"Tồn kho" hàng vạn giấy phép lái xe, vì sao?

ANTD.VN - Thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, hiện có cả vạn Giấy phép lái xe (GPLX) các loại đang nằm trong diện “tồn kho” ở các cơ sở xử lý của CSGT. Thậm chí, có những GPLX chủ nhân đã bỏ quên cả chục năm nay. Đối với những GPLX bỏ quên trên 1 năm, có đến 90% trường hợp này là “quên” vĩnh viễn.

7 năm vẫn không đến giải quyết vi phạm

Tại Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4 tiếp chúng tôi ngay sau khi anh vừa hướng dẫn, giúp đỡ thủ tục cho một lái xe vi phạm đến xử lý nhận lại GPLX quá thời hạn nộp phạt. “Người vi phạm dù đến giải quyết quá thời gian quy định song họ vẫn đến thực hiện quyết định nộp phạt và nhận lại GPLX về thì đơn vị hết sức tạo điều kiện hoàn thành thủ tục.

Số này cũng không nhiều bởi thường sau hơn 1 năm mà không đến nộp phạt hoặc lấy lại giấy tờ, đại đa số các trường hợp này đều xác định “bỏ” - Trung tá Nguyễn Đức Huấn cho biết. Thống kê của Đội CSGT số 4 cho thấy, chỉ tính trong năm 2016, có tới hơn 3.369 GPLX chưa được người vi phạm đến giải quyết để nhận lại.

“Chúng tôi phải thửa cả những chiếc tủ riêng để cất trữ số lượng biên bản xử phạt, hồ sơ của số lái xe hiện vẫn chưa đến thực hiện quyết định xử lý của CSGT. Trong số những bộ hồ sơ này, dù đã gửi thông báo nhiều lần song chủ nhân của các GPLX trên vẫn bặt vô âm tín” - Đại úy Đỗ Xuân Khoa, cán bộ tổ xử lý cho hay.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ hai lý do: Một là một số hành vi mức xử phạt cao, hai là việc cấp GPLX hiện nay dễ dàng thậm chí không học cũng có bằng. Việc cố tình “bỏ quên” GPLX này đồng nghĩa với nguy cơ nảy sinh tình trạng sử dụng GPLX giả tràn lan mà thực tế đã chứng minh trong thời gian qua

Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội

Không chỉ có Đội CSGT số 4, tình trạng chủ các GPLX bị xử phạt “bỏ rơi” GPLX của mình cả năm trời cũng xảy ra ở Đội CSGT số 2. Trung tá Hoàng Quang Chiến, cán bộ xử lý của đơn vị lo ngại khi những chồng hồ sơ tồn cứ dày thêm từng ngày. “Đây là một biểu hiện và minh chứng rõ nét nhất của thái độ coi thường các quy định pháp luật của chủ sở hữu, người vi phạm khi cố tình không đến thực hiện quyết định nộp phạt” - Trung tá Hoàng Quang Chiến khẳng định.

Chiếc tủ đựng tới cả nghìn bộ hồ sơ kẹp theo GPLX của người vi phạm, trong số những bộ hồ sơ này có những biên bản xử phạt hành chính được đính kèm cả GPLX của người vi phạm lập từ năm 2010. Nếu tính đến thời điểm này đã 7 năm  nhưng người vi phạm vẫn không đến giải quyết.

Nguy cơ tràn lan bằng giả

Thông tin với phóng viên, Trung tá Hoàng Quang Chiến cho biết, qua thống kê, hiện số GPLX môtô, xe máy đang bị tạm giữ ở Đội CSGT số 2, người vi phạm chưa đến giải quyết lên đến hơn 2.000 chiếc. Không chỉ GPLX, có nhiều trường hợp còn “quên” cả Chứng minh nhân dân như trường hợp của anh Hoàng Kim Mạnh (37 tuổi), ở huyện Lý Nhân, Hà Nam. Trước đó, ngày 14-1-2017, trong quá trình điều khiển xe môtô mang BKS: 29L7-812x trên tuyến đường Giảng Võ - Cát Linh, do vi phạm lỗi đi ngược chiều nên anh Mạnh đã bị lực lượng CSGT lập biên bản, tạm giữ GPLX.

Vì ảnh trên GPLX bị nhòe, do vậy Tổ công tác đã tạm giữ Chứng minh nhân dân của anh để tiện cho việc đối chiếu, xác minh và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng anh Hoàng Kim Mạnh vẫn không đến Đội CSGT số 2 để làm thủ tục nộp phạt, lấy lại giấy tờ theo quy định. 

Còn tại Đội CSGT số 6, tình trạng nhiều GPLX của người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông bị “bỏ quên” cũng tương tự. Thông tin với phóng viên, Thiếu tá Trịnh Tiến Thành, Đội phó Đội CSGT số 6 cho hay, do số GPLX đang bị “tồn kho” nhiều nên đơn vị đã bố trí các tủ, kệ hồ sơ để lưu trữ riêng. Tính đến hiện tại, số GPLX bị tạm giữ, người vi phạm chưa đến giải quyết là hơn 1.000 chiếc. Trong số này chủ yếu là GPLX môtô, xe máy. Cũng giống như Đội CSGT số 2, trong tủ hồ sơ lưu trữ này, có những bộ hồ sơ, GPLX được lưu từ năm 2010.

Tìm hiểu tình trạng này tại Đội CSGT số 10, đại diện tổ xử lý của đơn vị cho biết: Dù số lượng hồ sơ tồn không lớn song vẫn có những bộ hồ sơ người vi phạm sau vài năm mới đến thực hiện quyết định xử phạt. “Có những trường hợp quên rất lâu không đến thực hiện quyết định xử lý thì chắc chắn 100% là sẽ “bỏ của chạy lấy người” - đại diện tổ xử lý Đội CSGT số 10 nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, Trung tá Nguyễn Đức Huấn cho biết, hầu hết các trường hợp điều khiển xe môtô vi phạm bị tạm giữ GPLX nhưng không đến cơ quan chức năng giải quyết tập trung vào các lỗi có chế tài xử lý nặng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như: không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, sử dụng rượu bia quá mức quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông…

“Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ hai lý do: Một là một số hành vi mức xử phạt cao, hai là việc cấp GPLX hiện nay dễ dàng thậm chí không học cũng có bằng. Việc cố tình “bỏ quên” những GPLX này đồng nghĩa với nguy cơ nảy sinh tình trạng sử dụng GPLX giả tràn lan mà thực tế đã chứng minh trong thời gian qua” - Trung tá Nguyễn Đức Huấn khẳng định.

Cần siết chặt khâu cấp giấy phép

Cũng theo Trung tá Nguyễn Đức Huấn, trong quá trình chỉ huy Tổ công tác 141 làm nhiệm vụ, hàng trăm GPLX giả đã bị tổ công tác phát hiện, thu giữ. Số GPLX giả này chủ yếu tập trung ở mô tô, xe máy. “Có lẽ chi phí để có được những GPLX này khá ít, lại được quảng cáo tràn lan trên mạng về nơi cấp phép, cấp bằng với thủ tục đơn giản nên người vi phạm sẵn sàng bỏ GPLX đã bị thu giữ để làm cái khác” - đại diện Đội CSGT số 4 nhận định.

Còn Trung tá Lê Mạnh Hưng, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2 cho hay, nhiều trường hợp vi phạm đã lợi dụng thủ tục cấp, đổi GPLX có phần “thoáng” như hiện nay để giả vờ… báo mất GPLX và làm thủ tục cấp lại thay vì đến cơ quan chức năng ký vào biên bản xử lý vi phạm hành chính, nộp phạt với số tiền nhiều hơn lệ phí làm thủ tục cấp lại GPLX. Đấy còn chưa kể đến tình trạng, số lái xe sau khi bị tạm giữ GPLX ở địa phương này, đã làm thủ tục xin cấp lại GPLX ở tỉnh, thành khác.

Căn nguyên để giải quyết tình trạng này, theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Điều tra TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội là cần phải siết chặt lại khâu tổ chức thi, sát hạch, cấp GPLX tại tất cả các cơ sở. Đồng tình với ý kiến trên, Thiếu tá Trịnh Tiến Thành, Đội phó Đội CSGT số 6 bổ sung: Cần đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm TTATGT song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, đưa ra quy định cụ thể có tính răn đe đối với các trường hợp khai báo gian dối trong quá trình làm thủ tục xin cấp lại GPLX. Có như vậy, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông mới không “nhờn” luật. 

Trước thực trạng hàng nghìn GPLX đang “tồn kho” như hiện nay, Trung tá Lê Mạnh Hưng cũng đưa ra một số đề xuất. Theo đó, tới đây, việc xác minh để cấp đổi lại GPLX cần siết chặt hơn để khâu xác minh này được chặt chẽ, không để lọt các trường hợp kê khai không đúng sự thực trong quá trình làm thủ cấp lại GPLX. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ hệ thống dữ liệu về xử lý vi phạm TTATGT trên toàn quốc. Qua đó, những trường hợp vi phạm cố tình khai báo không trung thực - làm đơn xin cấp lại trong khi bị cơ quan chức năng tạm giữ GPLX sẽ bị phát hiện, xử lý kịp thời.