Quản lý nguồn tiền đầu tư khủng, ACV phóng tay tạm ứng

ANTD.VN  -Bộ GTVT vừa hoàn tất kết luận thanh tra về trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý. Thời gian thanh tra từ tháng 8-2017 đến tháng 5-2018.

Hiện nay, ACV là doanh nghiệp có lượng dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước lớn hàng đầu trong ngành GTVT.

Chỉ tính riêng các dự án có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên, trong vòng 4 năm (từ tháng 3-2012 đến tháng 12-2016), ACV đã thực hiện 85 dự án, với tổng mức đầu tư 42.140 tỷ đồng, gồm: giá trị đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước 1.420,889 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 4.221,705 tỷ đồng; vốn ODA 12.443,13 tỷ đồng và vốn của ACV là 24.074,712 tỷ đồng.

Hàng loạt dự án do ACV làm chủ đầu tư không thể quyết toán do phóng tay tạm ứng

Trong thời gian 10 tháng thanh tra, Thanh tra Bộ GTVT đã tập trung thanh tra sâu 10 dự án do ACV làm chủ đầu tư gồm: Dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 Nội Bài;  Dự án sửa chữa đường hạ cất cánh 25R  (sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất); Dự án nhà ga hành khách và xây dựng sân đỗ máy bay (sân bay Thọ Xuân); Dự án xây dựng đường vào xảng hàng không quốc tế Phú Quốc; Dự án nhà ga hành khách và Dự án mở rộng nhà ga hành khách (sân bay quốc tế Phú Quốc); Dự án nhà ga hành khách (sân bay Vinh); Các dự án mua sắm, lắp đặt cầu ống lồng.

Thanh tra Bộ GTVT thông tin, các dự án có nhiều tồn tại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp. Đáng nói, những tồn tại này đã khiến các dự án đến nay không thể quyết toán, hoặc chậm quyết toán.

Thanh tra Bộ GTVT cho biết, số lượng các dự án hoàn thành khá lâu, nhưng chậm quyết toán tại ACV rất lớn, lên tới 44/85 dự án, với tổng mức đầu tư 30.411 tỷ đồng, tổng giá trị thực hiện 25.298,6 tỷ đồng, giá trị giải ngân 24.940 tỷ đồng.

Ngoài ra, do chủ đầu tư đã “phóng tay” tạm ứng cả các vật tư không khan hiếm như quy định trong hợp đồng, dẫn đến giá trị tạm ứng lớn, vượt giá trị đơn vị thực tế được hưởng, nên nhà thầu không muốn quyết toán dự án hoàn thành.

Đáng nói, Thanh tra Bộ GTVT nhấn mạnh, ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn Nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ, có nghĩa là, vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn Nhà nước.

Vì vậy, theo Thanh tra Bộ GTVT, ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, lại là đơn vị tiếp nhận dự án để khai thác có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng.

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã kết luận hàng loạt sai phạm của ACV. Trong đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2007 đến năm 2015, ACV chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định vào ngân sách nhà nước 326,1 tỷ đồng; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kê khai không đúng 64.224m2 từ đất phải thu tiền sử dụng sang loại đất giao không thu tiền sử dụng làm giảm thu ngân sách nhà nước số tiền 17,9 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến 31/12/2015, tổng số tiền thuê đất ACV chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là hơn 344 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về ACV, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các Cảng vụ hàng không (theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, ACV đã nộp các khản tiền thuê đất nêu trên vào ngân sách nhà nước).

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng trong trường hợp “đất giao thông… không nhằm mục đích kinh doanh”; Khoản 3, Điều 156 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 quy định: “giao đất không thu tiền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất làm đường giao thông ngoài khu bay”.

Tuy nhiên, hiện nay, 21 cảng hàng không đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3-5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 đồng/lượt đến 30.000 đồng/lượt và giá vé tháng từ 600.000 đồng/tháng đến 1.650.000đồng/tháng.

Doanh thu từ 01/01/2012 đến 31/12/2015 của 19/21 cảng hàng không là 550,9 tỷ đồng, mang lại lợi ích cho ACV, cho nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa) nhưng vi phạm các quy định nêu trên, gây thiệt hại cho hành khách.