Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội:

Vì sao tổng đầu tư tăng thêm 14.500 tỷ đồng?

ANTD.VN - Đại diện chủ đầu tư Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội cho biết, số tiền 14.500 tỷ đồng tăng thêm của tổng vốn đầu tư thực chất là do khác biệt giữa khái toán và dự toán chi tiết.

Dự án đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội dự kiến đến năm 2021 mới hoàn thành

Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km (trong đó đoạn đi trên cao 8,5km và đoạn đi ngầm 4,5km), được khởi công vào tháng 10-2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuyến này từng dự kiến khởi công vào năm 2006 nhưng vì nhiều lý do nên đã phải trì hoãn. Đây cũng là nguyên nhân khiến tổng vốn đầu tư của dự án này tăng thêm 14.500 tỷ đồng.

Mức đầu tư ban đầu chỉ là khái toán

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội là tuyến thí điểm do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Đại diện cho thành phố thực hiện dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Ngày 27-4-2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này với tổng mức đầu tư - khái toán là 18.408 tỷ đồng.

Trong khái toán ban đầu, 2 khoản chi lớn nhất là xây dựng 6.697 tỷ đồng và thiết bị 6.316 tỷ đồng. Còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án và một số hạng mục khác. Đặc biệt, khoản chi phí dự phòng 2.640 tỷ đồng cũng được tính vào tổng mức đầu tư. 

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, con số 18.408 tỷ đồng ban đầu chỉ là khái toán, được đưa ra dựa trên thiết kế cơ sở do đơn vị tư vấn cùng chủ đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập báo cáo khả thi. Trên thực tế, khi bước vào thực hiện, dự án đã phát sinh rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, xây dựng... khác xa thiết kế cơ sở.

Do đó, tháng 6-2013, tổng mức đầu tư dự án đã phải điều chỉnh tăng lên thành 32.910 tỷ đồng. Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Huy Hoàng cho biết: “Đây không phải đội vốn mà là điều chỉnh tổng mức đầu tư dựa trên thiết kế kỹ thuật chi tiết”. 

Lý giải về nguyên nhân thiết kế cơ sở cho ra con số khái toán thấp hơn nhiều so với dự toán chi tiết, đại diện chủ đầu tư cho hay, các gói thầu hạng mục xây dựng số 1, 2, 3, 5 đều có điều chỉnh rất lớn, bổ sung các hạng mục bị tính thiếu tại thiết kế cơ sở. Các gói thầu hạng mục thiết bị số 6, 8, 9 cũng tương tự. Ví dụ như hạng mục đường sắt đơn đoạn trên cao phải bổ sung tới 3.965m; hay đường sắt đơn tuyến chính đoạn ngầm phải bổ sung 1.683m; rồi bổ sung ga ra ngầm...

Các hạng mục đều được kiểm soát kỹ

Ngoài thay đổi, bổ sung khối lượng xây dựng, thiết bị kỹ thuật, còn 2 nguyên nhân khác khiến tổng mức đầu tư thực tế tăng cao hơn hẳn khái toán. Theo tính toán của đại diện chủ đầu tư, thiết kế cũng có thay đổi khiến một số gói thầu tăng thêm 25% chi phí; mức trượt giá theo thời gian làm tăng thêm 30%.

“Kết quả là đến bây giờ, tổng mức đầu tư tăng hơn khái toán tới 55% tại các hạng mục thiết bị, xây dựng. Như tiền lương nhân công, đến năm 2011 đã chênh lệch 322% so với thời điểm lập khái toán; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng thêm từ 127-198%... Bên cạnh đó, những thay đổi trong quy định quản lý đầu tư, đấu thầu, tỷ giá hối đoái, điều chỉnh mốc tiến độ cũng khiến chi phí tăng đáng kể”, ông Lê Huy Hoàng cho biết.

Đại diện chủ đầu tư bày tỏ: “Chúng tôi rất ngỡ ngàng khi nghe dư luận nói dự án bị đội vốn. Trên thực tế, dự án vẫn giữ được một đường bao an toàn cho tổng mức đầu tư. Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định dự án chỉ có thể bằng hoặc giảm tiền đầu tư so với thiết kế kỹ thuật chứ không thể tăng thêm”.

Đại diện chủ đầu tư cũng khẳng định, toàn bộ quá trình từ xây dựng thiết kế kỹ thuật cho đến rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các hạng mục đều được các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Sở KH-ĐT Hà Nội thẩm tra kỹ càng, nghiêm túc và thống nhất quan điểm. 

Nhiều chuyên gia về giao thông đô thị cũng cho rằng, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được thành phố Hà Nội triển khai xây dựng nên sẽ khó tránh khỏi việc tăng vốn đầu tư vì thiết kế cơ sở lập ra chỉ là khái toán, khó có thể sát với thực tiễn. Đó còn chưa kể, dự án được triển khai quá chậm so với thời điểm lập thiết kế cơ sở, phải đến năm 2009, báo cáo nghiên cứu khả thi của tuyến này mới được phê duyệt.