Số hóa vé mọi loại hình vận tải công cộng

ANTD.VN - Hà Nội đang rốt ráo xây dựng Đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Theo đó, phát triển vận tải khách công cộng được xem là một giải pháp tối ưu.

Thành phố đang thúc đẩy xây dựng và mở rộng mạng lưới vận tải khách công cộng như xe buýt, buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị... nhưng mỗi loại hình lại đang sử dụng một loại thẻ vé khác nhau gây bất tiện cho hành khách. Do đó, việc thống nhất 1 loại thẻ điện tử liên thông có thể sử dụng ở tất cả loại hình vận tải công cộng là tất yếu.

Số hóa vé mọi loại hình vận tải công cộng ảnh 1Vé giấy đi xe buýt vừa thiếu liên thông, vừa tốn nhân lực

Chìa khóa giảm ùn tắc

Tại Kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân, xác định lộ trình giảm xe ô tô, xe máy. Trước mắt, cần rà soát và có cơ chế chính sách xử lý đối với xe máy quá niên hạn sử dụng để đảm bảo ATGT và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, Sở đang cùng Viện Chiến lược và phát triển giao thông của Bộ GTVT xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông, trong đó  nêu rõ mục tiêu, yêu cầu và các biện pháp lâu dài, biện pháp cấp bách để giảm phương tiện giao thông cá nhân. “Muốn giảm ùn tắc, phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Khi nào chúng ta làm được điều đó, giảm ùn tắc mới bền vững”, ông Vũ Văn Viện nhìn nhận.

Theo quy hoạch phát triển vận tải công cộng đối với xe buýt, đến năm 2020, xe buýt phải đáp ứng 20-25% nhu cầu đi lại của nhân dân, hiện con số này mới đạt 14-15%. Ngoài việc phát triển, mở rộng mạng lưới phục vụ, Hà Nội cũng đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt bằng giải pháp thay xe mới, thân thiện với môi trường, phủ sóng wifi miễn phí...

Ngoài xe buýt thường, Hà Nội đã đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT 01. Thành phố đang xem xét đầu tư tuyến buýt nhanh BRT 02 Kim Mã - Hòa Lạc. Cùng đó, Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến đường sắt trên cao (2 tuyến đang triển khai thi công). Như Bộ GTVT cam kết, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông sẽ được vận hành thương mại vào quý I-2018, tuyến số 3 từ Nhổn đến ga Hà Nội sẽ chạy thử vào đầu năm 2021. 

Số hóa vé mọi loại hình vận tải công cộng ảnh 2Thay vì cách kiểm soát vé như hiện nay, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ số hóa bằng vé điện tử 

Cần vé điện tử liên thông 

Hiện nay, mỗi loại hình vận tải công cộng ở Hà Nội đang sử dụng một loại vé và công nghệ khác nhau. Xe buýt vẫn sử dụng vé giấy, đường sắt trên cao tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ vé điện tử của Trung Quốc, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội sử dụng công nghệ thẻ vé của Pháp… Nếu không có sự điều chỉnh đồng bộ, hành khách muốn sử dụng các dịch vụ vận tải khách công cộng này sẽ phải mang theo người nhiều loại thẻ vé khác nhau. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị cho rằng, đây là bất cập và phải sớm tính toán để có sự điều chỉnh phù hợp. 

“Theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt trên cao với những công nghệ thẻ vé của nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc… Mỗi tuyến sẽ phát hành một loại vé, chưa kể xe buýt tiến tới dùng vé điện tử, như vậy hành khách sẽ có đầy một ví thẻ, rất bất tiện và không tối ưu hóa được hiệu quả của vận tải khách công cộng. Vé điện tử liên thông là cần thiết và phải đi trước một bước”, ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích.

Theo dự kiến ban đầu, vé điện tử liên thông có thể sử dụng để đi xe buýt, tàu điện hay bất cứ loại hình vận tải công cộng nào trên địa bàn thành phố. Nó sẽ thay thế hình thức mua - bán vé giấy thủ công hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, xe buýt cũng cần phải tiến tới sử dụng thẻ vé điện tử, vừa minh bạch, tránh thất thoát, và đỡ được một bộ máy cồng kềnh.  “Việc đầu tiên phải hợp chuẩn tất cả các công nghệ đang áp dụng trên mọi loại hình vận tải công cộng theo một thông số kỹ thuật chung. Đối với các tuyến đã triển khai, phải can thiệp xử lý kỹ thuật”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói. 

Toàn bộ dữ liệu về hành khách, số lượng vận chuyển của các loại hình vận tải công cộng sẽ truyền về trung tâm quản lý, sau đó được phân tích và phân bổ trở lại các doanh nghiệp khai thác. Như vậy, Trung tâm quản lý thẻ vé cũng sẽ nắm được nhu cầu, lưu lượng vận hành của từng tuyến xe buýt, tuyến tàu điện để phân bổ, tạo kết nối sao cho hợp lý nhất. Hiện nay, công nghệ này đã được xử lý trên xe buýt nhanh, tiến tới là xe buýt thường.