Thay đổi bộ mặt thị trường vận tải sau 4 năm đón sóng công nghệ

ANTD.VN - Đồng loạt taxi truyền thống đã chỉ trích loại hình taxi công nghệ như Uber, Grab, vô tình biến loại hình vận tải công nghệ mới này như “tội đồ”, thay vì nhìn nhận vào thực tế, dịch vụ công nghệ hỗ trợ vận tải đã và đang làm thay đổi bộ mặt của vận tải truyền thống.

Vì đâu taxi truyền thống “ghét” công nghệ?

Phải thừa nhận rằng, kể từ khi Grab và Uber cho ra mắt ứng dụng gọi xe GrabCar và UberX đã khiến thị trường taxi truyền thống rơi vào khủng hoảng. Trong khi loại hình vận tải ứng dụng công nghệ này đón đầu xu thế, đáp ứng được nhu cầu của thời đại trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ thì lại càng khiến taxi truyền thống bộc lộ bất cập, trì trệ và yếu kém.

Tương tự, trong lịnh vực vận chuyển bằng xe hai bánh, sự có mặt của xe ôm công nghệ, kể từ khi có mặt ở Việt Nam với GrabBike, Ubermotor đã thực sự tạo ra một làn sóng khá mạnh trong lĩnh vực này. Đặc biệt, GrabBike với những chiến lược tiếp thị bài bản, quy trình đào tạo tài xế cụ thể đã dần dần phủ xanh khắp mọi nơi. Phương thức đặt xe cũng văn minh như taxi công nghệ đáp ứng được nhu cầu di chuyển nhanh, an toàn và văn minh cũng đã gắn kết được ngày càng nhiều người dùng hơn.

4 năm đón sóng công nghệ thị trường vận tải đã thay đổi mạnh mẽ

Từng bước, mô hình xe công nghệ nỗ lực để trở nên gần gũi, thuận tiện cho người dùng với chi phí cạnh tranh và an toàn và gia tăng lượng tài xế. Chỉ tính riêng với Grab, sau 4 năm hoạt động đã mang lại công ăn việc làm cho 135.000 đối tác và giúp việc đặt xe trở nên ngày càng dễ dàng hơn.

Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống lại chỉ mải mê phản ứng bằng cách hành hung tài xế công nghệ, mua lại trang phục, mũ bảo hiểm của tài xế công nghệ để đóng giả…, và mạnh hơn là đổ lỗi cho xe công nghệ vì đã làm họ ‘thất sủng”.

Tháng 7-2017, báo cáo của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (taxi Vinasun) cho biết, doanh thu giảm sút nghiêm trọng, Vinasun đã phải sa thải 8.000 nhân viên. Lý do bởi sự xuất hiện của Grab, Uber. Tương tự, hãng taxi Mai Linh giữa năm 2017 cũng cho hay, đã cắt giảm 6.000 nhân viên.

Đáng nói, nửa đầu năm 2017, doanh thu thuần của cả tập đoàn Mai Linh đạt 1.722 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Tính đến hết ngày 30-6-2017, khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Mai Linh đã lên tới gần 800 tỷ đồng.

Bỏ qua việc đầu tư dàn trải gây thua lỗ hay lỗ hổng chất lượng và giá thành cao là nguyên nhân khiến người dùng quay lưng lại với dịch vụ truyền thống từng “nhất thống” một thời, nhiều đơn vị vận chuyển truyền thống tiếp tục khẳng định, họ thua lỗ là… do Grab, Uber.

Thay đổi bộ mặt vận tải

Thực tế, không mấy hãng taxi dám nhìn thẳng vào thực tế, là khi dịch vụ công nghệ hỗ trợ vận tải du nhập vào Việt Nam, taxi truyền thống đã bộc lộ hết những bất cập bấy lâu nay như: cước di chuyển cao, thái độ phục vụ hành khách kém, lái xe chạy vòng vèo để mua đường, đặc biệt là tỉ lệ xe chạy rỗng trên đường tìm khách khá cao. Taxi công nghệ đã khắc phục được tất cả những nhược điểm này.

Bốn năm nhìn lại, các chuyên gia kinh tế, giao thông vận tải đều nhìn nhận, dịch vụ công nghệ hỗ trợ kết nối đã giúp thay đổi bộ mặt của thị trường vận tải. Sự xuất hiện của xe công nghệ giống như một cú hích khiến “các ông lớn” cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống, những thương hiệu còn đang say ngủ sau chiến thắng, đầy tự tin vào vị thế độc tôn chợt bừng tỉnh.

Làn sóng Grab, Uber đã khiến các hãng taxi truyền thống cũng đã nhanh chóng nhìn nhận và buộc phải thay đổi. Một số hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun, Thành Công… đều đã xây dựng ứng dụng gọi xe của hãng, thêm tương tác với tổng đài. Một số doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư Việt bắt đầu nhảy vào thị trường, đầu tư “app” đặt xe riêng để cạnh tranh.

Thậm chí một  số hãng còn ra mắt ứng dụng ước lượng tiền cước cho mỗi cuộc di chuyển nhằm giúp hành khách biết trước được số tiền mình sẽ phải trả cho chuyến đi…nhưng điều cốt lõi quan trọng là chất lượng tài xế và giá thành thì dường như vận…dậm chân tại chỗ.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nhìn nhận, Grab với những ưu điểm như minh bạch giá cước, quãng đường, giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho người dùng. Những điều mà bấy lâu nay taxi truyền thống còn mù mờ với hành khách thì taxi công nghệ đã đáp ứng được. “Nhìn nhận lại rõ ràng taxi công nghệ thực sự có ích cho xã hội và đáp ứng xu thế công nghệ mới”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho hay.

Còn chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ, các hãng taxi truyền thống hãy thôi chỉ trích và đổ lỗi cho taxi công nghệ, thay vào đó nhìn ra điểm yếu của mình để khắc phục. “Nếu không có Grab hay Uber thì sẽ có các hãng khác xuất hiện, vì là xu thế công nghệ. Chúng ta không thể ngăn cấm,  chúng ta tiếp nhận và thay đổi để cùng phát triển”, ông Liên chia sẻ.

Không chỉ từng bước thay đổi thị trường vận tải, tạo cú hích “đón sóng” công nghệ 4.0 cho vận tải mà làn sóng xe công nghệ dường như đã góp phần thay đổi diện mạo ngành vận tải, hướng đến giá trị cốt lõi của dịch vụ vận tải hành khách công cộng thời thế giới số, đó là sự tiện lợi, an toàn, chi phí tiết kiệm và sự văn minh di chuyển vì người dùng.