Vụ tai nạn thảm khốc trên đèo Prenn: Xe khách mất phanh khi đổ đèo

ANTĐ - Nguyên nhân ban đầu gây ra vụ TNGT thảm khốc trên đèo Prenn (Lâm Đồng) được cho là do xe khách BKS: 60B-029.68 (Công ty Du lịch Lê Mỹ) bị mất phanh. Đèo Prenn là đèo cao, có độ dốc lớn và nhiều cua gấp, dù đã được cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

QL20 qua đèo Prenn khá dốc và nhiều khúc cua

Nghiêm trọng nhất từ trước tới nay

Ngày 20-6, các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn thảm khốc trên đèo Prenn đã được xuất viện, chỉ còn 1 nạn nhân Trần Ngọc Quang, là lái xe BKS: 60B-02968 do tình trạng bệnh diễn biến xấu đã được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). 7 nạn nhân tử vong cũng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ đưa về gia đình mai táng.

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn tới vụ tai nạn được xác định là do xe ô tô BKS: 60B-029.68 bị hỏng phanh khi xuống gần hết đèo Prenn đã đâm vào anh Phan Trọng Tâm (công nhân điều hành giao thông), sau đó tiếp tục đâm vào mạn trái xe ô tô BKS: 86B-007.25 (Công ty TNHH Vận tải Thanh Lịch) rồi trôi tự do và lật nghiêng vào sát vách núi ven đường. 

Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Prenn quanh co, tầm nhìn hẹp; đường hẹp, có độ dốc cao; mật độ giao thông dày vì có rất nhiều điểm tham quan, du lịch quanh khu vực này. Đoạn gần chân đèo Prenn đang được thi công cải tạo (nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc) có phần đường dành cho phương tiện lưu thông khá hẹp và được chia đôi bằng dải phân cách di động. Mỗi chiều lên - xuống chỉ vừa đủ cho 1 làn xe đi qua nên khá nguy hiểm. Đơn vị thi công đoạn đường này là Công ty Tấn Lộc (mua lại gói thầu từ Công ty TNHH Thu Trang, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã tạm dừng thi công sau khi vụ tai nạn xảy ra. 

Theo lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng, QL20 hiện do Tổng cục Đường bộ quản lý, chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và phân luồng, tổ chức giao thông. Hiện nay, QL20 đoạn qua đèo Prenn đang được Tổng cục Đường bộ  duy tu, sửa chữa nhưng việc thi công chỉ diễn ra vào ban đêm, ban ngày tạm dừng để các phương tiện lưu thông. Dù không thi công vào ban ngày, nhưng đơn vị thi công vẫn bố trí người phân luồng, điều tiết giao thông 24/24h. Sở GTVT Lâm Đồng thống kê, hàng năm, có từ 1-2 vụ TNGT xảy ra tại khu vực đèo này, nhưng vụ TNGT làm thiệt mạng 7 người vào ngày 19-6 vừa qua là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, 2 xe bị tai nạn còn thời hạn lưu hành. Tuy nhiên, xe BKS: 60B-029.68 không có thiết bị giám sát hành trình và không có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách. Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm. 

Đường hẹp nên hạn chế phương tiện

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia nhìn nhận, tại hiện trường vụ TNGT trên đèo Prenn, đường đang được thi công nâng cấp và đơn vị thi công về cơ bản chấp hành đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo ATGT. “Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra lại các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ, thống kê các điểm đen mất ATGT để có điều chỉnh kịp thời. Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ kiểm tra, rà soát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường đèo, dốc và nhiều khúc cua gấp phải đảm bảo có biển báo, sơn kẻ vạch đầy đủ”, ông Khuất Việt Hùng cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, hạ tầng giao thông trong những năm gần đây đã được nâng cấp, cải thiện rõ rệt, nhưng lái xe cũng phải có ý thức, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, trước khi lên đèo, đổ đèo có độ dốc lớn phải kiểm tra lại tình trạng an toàn của phương tiện. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, độ dốc cũng như tiêu chuẩn của tuyến QL20 đoạn qua đèo Prenn được làm đúng như thiết kế. “Về cơ bản hạ tầng, đường sá đảm bảo cho phương tiện lưu thông. Đường cũng đảm bảo có đầy đủ biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ lưu thông đối với khu vực đèo cao, nhiều khúc cua”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

Tại cuộc làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, tuyến đường qua đèo Prenn có địa hình phức tạp, một bên là vực sâu, một bên là núi nên rất khó để mở rộng. Về lâu dài, đoạn đường này sẽ được giao cho tỉnh quản lý và nên hạn chế các chủng loại xe được hoạt động trên tuyến đường này.