Bán được cả tài sản thế chấp, lỗ hổng của ngân hàng

ANTĐ - Có lẽ ngay sau khi vụ án xảy ra, ngân hàng V đã nhanh chóng rà soát để bịt lỗ hổng về cách thức quản lý tài sản thế chấp của mình. Thế nhưng, những thủ đoạn tương tự của tội phạm thì vẫn rất dễ tái diễn mỗi khi cơ hội đến...    

Bán được cả tài sản thế chấp, lỗ hổng của ngân hàng ảnh 1Cựu Giám đốc Công ty Trường An - Phạm Xuân Đắc tại phiên tòa mới đây

Thủ đoạn giản đơn

Khai báo hành vi phạm tội tại phiên tòa mới đây, Phạm Xuân Đắc (SN 1976, trú ở phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, Thanh Xuân) trình bày, đầu năm 2011, đối tượng thành lập và làm Giám đốc Công ty CP Thương mại xây dựng và du lịch Trường An (gọi tắt là Công ty Trường An) với ngành nghề kinh doanh chính là cho thuê xe ô tô tự lái. Biết rõ các ngân hàng có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn sắm ô tô kinh doanh, Đắc nhanh chóng sử dụng tư cách pháp nhân để vay tiền mua sắm hàng loạt phương tiện.

 Cụ thể, ngày 24-2-2011, đối tượng cùng vợ ký hợp đồng vay của ngân hàng V 800 triệu đồng trong thời hạn 60 tháng để mua cùng lúc 2 chiếc ô tô Chevrolet Cruze. Theo thỏa thuận, sau khi mua và đăng ký phương tiện, Đắc phải bàn giao giấy tờ xe cho ngân hàng làm tài sản thế chấp, đồng thời không được bán, cho tặng hoặc cầm cố cho người thứ ba trong suốt thời gian chưa thanh lý hợp đồng tín dụng. Và thực tế Đắc đã giao giấy tờ xe gốc cho ngân hàng V quản lý.

Thế nhưng khi cả 2 chiếc xe còn chưa lăn bánh được bao lâu thì đã bị Đắc lên kế hoạch bán cho người khác. Bằng thủ đoạn hoang báo bị mất đăng ký phương tiện, đối tượng tìm đến cơ quan chức năng xin cấp lại giấy tờ. Có được giấy tờ mới, Đắc dễ dàng “hô biến” cả 2 chiếc xe này.

Ngày 5-5-2011, vợ chồng Đắc tiếp tục ký hợp đồng vay của ngân hàng S hơn 870 triệu đồng để trả tiền mua 2 chiếc ô tô Chevrolet Cruze khác. Vẫn chiêu trò cũ, Đắc đưa giấy tờ xe gốc vào ngân hàng thế chấp rồi lại hoang báo là mất để xin cấp lại. Tuy nhiên, lần này kế hoạch không thành do gặp phải trở ngại khách quan nên Đắc quay sang “chế” đăng ký xe giả, rồi tiếp tục “hô biến”  cả 2 chiếc ô tô này. 

Tạo lỗ hổng để tội phạm có “đất sống”

Quá trình xét xử Phạm Xuân Đắc về các tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Tòa án Hà Nội khẳng định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì đã chiếm đoạt tài sản có giá trị rất lớn (tổng cộng hơn 3 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi đề cập tới bị hại và các nguyên đơn dân sự, HĐXX cũng chỉ rõ chính các ngân hàng liên quan, đặc biệt là ngân hàng V đã tạo ra lỗ hổng khiến bị cáo có cơ hội thực hiện tội phạm. 

Theo đó,  để tránh xảy ra rủi ro thì ngay sau khi tiếp nhận đăng ký ô tô gốc làm tài sản thế chấp, ngân hàng phải lập tức thông báo cho cơ quan chức năng biết tình trạng tài sản, đồng thời đề nghị không cấp lại giấy tờ xe mới nếu không có ý kiến của tổ chức đang giữ quyền quản lý tài sản. Đối với hành vi Đắc chiếm đoạt 2 chiếc ô tô của ngân hàng V, do không biết và không nhận được thông báo từ phía tổ chức tín dụng nên theo quy định của luật pháp, cơ quan chức năng buộc phải cấp lại đăng ký mới cho chủ sở hữu tài sản khi họ có yêu cầu chính đáng.

Cũng theo phân tích của tòa án, ngoài việc “phong tỏa” tài sản thế chấp về mặt giấy tờ, ngân hàng còn phải thường xuyên kiểm tra tài sản vật chất thực tế. Trường hợp Đắc chiếm đoạt xe ô tô của ngân hàng S, mặc dù ngân hàng này đã kịp thời thông báo hiện trạng tài sản đến cơ quan chức năng làm cho bị cáo không có cơ hội xin cấp lại đăng ký phương tiện nhưng do thiếu sự kiểm tra, giám sát tài sản vật chất nên tổ chức tín dụng này vẫn bị “đánh cắp” mất tài sản đang quản lý.

Chớ dại thả gà ra đuổi

Hiện nay, việc ngân hàng vô tình tạo ra lỗ hổng khiến tội phạm có “đất sống” không chỉ dừng ở những vụ việc như nêu trên mà còn liên quan sang cả những lĩnh vực khác. Vụ án Vũ Thanh Tùng (SN 1982, trú ở tổ 6, phường Ngọc Lâm, Long Biên) phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là một ví dụ.

Tùng vốn giữ chức phó phòng khách hàng, kiêm trưởng một quỹ tiết kiệm, thuộc ngân hàng H. Sở dĩ đối tượng chiếm đoạt được hàng chục tỷ đồng của hàng loạt khách hàng trong năm 2012-2013 là do ngân hàng này áp dụng chính sách ưu đãi đối với khách hàng VIP. Điểm nổi trội trong chính sách là khách hàng thường xuyên gửi tiền số lượng lớn sẽ không phải đến ngân hàng giao dịch mà nhân viên sẽ tới tận nhà phục vụ. Khách hàng VIP chỉ cần ký xác nhận vào các giao dịch do nhân viên mang tới là xong. 

Lợi dụng điều này, Tùng đã diễn trò “ảo thuật” với hàng loạt giấy tờ liên quan để sau đó giao cho khách hàng những quyển sổ tiết kiệm “rởm”. Hành vi chiếm đoạt tổng cộng hơn 24,7 tỷ đồng tại ngân hàng H của Tùng chỉ bị phát giác khi khách hàng mang sổ tiết kiệm đến rút tiền.

Khi ấy, trong dữ liệu tại ngân hàng thông báo tất cả các khoản tiền gửi của khách đã được Tùng tất toán từ trước đó rất lâu… Nói về lỗ hổng “chết người” này của ngân hàng H, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc để cho nhân viên chủ động đi huy động vốn một cách rất thoải mái không chỉ khiến tổ chức tín dụng dễ rơi vào tình trạng “mất cả chì lẫn chài” mà đó còn là hành vi trái với Luật các tổ chức tín dụng cũng như quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, các tổ chức tín dụng chớ dại mà “thả gà ra đuổi”.