Ban Giám đốc Công ty CP khóa Minh Khai nhận trách nhiệm

(ANTĐ) - Liên tục trong hai ngày 15 và 16-1, Đội Chống hàng giả Phòng PC15 - CATP Hà Nội đã làm việc với các thành viên trong Ban Giám đốc Công ty CP khóa Minh Khai, cơ quan chủ quản của đơn vị này cùng những doanh nghiệp cung cấp hàng cho Công ty CP khóa Minh Khai. Bước đầu, Ban Giám đốc Công ty CP khóa Minh Khai đã thừa nhận trách nhiệm của mình.

Ban Giám đốc Công ty CP khóa Minh Khai nhận trách nhiệm

(ANTĐ) - Liên tục trong hai ngày 15 và 16-1, Đội Chống hàng giả Phòng PC15 - CATP Hà Nội đã làm việc với các thành viên trong Ban Giám đốc Công ty CP khóa Minh Khai, cơ quan chủ quản của đơn vị này cùng những doanh nghiệp cung cấp hàng cho Công ty CP khóa Minh Khai. Bước đầu, Ban Giám đốc Công ty CP khóa Minh Khai đã thừa nhận trách nhiệm của mình.

>>> Video clip: Công ty khóa Minh Khai kinh doanh khóa Minh Khai giả?!

>>> Mua danh ba vạn...

>>> Cái chết của một thương hiệu

Những dấu hỏi lớn

Ngày 16-1, Đội Chống hàng giả phối hợp cùng một số đơn vị chức năng đã tiến hành kiểm định sơ bộ một số mẫu khóa thu giữ tại Công ty CP khóa Minh Khai. Căn cứ theo hợp đồng mà Công ty CP khóa Minh Khai và đơn vị cung cấp khóa là Công ty Ngôi sao Châu Âu xuất trình với cơ quan công an, những ổ khóa này có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi bóc nhãn mác “Made in China” trên vỏ hộp khóa lại xuất hiện dòng chữ số - mã vạch - khác là 5791WXT/SP-ET. Có thể thấy rõ chủ ý của việc dán nhãn mác “Made in China” đè lên dòng chữ số này. Một điều tra viên Phòng PC15 nêu giả thiết, phải chăng việc dán đè nhãn mác nhằm che giấu nguồn gốc đích thực của những chiếc khóa? Liệu có đúng khóa được nhập từ Trung Quốc về hay mua trôi nổi trên thị trường, thậm chí là hàng nhập lậu rồi được lập hồ sơ để “qua mặt” cơ quan chức năng?

2 mẫu vỏ hộp - 1 loại khóa
2 mẫu vỏ hộp - 1 loại khóa

Qua xác minh số công nhân tham gia “công nghệ” làm khóa giả bị bắt quả tang, họ cho biết sau khi chuyển đổi khóa sang vỏ hộp khóa Minh Khai, họ được chỉ đạo phải trả lại vỏ hộp nhãn “Frego” cho đơn vị xuất hàng. Điều đáng chú ý là những chiếc vỏ hộp này không phải do Công ty CP khóa Minh Khai hay Công ty Ngôi sao Châu Âu in, mà được đặt in tại một cơ sở tận... Hải Phòng.

Một câu hỏi hiện đang được cơ quan Công an tập trung xác minh, là đã có bao nhiêu chiếc khóa “Made in China” được Công ty CP khóa Minh Khai “thay da đổi thịt” rồi tung ra thị trường. Hiện, ban lãnh đạo công ty này mới xuất trình được 2 hợp đồng nhập hàng vào tháng 7 và tháng 12-2007, với số lượng khoảng 16.000 chiếc. Đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.

Một thành viên trong ban lãnh đạo Công ty CP khóa Minh Khai tại buổi làm việc với cơ quan Công an ngày 15-1 đã “buột” ra một hợp đồng nhập hàng khác có số lượng lên tới 7.000 chiếc. Hợp đồng này hiện chưa được đơn vị xuất lẫn nhập hàng đưa ra. Một câu hỏi liên quan đến giá thành mỗi chiếc khóa.

Trong bản hợp đồng cung ứng hàng giữa Công ty CP khóa Minh Khai và Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ thương mại  BNB (một “nhánh” khác của Công ty Ngôi sao Châu Âu) lập vào ngày 1-7-2007, 6.000 chiếc khóa được mua với giá thành gần 61.0000 đồng/chiếc. Tuy nhiên theo tài liệu mà cơ quan Công an nắm được, thực chất giá thành mua bán 1 chiếc khóa giữa hai bên thấp hơn nhiều lần con số này.

Trách nhiệm thuộc về Ban Giám đốc

Làm việc với cơ quan Công an, ông Trương Minh Quang - Tổng GĐ Công ty CP khóa Minh Khai đã thừa nhận trách nhiệm cá nhân trước “sự cố” khóa Minh Khai “made in China”.

Theo ông Quang, việc nhập khóa này có sự bàn thảo với một số thành viên trong ban điều hành công ty như Phó Tổng GĐ Lê Tuấn Anh, Kế toán trưởng Dương Hồng Mai. Nhưng việc thông qua này không thể hiện cụ thể bằng văn bản.

Mã vạch thực chất của loại khóa bị thu giữ
Mã vạch thực chất của loại khóa bị thu giữ

Cuối năm 2005, Nhà máy khóa Minh Khai chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Mọi hoạt động sản xuất của công ty do Ban Giám đốc chịu trách nhiệm. Công ty có Hội đồng quản trị, nhưng HĐQT chỉ “quyết” những chủ trương lớn, những hợp đồng có trị giá lớn hơn 50% tổng tài sản của công ty.

Trong buổi làm việc với CQĐT ngày 15-1, ông Lê Quân - ủy viên HĐQT Công ty CP khóa Minh Khai tường trình, HĐQT không có chủ trương cho công ty nhập khẩu khóa Trung Quốc về và không biết về hành vi trên của Ban Giám đốc.

Theo ông Lê Quân, việc đặt hàng cơ sở khác sản xuất một số linh kiện trước đây công ty có tiến hành. Nhưng khi hàng đặt phải đáp ứng đúng thông số kỹ thuật, và chủ trương này phải công khai rộng rãi chứ không chỉ riêng ban GĐ biết. Theo tìm hiểu của PV, nguyên tắc những chiếc khóa nhập về trước khi đưa ra thị trường phải có kiểm định của cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Nhưng gần 20.000 chiếc khóa mà Công ty CP khóa Minh Khai nhập trong năm 2007 đã không tuân theo nguyên tắc này. Sai sót mà HĐQT Công ty CP khóa Minh Khai cũng như cơ quan chủ quản của đơn vị này là Tổng công ty Cơ khí xây dựng thừa nhận, nhẽ ra Công ty CP khóa Minh Khai phải đặt hàng trực tiếp tại nơi sản xuất chứ không nên thông qua trung gian thương mại.

Sau 34 năm gây dựng thương hiệu “khóa Minh Khai”, rất có thể, công sức ấy của nhiều thế hệ công nhân sẽ trở về con số 0 bởi cung cách làm ăn gian dối của một bộ phận ban lãnh đạo Công ty CP khóa Minh Khai.

Hà Trung