng lớn nhất vào Việt Nam từ trước đến nay vừa bị triệt phá. Tình hình này đã đặt lực lượng đấu tranh phòng chống ma túy trước những thử thách không hề nhỏ.

Vụ vận chuyển Cocain với số lượng lớn nhất vào Việt Nam

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Bộ Công an phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và một số lực lượng chức năng đã kiểm tra container lô hàng ván sàn gỗ ép nhập khẩu từ một nước Nam Mỹ về Việt Nam bằng đường tàu biển và cập cảng Cát Lái, TP.HCM. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ rà soát, khi lực lượng chức năng dùng khoan để khoan sâu vào những ballet gỗ dùng để đỡ 10 kiện hàng thì phát hiện thấy chất bột trắng tuồn ra theo đầu mũi khoan. Mẫu vật được đem thử nhanh bằng thuốc thử và cho kết quả cocain.

 Ngay lập tức, toàn bộ 10 tấm pallet, mỗi tấm chứa 4 trụ thanh ngang được gỡ ra. Cơ quan chức năng phải dùng búa, xà beng để phá dỡ. Theo đó, có 160 cục bọc kín chứa 31,6 kg cocain được phát hiện. Được biết, đại diện nhập khẩu lô hàng ván sàn chứa cocain là công ty chuyên giao nhận có trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh tại TP.HCM. Đặc biệt, container chứa cocain này khi khởi hành từ Paraguay ngày 30-1, đã đi qua nhiều cảng biển, gần nhất là cập cảng Singapore trước khi bị phát hiện tại cảng Cát Lái.  

Mở rộng điều tra, chỉ ít ngày sau đó Cục Cảnh sát phòng chống ma túy đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng nghi vấn của một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và phát hiện thêm hơn 10kg cocain. Trước đó, lô hàng này gồm 4 trục lăn máy xay lúa được vận chuyển qua đường hàng không từ Argentina đến sân bay Nội Bài. Số cocain được cất giấu bên trong ống kim loại (kết cấu giống thiết bị phụ tùng của máy nổ), 2 đầu ống được hàn kín. Cơ quan chức năng phải dùng máy cắt 2 đầu ống kim loại mới lấy cocain ra được để giám định.  

Ngay sau đó, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy đã tiến hành bắt giữ chủ nhân của cả hai lô hàng này là Carlos Rene (SN 1979), quốc tịch El Salvado. Kết quả khám xét nơi tạm trú của đối tượng đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan hoạt động vận chuyển cocain trái phép. Trong đó, có một số tài liệu quan trọng về thị trường phân phối cocain khắp nơi trên thế giới. Carlos Rene được nhận định chính là “ông trùm” của đường dây vận chuyển, buôn bán cocain xuyên quốc gia này. Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác định, tham gia điều hành đường dây này là các đối tượng người nước ngoài, tạm trú tại TP.HCM.

 Trước đó, vào ngày 10-6-2014, Carlos Rene lấy tên giả là Maximo đến chi nhánh của Công ty Delta ký hợp đồng nguyên tắc dịch vụ, giao nhận hàng hóa. Carlos Rene đã lợi dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế qua Công ty Delta để tuồn cocain vào Việt Nam. Từ tháng 6-2014 đến 5-2015, Carlos Rene đã gửi nhiều chuyến hàng từ các nước Nam Mỹ về Việt Nam, trong đó có 2 vụ việc mới bị phát hiện. Trên cơ sở những tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra của Việt Nam xác định chỉ sau thời điểm đó ít ngày sẽ có một lô hàng cocain vận chuyển từ TP.HCM đến Hồng Kông bằng đường biển.

Ngay sau đó, thông tin này đã được cơ quan phòng chống ma túy của Việt Nam trao đổi với cảnh sát, hải quan Hồng Kông (Trung Quốc). Trên cơ sở nguồn tin do phía Việt Nam cung cấp, Hải quan Hồng Kông đã phát hiện 19,3kg cocain cất giấu trong lô hàng cặp, ba lô học sinh được vận chuyển từ TP.HCM đến Hồng Kông bằng đường biển và bắt hai đối tượng người Colombia và El Salvador. Theo đánh giá của Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, số lượng cocain thu giữ tổng cộng trong chuyên án lên tới gần 60kg, là số lượng cocain thu giữ lớn nhất từ trước đến nay.

Gia tăng nhiều về số lượng

Thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy, trong những năm gần đây, loại tội phạm này không chỉ lợi dụng địa hình hiểm trở rừng núi để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ mà còn tìm những kẽ hở trong khâu kiểm soát để đưa ma túy qua đường biển, đường hàng không vào nước ta. Tính từ năm 2008, trên tuyến hàng không, riêng lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện, bắt giữ 57 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 96,78 kg heroin, hơn 63 kg ma túy tổng hợp và 2.065 viên ma túy tổng hợp…

Trước tình hình đó, lực lượng Phòng chống ma túy đã nghiên cứu, tập trung bóc gỡ, bắt giữ các vụ vận chuyển trái phép ma túy trên những tuyến giao thông này và đã phát hiện được nhiều vụ việc nghiêm trọng. Điển hình như giữa năm 2014, một nữ hành khách tên Pantimoong Narisara, 25 tuổi, quốc tịch Thái Lan đi trên chuyến bay QR964 của hãng hàng không Qatar Airways đi từ Doha (Qatar) nhập cảnh qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã mang theo gần 4kg cocain. Lô hàng này được cất giấu trong 2 chiếc ba lô để trong một túi xách gửi theo hành lý ký gửi. Đối tượng khai nhận đã đưa lô hàng này đi qua một số quốc gia nhưng khi đến Việt Nam thì bị bắt giữ. Theo ước tính, trị giá số cocain bị thu giữ là khoảng 25 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng cũng bắt giữ hành khách Sriwalai Yuwadee, quốc tịch Thái Lan, nhập cảnh trên chuyến bay EY441 từ Abu Dhabi tới Tân Sơn Nhất, vận chuyển trái phép gần 3kg cocaine. Số cocaine này được đóng trong một gói nylon giấu dưới tấm lót đáy valy. 

So với việc vận chuyển ma túy bằng đường bộ, việc vẩn chuyển ma túy qua đường biển và đường hàng không cũng không hề kém cạnh về những chiêu thức tinh vi. Trong vụ việc cơ quan chức năng phát hiện vào tháng 12-2014, và bắt giữ Lâm Thị Kim Hồng Hạnh mang quốc tịch Úc đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Melbourne (Úc). Khi kiểm tra hành lý của đối tượng này, lực lượng chức năng phát hiện ma túy được giấu trong quần lót, áo ngực và còn nhét cả trong vùng kín, hậu môn với số lượng 379,69 gram.

Ma túy đã được Hạnh khéo léo gói kỹ bằng những cuộn tròn, bọc nilon. Mỗi khúc ma túy được nén chặt lại, chiều dài khoảng 5 - 7cm giúp Hạnh dễ dàng giấu kín trong cơ thể khiến việc di chuyển không thấy gì khác thường. Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ Nguyễn Thị Hương (SN 1943) quốc tịch Úc, đi trên chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đến Sydney (Úc). Hành lý ký gửi của Hương khi qua máy soi X quang, máy chiếu được nhân viên xác định không có gì khác thường. Tuy nhiên, bằng cảm quan nghề nghiệp, cơ quan chức năng đã giữ lại những bánh xà phòng hiệu Shinzu’i. Qua kiểm tra tìm thấy ma túy được đóng gói thành cục trong từng bánh xà phòng.

Lô hàng trị giá hơn 10 tỷ đồng với trọng lượng khoảng 2,792kg. Thủ đoạn tinh vi hơn là trong vụ bắt giữ đối tượng Loke Dah Lee (SN 1976) mang quốc tịch Singapore khi đang làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đi Cao Hùng - Đài Loan. Hành lý của Lee khi qua máy soi chiếu không có vấn đề gì bất thường. Qua điều tra hồ sơ về hành trình di chuyển của Lee cũng không thấy nổi cộm vấn đề gì. Lee không đi qua vùng nóng ma túy và không có tin tức gì cho thấy Lee dính líu đến vấn đề về buôn bán, vận chuyển ma túy. Tuy nhiên, điểm đáng ngờ nằm ở những bao kẹo do Lee ký gửi, bởi ẩn sâu trong từng chiếc kẹo có đặc điểm gì đó khác thường. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong chiếc kẹo sầu riêng, trong vỏ đậu phộng của Lee là những viên nén hình con nhộng chứa ma túy. Lee đã chia nhỏ ma túy, ép chân không cho dính lại, cuộn thêm bên ngoài bằng bao bóng, sau đó Lee lột sạch nhân đậu phộng và nhét vào với trọng lượng lên đến 2.9kg heroin. 

Cần đẩy mạnh công tác đấu tranh

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy qua đường biển và đường hàng không, mới đây lãnh đạo Bộ Công an, đã thành lập Phòng phòng ngừa đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến hàng không và đường biển thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy. Đây sẽ là lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống ma túy trên tuyến đường biển và hàng không, do vậy việc tiến hành các mặt nghiệp vụ cơ bản chuyên sâu và công tác kiểm soát người và hàng hóa qua đường biển và đường hàng không sẽ được chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy cho biết, để cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến hàng không, đường biển đạt hiệu quả hơn, cần phải chú trọng nâng cao các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Hải quan, An ninh hàng không, cơ quan xuất nhập cảnh nhằm nắm chắc tình hình tại các sân bay, cảng biển cũng như các đối tượng có biểu hiện nghi vấn; phương thức, thủ đoạn của tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy để chủ động trong việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. 

Để hoạt động phòng chống tội phạm buôn bán ma túy trên tuyến đường biển và đường hàng không có hiệu quả, một vấn đề rất quan trọng được đặt ra đó là hợp tác quốc tế trong phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm ma túy, tập huấn nâng cao trình độ, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước trong đó chú trọng vào các nước có các tuyến hành trình đến Việt Nam hay bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Bên cạnh đó, tại các sân bay, cảng biển cần trang bị và đưa vào sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm kiểm tra, phát hiện ma túy như máy soi phát hiện ma túy trong hành lý, máy chụp X quang phát hiện ma túy cất giấu trong cơ thể, máy ngửi ion ma túy…

 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy cũng đề nghị cho sử dụng máy chụp cơ thể đặt tại các sân bay, mà trước hết đặt tại các sân bay lớn có nhiều tuyến bay quốc tế như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, đồng thời tạo điều kiện trong việc kết nối mạng giữa các hãng hàng không với cơ quan Hải quan theo quy định của Chính phủ để thuận tiện cho công tác thu thập, phân tích xử lý thông tin về các đối tượng nghi vấn phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, cảng biển.