Vì sao trên đường cao tốc hay xảy ra tai nạn?

ANTĐ - Thật hiếm có đường cao tốc nào như Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) lại xảy ra tai nạn nhiều đến thế, hầu như không có ngày nào  không xảy ra tai nạn. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, Cục CSGT Đường bộ Đường sắt đều có báo cáo tổng kết, trình bày thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhưng đâu vẫn hoàn đó. Số vụ tai nạn chỉ có tăng lên mà chưa khi nào thấy giảm đi. Lý do vì sao?


Bức tranh xấu về giao thông

Tình hình trật tự an toàn giao thông trong 8 tháng đầu năm 2011 trên phạm vi cả nước đã xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 7.550 người và bị thương hơn 20.000 người, giảm về số vụ nhưng tăng số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chỉ nhìn vào những vụ tai nạn giao thông trên  đường được cho là cao tốc của Hà Nội như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bắc Thăng Long - Nội Bài hay Đại lộ Thăng Long trong những ngày gần đây là có thể thấy được bức tranh xấu về an toàn giao thông.

Ngày 17-9-2011, một vụ va chạm giữa xe mô tô và xe tải lưu thông cùng chiều trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đã khiến hai chị em họ cùng 19 tuổi thiệt mạng ngay tại chỗ gây ùn tắc cả tuyến đường. Trước đó hơn 1 tháng, trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài cũng xảy ra một vụ va chạm tại đường nhánh và đường chính giữa xe tải và xe mô tô khiến một người bị thương nặng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Vào khoảng 0g ngày 9-5-2011, chiếc xe khách 29 chỗ mang BKS 20K – 8335 đang dừng trên quốc lộ 1A đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, địa phận huyện Thường Tín thì bị xe tải chở đá chạy cùng chiều mang BKS 90T - 7166 tông phải. Sau cú va chạm, cả hai xe cùng lao qua dải phân cách. Hậu quả, lái xe và 3 người khác tử vong ngay tại chỗ, hơn 20 hành khách khác hoảng loạn, nhiều người bị thương nặng. Hai chiếc xe đều bị hư hỏng nặng… 3h sáng 4-5-2009, trong khi đang chạy trên quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín, Hà Nội), một ôtô chở đầy khách đã đâm thẳng vào đuôi xe tải chạy cùng chiều làm 4 người chết tại chỗ, 20 người khác bị thương.

Trước đó, 2h ngày 9-1-2007, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra tại ngã ba Pháp Vân. Một chiếc xe Mitsubishi 7 chỗ đã chui hẳn một nửa vào gầm sau  xe tải 18 tấn đang chạy theo chiều về Hà Nội. Trên chiếc ô tô 7 chỗ, hai người ngồi tại ghế lái và ghế phụ toàn thân dập nát, đã tắt thở. Một người thoi thóp tại băng ghế sau, ít phút sau cũng không qua khỏi.

Nguyên nhân gây tai nạn

Vẫn là những vần đề đã bàn và bàn muôn thuở đó là ý thức điều khiển phương tiện và cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam. Số liệu từ Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, có tới 80% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; 97% số vụ do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát, say rượu, bia… Như chúng tôi đã bàn đến trong số Báo An ninh Thủ đô cuối tuần gần đây là quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện đang có nhiều bất cập, gian lận, đào tạo thiếu bài bản và bớt xén thời gian học. Nhưng những học viên này vẫn được các doanh nghiệp, chủ xe tuyển dụng. Hay kể cả lái xe có bằng chuẩn nhưng không đúng chủng loại cũng được tuyển. Vì lợi nhuận nhiều nhà xe chấp nhận chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, đua tốc độ tranh giành khách dẫn đến... tai nạn.

Những cung đường này gọi là đường cao tốc nhưng theo một số chuyên gia về giao thông, hầu hết các con đường này đều có những đoạn bị lún, nghiêng; có quy định tốc độ tối đa nhưng chưa quy định tốc độ tối thiểu; nhiều đoạn bị khuất tầm nhìn do cây cối, đặc biệt là mặt đường không đạt độ êm thuận để phương tiện có thể chạy tốc độ 80km/h… Đường cao tốc mặc dù cũng đã được đầu tư quy hoạch, làm mới và nâng cấp nhiều tuyến giao thông khá hoàn chỉnh, nhưng lại thiếu đồng bộ, đặc biệt là tại các giao cắt, nối tuyến, hệ thống biển báo... chưa hợp lý gây nhiều hụt hẫng khi điều khiển phương tiện lưu thông. Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được coi là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam, nhưng tính từ khi được đưa vào sử dụng đến nay đã có hàng trăm vụ tai nạn giao thông trên con đường này.

Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng không bình thường vì lẽ ra tai nạn trên đường cao tốc phải giảm vì mặt đường tốt hơn, không có đường ngang, phân làn đường rõ ràng, được quy định về tốc độ tối đa và tối thiểu… Có thể nói, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ  thực ra chỉ là đường cấp cao, chứ chưa phải đường cao tốc. Bởi, chỉ cần căn cứ theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về dải an toàn giữa mép phần mặt đường dành cho xe ô tô chạy với mép dải phân cách; hành lang an toàn 2 bên đường và tiêu chuẩn ngành (TCN) về độ êm thuận chỉ mới đạt tiêu chuẩn đường cấp cao. Quan hệ giữa đường cao tốc với đường cấp cao có thể nói một cách ngắn gọn, dễ hiểu: đã là đường cao tốc thì chắc chắn là đường cấp cao. Nhưng đường cấp cao, chưa chắc đã là đường cao tốc. Chính vì những con đường của chúng ta chưa đạt tiêu chuẩn “cao tốc” nên việc áp dụng các quy định; yêu cầu phương tiện; sự vận hành phương tiện của lái xe vượt quá sự cho phép cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn.

Ngoài ra còn 1 nguyên nhân không nhìn thấy đó là sự ảnh hưởng của tự nhiên. Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Phóng, trường Đại học Mỏ - Địa chất thì ở một số nước phát triển như Đức, Hà Lan, Ba Lan... người ta tìm ra nguyên nhân tai nạn giao thông do từ trường địa điện từ trong lòng đất nơi con đường đi qua, dân gian gọi là tia đất, ảnh hưởng tới sức khỏe con người cả tích cực lẫn tiêu cực. Trường tích cực là trường tác động làm cho con người khỏe mạnh. Còn trường tiêu cực dân gian gọi là “hung khí”, “ác khí”. Nhà khoa học gọi là ác xạ. Loại này hình thành do sự phóng xạ trong lòng đất mà chủ yếu là xạ khí chất Radon, thứ cấp của phóng xạ Uraniom đi qua vết đứt gãy trong lòng đất rồi lẫn vào không khí trên mặt đất, làm con người hoảng loạn, mất tinh thần khi điều khiển phương tiện giao thông nên đã gây tai nạn…

Đinh tặc cũng là một nguyên nhân gây ra tai nạn trên đường cao tốc. Bạn đọc hẳn chưa quên cái chết của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Thủy và Võ Nguyễn Thu Thảo trên đường từ Quảng Nam ra Đà Nẵng. Anh Võ Ngọc Thanh (chồng chị Thủy) đèo 2 mẹ con đi đến km 979 + 973 QL1A thuộc địa bàn huyện Thăng Bình, Quảng Nam, thì bất ngờ bánh xe phía sau bị dính đinh trên đường làm thủng lốp, khiến anh Thanh loạng choạng tay lái, xe máy bị đổ đã hất mẹ con chị Thủy cùng ngã xuống đường. Đúng lúc đó một chiếc ô tô tải từ  phía sau chạy đến lao vào mẹ con chị Thủy khiến chị tử vong tại chỗ, cháu Thảo tử vong khi đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Còn trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thì chuyện rải đinh đã trở thành nỗi lo thường trực của những người phải đi qua đoạn đường này. Và để đề phòng bị dính đinh, nhiều người điều khiển xe máy đã đi sai làn đường, lấn sang phần đường của xe  ô tô, dẫn đến tình trạng bên phía mép đường thì rộng, còn phần giữa đường thì xe máy, ô tô chen lẫn. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn trên đường Pháp Vân.

Giải pháp hạn chế tai nạn?

Qua các nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho thấy, việc đường cao tốc không đạt tiêu chuẩn, trong khi các phương tiện giao thông lại đi với tốc độ của đường cao tốc nên rất nguy hiểm. Cơ quan quản lý đường bộ sớm kiểm tra thực tế hiện trường đối với các chỉ tiêu kỹ thuật không đạt tiêu chuẩn của tuyến cao tốc về dải an toàn, hành lang an toàn, độ bằng phẳng... Đường cao tốc hiện nay độ sụt lún cao. Có một thực tế là khi sửa chữa, theo dõi lún, các đơn vị thi công thường tôn cao để sụt xuống là vừa, chính vì vậy, tạo nên sự không bằng phẳng, thậm chí là hẫng cho người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là đoạn qua các điểm nối cầu.

Còn đối với những người tham gia giao thông ý thức kém cần phải xử phạt nghiêm, nhất là xe tải, xe khách, đối tượng chính gây ra tai nạn giao thông trên đường cao tốc. Tuyên truyền đến các đối tượng này Quy chế khai thác đường về phân làn xe, tốc độ tối đa (V max)... Đặc biệt là cự ly an toàn giữa các xe ô tô. Từng người lái xe cần thiết tự giác tuân thủ nghiêm ngặt cự ly an toàn (giữa xe ô tô của mình với xe ô tô chạy phía trước cùng chiều), không vi phạm tốc độ, đi sai làn xe quy định và thường xuyên kiểm tra phanh, lốp xe... bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật ATGT.

Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện nay có rất ít trạm kiểm soát, chỉ cắm chốt hai đầu nên đoạn giữa, dù quy định 80km, nhưng các lái xe có khi vẫn phóng đến 100km, thậm chí là 140km vì vậy CSGT cần tích cực tuần tra kiểm soát cơ động trên toàn tuyến công vụ. Trên cơ sở được cơ quan chức năng đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống camera thường xuyên hoạt động, hỗ trợ trong việc bắt lỗi những người lái xe vi phạm về cự ly ATGT.