Trách nhiệm cứu người bị tai nạn trước hết thuộc về lái xe

ANTD.VN - Tôi đã từng chứng kiến một số vụ tai nạn giao thông, mặc dù thấy người bị nạn thương tích đầy mình cầu cứu, song một số lái xe đi qua không những không cứu giúp còn vội vã bỏ đi, khiến nạn nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Tôi xin hỏi trong trường hợp này, những lái xe đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự do không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng không? Hoàng Văn Trình (Hà Nam)

Phải xem xét rất cụ thể mới xác định được hành vi “có điều kiện mà không cứu giúp người bị TNGT” 

Trả lời: Theo quy định tại Điều 102 - BLHS về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” thì “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Từ quy định nêu trên có thể thấy, tội danh này có hình phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao hơn là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm, tùy theo mức độ, tính chất của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, khi xem xét trách nhiệm hình sự của người nào đó theo tội danh này thì cần phải xem xét nhiều yếu tố. 

Trước hết cần phải xem xét và đánh giá hành vi của người này có phải là cố ý không cứu giúp người khác hay không. Bởi theo quy định tại Điều 102 - BLHS thì cố ý không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải là hành vi thấy người đang ở trong tình trạng sắp chết và tuy có điều kiện cứu giúp nhưng không cứu dẫn đến người đó bị chết.

Một điều rất đáng lưu ý là “có điều kiện cứu” không chỉ là có khả năng mà phải là có điều kiện hoàn toàn có thể cứu giúp người được. Ngoài ra, cùng với hậu quả phải xảy ra chết người và hậu quả chết người là do bị bỏ mặc không cứu giúp thì “người có điều kiện mà không cứu giúp” đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Không cứu giúp người khác bị nạn rõ ràng là hành vi cần phải lên án, loại tội này chủ yếu nhằm giáo dục cho mọi người có ý thức cứu giúp người khác khi họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Luật sư Đặng Văn Sơn VPLS Đặng Sơn và Cộng sự Địa chỉ: Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Mặt khác, theo quy định tại Điều 38 - Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì trách nhiệm cứu người bị tai nạn giao thông trước hết phải là người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn.

Cụ thể những người này phải có trách nhiệm dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Tiếp đến là những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn phải có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn…Và sau cùng mới là trách nhiệm của những người đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông.

Với những phân tích ở trên có thể thấy, hành vi không cứu giúp người bị nạn đã được quy định khá đầy đủ. Tuy nhiên, để xem xét người đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì tùy từng trường hợp cụ thể.