Trạm thu phí BOT vẫn chưa hết "nóng"

ANTD.VN - Cho tới thời điểm hiện nay, câu chuyện trạm thu phí BOT (đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vẫn chưa hết tính thời sự khi không ít trạm BOT bị ùn tắc kéo dài vì sự phản đối của người dân và đội ngũ lái xe. 

Sau trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), trạm BOT quốc lộ 5 (địa phận tỉnh Hưng Yên), trạm BOT Đại Yên (tỉnh Quảng Ninh), mới đây nhất, trạm thu phí BOT Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) lại xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài do lái xe phản đối việc thu phí bằng cách sử dụng tiền lẻ, tiền xu để mua vé.

Những bất cập đối với một số trạm thu phí trên tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua đã được chỉ rõ. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, một số trạm BOT thu phí đối với cả người không tham gia giao thông trên tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT. Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân làm bùng phát bức xúc của người dân, doanh nghiệp và nhất là đội ngũ lái xe. Những bức xúc ấy được người tham gia giao thông thể hiện bằng cách, sử dụng tiền lẻ, tiền xu để mua vé hay kéo đến trạm thu phí để phản đối. 

Ngoài ra, với hơn 70 dự án đã được thực hiện đều thông qua chỉ định thầu khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tính minh bạch. Theo Thanh tra Chính phủ, việc chỉ định thầu dẫn tới việc có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực, do đó việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện… hết sức phức tạp và có nhiều bất cập, sai sót. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông mới đây cũng thừa nhận rằng, bên cạnh những lợi ích và hiệu quả mang lại cho xã hội và người dân, qua thực tiễn, Bộ GTVT cũng đã nhìn nhận rõ một số bất cập nhất định của các dự án BOT, nhất là các dự án làm trên đường hiện hữu, hình thức thu phí hở trên quốc lộ chưa tạo công bằng cho người dân khu vực sinh sống gần trạm thu phí BOT, việc tính mức phí chưa đầy đủ về đơn giá dẫn đến phải điều chỉnh mức phí sau này, gây bức xúc cho xã hội.

Liên quan tới việc giảm phí tại các trạm BOT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc rà soát đang được tiến hành, tiếp đó sẽ đàm phán với các chủ đầu tư để điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng cũng như giảm phí chung cho các phương tiện. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Việc đàm phán giảm phí là cả một quá trình không đơn giản vì hợp đồng BOT là hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư nhưng có liên quan tới tổ chức tín dụng, tới các địa phương nên phải đàm phán.

Khi miễn giảm phí cho người dân sống quanh trạm thì phải có vai trò của địa phương vì chỉ địa phương mới xác định người của khu vực đó, sau đó xác định miễn giảm”. Để khắc phục những bất cập của việc đầu tư theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã dừng triển khai các dự án theo hình thức này trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân và chủ phương tiện có sự lựa chọn.