Phạt lao động công ích người vi phạm giao thông: Phương án đáng để nghiên cứu

ANTD.VN - Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa những đối tượng vi phạm giao thông nhiều lần đi lao động, làm sạch môi trường để họ nhớ và không tái phạm. Thực tế cho thấy, một số nước trên thế giới đã sử dụng hình thức lao động công ích đối với người vi phạm giao thông và mang lại hiệu quả đáng kể.

Phạt lao động công ích người vi phạm giao thông: Phương án đáng để nghiên cứu ảnh 1Vi phạm ATGT vẫn diễn ra phổ biến. Ảnh: LAM THANH

Tại kỳ họp mới đây của HĐND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Minh Chức - đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đề xuất, đối với những trường hợp vi phạm giao thông nhiều lần, nên buộc phải lao động công ích để giáo dục, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. 

Về đề xuất nói trên, theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trước đây, Việt Nam đã từng dùng hình thức xử phạt vi phạm bằng việc bắt buộc lao động công ích. Hiện nay, một số nước cũng áp dụng xử phạt vi phạm ATGT bằng hình thức này. “Vì vậy, đề xuất này cũng là một phương án đáng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét bổ sung vào quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, lựa chọn hành vi vi phạm nào thì phải chịu chế tài này, đồng thời tính toán xem loại hình lao động công ích nào phù hợp với hành vi của người vi phạm”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Đồng tình với đề xuất của đại biểu HĐND TP Đà Nẵng Huỳnh Minh Chức, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, nên áp dụng hình thức này đối với người vi phạm ATGT, giúp họ nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần xem xét áp dụng đối với từng hành vi cụ thể, nếu áp dụng tràn lan sẽ không khả thi. 

Liên quan đến đề xuất của ông Huỳnh Minh Chức, tại Đà Nẵng, mỗi cuối tuần có chương trình “Chủ nhật xanh”, huy động cán bộ, nhân dân cùng lao động công ích. Vì vậy, ông Huỳnh Minh Chức cho rằng nên đưa những đối tượng vi phạm giao thông nhiều lần đi lao động, làm sạch môi trường để họ nhớ và không tái phạm.

Thực tế cho thấy, một số nước trên thế giới đã sử dụng hình thức lao động công ích đối với người vi phạm giao thông và mang lại hiệu quả đáng kể. Tại Thủ đô Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), số vụ vi phạm ATGT đã giảm đến 90% kể từ khi thực thi hình phạt trên vào tháng 3 năm nay, theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp Abu Dhabi. Trong khi đó, giới chức Canada cũng rất quan tâm tới hình thức xử phạt này như một giải pháp hiệu quả đối với những trường hợp vi phạm ATGT không thể trả nổi tiền phạt.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng hình thức xử phạt vi phạm ATGT bằng lao động công ích không phù hợp vì không mang lại hiệu quả. 

Phạt lao động công ích hiệu quả hơn phạt tiền

Phạt lao động công ích người vi phạm giao thông: Phương án đáng để nghiên cứu ảnh 2

“Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm xử phạt vi phạm an toàn giao thông bằng hình thức lao động công ích. Hình thức xử phạt này không phải đến bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ lâu nhưng chúng ta chưa áp dụng. Không chỉ vi phạm giao thông mà còn nhiều vi phạm khác như gây mất trật tự trị an cũng nên áp dụng phạt lao động công ích. 

Những người bị phạt vẫn được đối xử như người bình thường nên đây là hình thức xử phạt rất nhân văn. Hành vi vi phạm chưa đến mức hình sự phải giam giữ, mất quyền công dân thì phạt lao động công ích là phù hợp. Chúng ta có thể cải tạo con người thông qua lao động. Nhiều nước họ làm như vậy, thậm chí cả Tổng thống vi phạm cũng phải lao động công ích trong bệnh viện (như ở Italia). Việc đó có tác dụng giáo dục rất thuyết phục, mang tính răn đe, cảnh báo con người về hành vi vi phạm. Xử phạt bằng lao động công ích nhanh mà không tốn kém, lại có tác động đến tự ái, uy tín và sĩ diện của người vi phạm nên hiệu quả răn đe sẽ cao hơn. 

Chế tài xử lý vi phạm an toàn giao thông hiện nay không nhẹ. Việc tuyên truyền thực hiện an toàn giao thông cũng được tổ chức hàng ngày thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các ngã tư nhưng mức độ khắc phục và sửa chữa chậm. 

Trong khi đó, vi phạm an toàn giao thông để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tài sản, tính mạng của người dân, gây ùn tắc giao thông nên tôi mong Nhà nước nghiên cứu, sớm cho phép áp dụng phạt lao động công ích. Tuy nhiên, đây là vấn đề luật pháp nên phải cân nhắc kỹ lưỡng, chế tài là cần thiết song thủ tục áp dụng phải đơn giản, nhanh chóng. 

Ông Bùi Danh Liên (Chuyên gia giao thông - vận tải)

Nếu áp dụng, vi phạm chắc chắn sẽ giảm

Phạt lao động công ích người vi phạm giao thông: Phương án đáng để nghiên cứu ảnh 3

“Tôi ủng hộ đề xuất bắt buộc phải lao động công ích đối với những trường hợp vi phạm giao thông nhiều lần. Đây là chế tài phù hợp để giáo dục, nâng cao ý thức người vi phạm giao thông. Ở nước ngoài cũng áp dụng việc này với một số vi phạm. 

Người nổi tiếng, quan chức, nhà giàu cũng phải lao động công ích khi vi phạm, không có ngoại lệ. Kẻ cậy lắm tiền nếu vi phạm cứ móc ví nộp rồi lại được đi, như thế sẽ tạo thành thói quen coi thường pháp luật. Nhưng nếu vi phạm sẽ phải lao động công ích thì sẽ xấu hổ lắm, lần sau đảm bảo chẳng dám vi phạm. 

Tôi theo dõi hiện nay tình trạng vượt đèn đỏ ở các ngã tư nếu không có CSGT đứng chốt vẫn thường xuyên xảy ra, giờ cao điểm xe máy lao lên cả vỉa hè, đi sai làn đường… xảy ra phổ biến. Nếu được áp dụng việc phạt lao động công ích với những lỗi về ý thức như vượt đèn đỏ, sai làn, không chấp hành hiệu lệnh... thì chắc chắn vi phạm sẽ giảm mạnh”. 

Ông Nguyễn Đức Khánh (Ngõ 55 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình Hà Nội)

Muốn phạt lao động công ích, phải sửa luật

Phạt lao động công ích người vi phạm giao thông: Phương án đáng để nghiên cứu ảnh 4

“Hình thức xử phạt vi phạm giao thông bằng việc bắt buộc lao động công ích sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên xét trên phương diện pháp luật thì đề xuất này rất khó khả thi.

Hành vi vi phạm giao thông được xếp vào nhóm hành vi vi phạm hành chính và chỉ bị xử phạt hành chính, như tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe, phạt tiền… Trong khi đó, phạt lao động công ích lại là câu chuyện khác. Trong các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Giao thông đường bộ hay Nghị định 46/2016/NĐ-CP đều không có văn bản nào quy định người vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt lao động công ích. 

Như vậy, để có thể áp dụng đề xuất phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông thì điều đầu tiên cần làm là phải sửa đổi các điều luật hiện hành, bổ sung thêm quy định này. Nhưng việc sửa đổi, bổ sung luật không phải muốn là có thể làm được ngay mà cần có lộ trình cụ thể. 

Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp luật quy định xử phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông thì khi thực hiện cũng sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề khác, chẳng hạn như: Đơn vị nào sẽ quản lý, giám sát người vi phạm lao động công ích? Thời gian lao động công ích sẽ như thế nào? Nếu một người đang sống và làm việc ở Hà Nội, nhưng vi phạm giao thông ở Đà Nẵng thì sẽ phạt họ lao động công ích ở đâu...”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh