Vượt qua gác chắn đường sắt, thách thức tử thần

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ số ra ngày 14-4 đăng bài “Tàu hỏa phanh gấp “nhường” đường cho xe máy”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc lên án sự thiếu ý thức làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn của không ít người tham gia giao thông hiện nay.

Vượt qua gác chắn đường sắt, thách thức tử thần ảnh 1

Đoàn tàu phải dừng khấn cấp “nhường” đường cho xe máy

Không qua được thì hậm hực

Là người thường xuyên đi qua điểm giao cắt với đường sắt, ông Vũ Ngọc Dũng ở khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, hầu như ngày nào khi đi qua nút giao thông từ đường Giải Phóng vào khu Linh Đàm vào thời điểm có tàu chạy qua, ông cũng chứng kiến cảnh người tham gia giao thông chen lấn nhau để cố tình vượt qua đường sắt dù nhân viên đường sắt đã kéo gác chắn để đảm bảo an toàn.

“Có những lúc gác chắn đã được kéo ra gần hết, đoàn tàu đang sầm sập lao đến, nhưng vẫn có người cố tình lao vào. Người chen lên được thì hả hê vui sướng, rồ ga phóng vù vù, người ở lại thì hậm hực, mặt đỏ tía tai quay ra quát tháo, gây sự với người bên cạnh, nhân viên gác chắn. Chỉ khổ những nhân viên này, để làm tốt nhiệm vụ, họ phải nhẫn nhịn chịu đựng chính những người mà họ vừa bảo vệ an toàn tính mạng” - ông Dũng thở dài.

Khảo sát tại tuyến đường sắt dọc theo đường Lê Duẩn - Giải Phóng - Ngọc Hồi (Hà Nội) vào thời điểm có tàu chạy qua, chúng tôi chứng kiến không ít vụ va chạm giữa người tham gia giao thông với nhân viên gác chắn. Họ đưa tay chặn gác chắn để len người qua và đòi phải mở chắn ngay cả khi một phần đoàn tàu vẫn đang di chuyển qua điểm giao cắt mà không biết rằng việc mở và đóng gác chắn phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt với thời gian đã được quy định.

Thực tế cho thấy, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc do người tham gia giao thông cố tình băng qua đường sắt khi đã có tín hiệu cảnh báo. Cùng với đó, không ít người tham gia giao thông đã hành hung, tấn công nhân viên gác chắn hoặc cố tình dùng phương tiện lao thẳng vào gác chắn.

Cách đây không lâu, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, xảy ra một vụ tai nạn đường sắt khiến một nữ hành khách nguy kịch. Nguyên nhân là do lái xe taxi bất chấp cờ hiệu báo dừng, cố tình điều khiển xe vượt lên và bị đoàn tàu đâm vào làm chiếc xe bị lộn nhiều vòng, hư hỏng nặng.

Ý thức tham gia giao thông kém

Theo Luật Giao thông đường bộ quy định, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua… Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người phớt lờ quy định này.

Ông Tạ Mạnh Thắng, Trưởng Ban An toàn giao thông đường sắt - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vụ việc tàu hỏa phải phanh gấp để “nhường” đường cho xe máy xảy ra tại điểm giao cắt ở quận Hà Đông vừa qua cho thấy ý thức của một số người tham gia giao thông rất kém. Khi họ bị kẹt trong khung gác chắn, nếu tàu không dừng lại được, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thảm khốc là rất cao. Đây là tình huống quá khó đối với các nhân viên gác chắn và lái tàu. Rất may nhân viên gác chắn đã kịp thời báo hiệu để lái tàu có biện pháp hãm khẩn. 

Cũng theo ông Tạ Mạnh Thắng, do các đoàn tàu có trọng tải hàng nghìn tấn nên cự ly hãm an toàn là 800m. Việc hãm khẩn có tác động rất lớn đến tàu, khiến đoàn tàu bị dồn dịch bất thường nên có thể gây hư hỏng tàu. Ở vị trí đường cong, việc hãm khẩn có thể gây lật tàu. Tuy vậy, do sự thiếu ý thức của người dân, để hạn chế tai nạn, đội ngũ lái tàu buộc phải áp dụng biện pháp này khá thường xuyên (trung bình 1 tháng từ 30-40 lần). 

Tai nạn đường sắt vô cùng thảm khốc, song đáng buồn là hiện vẫn còn nhiều người tham gia giao thông không ý thức được điều này. Họ hùng hổ vượt lên ngay cả khi đã có tín hiệu báo tàu đến, thậm chí tự tay kéo barie để có thể băng qua và ào ào tràn qua đường ray khi tàu vừa đi khỏi. Việc làm này chẳng khác nào thách thức tử thần.

Mặc dù hành vi này đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt và pháp luật hiện hành đã có chế tài cụ thể, song việc xử lý cá nhân vi phạm hầu như chưa được tiến hành. Để tránh xảy ra tai nạn, mỗi người dân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm người vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe.