Nữ nhi cũng tham gia "biệt đội" cứu hộ xe máy trong đêm

ANTD.VN - Bất kể đêm khuya, mưa bão hay giá lạnh căm căm, những thành viên trong Hội cứu hộ thiện nguyện Hà Nội vẫn lên đường giúp người bị hỏng xe trong đêm.

Hội cứu hộ thiện nguyện Hà Nội được thành lập nhằm hỗ trợ người bị hết xăng, thủng săm, hỏng xe trong đêm muộn từ 21h-3h sáng khi các cửa hàng sửa chữa, cây xăng không còn hoạt động. 

Nữ nhi cũng tham gia "biệt đội" cứu hộ xe máy trong đêm ảnh 1Logo cứu hộ thiện nguyện của nhóm được dán lên xe của các thành viên

Những cuộc gọi trong đêm

2h sáng, khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, đâu đó ngoài đường còn những người vẫn chưa thể về nhà bởi họ  gặp sự cố hỏng xe, hết xăng giữa đường. Khi ấy, các cửa hàng sửa chữa xe đã đóng cửa nên phải dắt bộ có khi cả chục cây số. Từ những trường hợp như thế, những người trẻ đã có ý định giúp đỡ mọi người, hỗ trợ đẩy xe, sửa xe, mua xăng giúp người bị nạn.

Như một cơ duyên, tháng 5-2016, họ gặp nhau và thành lập Hội cứu hộ thiện nguyện Hà Nội với mục đích cứu hộ giao thông hoàn toàn tự nguyện. Sau khoảng hơn 1 năm hoạt động, đến nay nhóm đã có hơn 7.000 thành viên, trong đó duy trì từ 20-30 thành viên cứu hộ thường xuyên. Nhóm hoạt động ở tất cả các khu vực trong thành phố Hà Nội, và chỉ cứu hộ từ 21h- 3h sáng. Người cần cứu hộ có thể gọi điện đến các số điện thoại của các thành viên gần khu vực mình hoặc đăng thông tin cầu cứu lên trang Facebook của nhóm. Vì hoạt động với tinh thần thiện nguyện nên nhóm không yêu cầu người bị nạn trả phí dịch vụ, trừ trường hợp phải thay săm, thay lốp, bugi.

Anh Giáp Văn Trường (23 tuổi), một trong những người thành lập nhóm chia sẻ: “Mình thi thoảng hay đi chơi về muộn, có lần thấy đôi nam nữ dắt bộ xe trên đường vì hỏng xe, nhưng không có chỗ sửa. Mình lúc ấy còn chưa biết sửa chữa gì nên đành giúp họ đẩy xe về. Từ đó, mình nung nấu ý định sẽ giúp đỡ mọi người khi họ hỏng xe nên mình học vá xe, sửa chữa”.

Từ ngày nhóm được thành lập, mỗi đêm có khoảng 7-10 cuộc gọi nhờ giúp đỡ. Anh Đoàn Long (33 tuổi) cho hay: “Từ ngày mình tham gia cứu hộ, hàng đêm có những cuộc gọi từ số lạ nhờ giúp đỡ. Lúc đầu, gia đình thắc mắc đặt câu hỏi tại sao cứ nửa đêm có người lạ gọi tôi lại lấy xe đi ra đường, dần dần mọi người cũng hiểu và ủng hộ tôi đi làm việc có ích cho cộng đồng. Từ lúc tham gia nhóm, tôi đã may mắn gặp được cô bạn gái bây giờ cùng là thành viên, vậy nên cô ấy cũng hiểu và chia sẻ với tôi. Chúng tôi cùng nhau đi cứu hộ giúp đỡ mọi người”.

Chị Nguyễn Kim Tuyên (24 tuổi, ở Hà Nội) xúc động kể lại câu chuyện từng được các thành viên trong nhóm cứu hộ lúc 11h đêm: “Tôi không biết xử trí thế nào với chiếc xe bị xịt lốp trong đêm muộn trên cầu Vĩnh Tuy gió hun hút khi trời sắp mưa nên đành dắt bộ. Khi ấy bất ngờ có một người thanh niên đi chậm và nhẹ nhàng đề nghị giúp đỡ. Ban đầu tôi cũng hoang mang giữa nơi vắng vẻ lại đêm muộn này nhỡ có chuyện gì nên do dự và từ chối. Sau đó, anh thanh niên ấy giới thiệu về nhóm cứu hộ có thể vá giúp xe miễn phí, tôi đồng ý. Sự sợ hãi trong tôi dần tan biến và thay vào đó là thiện cảm. Trong chốc lát tôi đã có thể lên xe đi được”.

Nữ nhi cũng tham gia "biệt đội" cứu hộ xe máy trong đêm ảnh 2Thành viên nữ của nhóm tham gia cứu hộ cho xe máy bị thủng săm

Cảm phục những cô gái đặc biệt

Các thành viên trong nhóm hầu hết là người trẻ, cả nam và nữ, họ là cán bộ, sinh viên, xe ôm, nhân viên giao hàng… Họ đến với nhóm vì nhiều lý do khác nhau, có thể là người từng được cứu khi gặp nạn trên đường, hoặc là những người có cái tâm muốn giúp người. 

Thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm là bà Trần Hương Giang (54 tuổi, ở Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội), bà có một cửa hàng bán sim thẻ điện thoại bên đường nên thường xuyên giúp đỡ người bị nạn. Bà Giang kể: “Mặc dù đã lớn tuổi nhưng tôi luôn muốn giúp đỡ mọi người, tôi biết đến nhóm và rất ủng hộ tinh thần thiện nguyện. Tôi không vá được xe nên thay vào đó tôi giúp mọi người bằng cách nếu xe hết xăng thì tôi mua xăng giúp, nếu xe bị hỏng tôi cho mượn đồ để họ sửa hay gọi nhờ các thành viên khác đến giúp đỡ. Từ ngày tham gia nhóm, hầu như ngày nào tôi cũng giúp 1,2 người”.

Anh Giáp Hùng Mạnh (nhân viên giao hàng) kể về lần đầu tiên giúp người bị nạn trên đường: “Lúc ấy khoảng 2h sáng, tôi thấy một người phụ nữ đứng cạnh xe máy vẫy tay nhờ giúp đỡ. Tôi đã dừng lại hỏi bị làm sao thì biết rằng xe của chị bị hết xăng. Tôi nhanh chóng tìm chỗ để mua xăng giúp chị. Tuy nhiên, lúc đến cây xăng lại không có chai để đựng. Chẳng biết làm thế nào tôi lao vào hàng nước bên đường mua 2 chai nước, đổ hết nước đi rồi mua xăng vào đó. Xong việc ấy, chị gái xúc động cảm ơn vì đã cứu giúp để chị có thể về nhà. Từ đó, tôi nhận thấy việc làm này vô cùng có ý nghĩa nên đã tham gia nhóm”.

Các thành viên tham gia nhóm đều có công việc riêng vào ban ngày nên hầu hết họ không biết sửa xe, vá săm. Vì thế, hàng tháng nhóm đều có buổi họp nhỏ giao lưu các thành viên mới và cũ, đồng thời tập huấn các kỹ năng về sửa chữa xe đơn giản, về tự vệ khi có sự cố bất ngờ xảy ra… Các dụng cụ sửa chữa cũng được các thành viên chia sẻ với nhau.

Những cô gái chân yếu tay mềm, tưởng chừng dắt xe không nổi đã tự tay móc lốp, tháo săm và vá rất chuyên nghiệp. Họ học cách tự cứu mình khi xe hỏng và sau đó cứu giúp người khác. Tận mắt chứng kiến chị Lê Thị Hoài Thương (22 tuổi) một mình vá xe cho đôi nam nữ bị thủng săm vào tối 20-9 trên đường Phạm Hùng, tôi mới thật sự cảm phục những cô gái đặc biệt trong nhóm cứu hộ thiện nguyện này.

Nữ nhi cũng tham gia "biệt đội" cứu hộ xe máy trong đêm ảnh 3Anh Giáp Văn Trường (áo kẻ) tập huấn kỹ năng vá xe cho một thành viên mới

Cuộc chiến với đinh tặc

Với những người hoạt động cứu hộ thiện nguyện, họ giúp người giúp đời bằng cái tâm, mong cho người gặp nạn có thể về nhà sớm nhất trong đêm. Nhưng ngoài những sự cố khách quan, có những lúc sự cố do có người cố tình gây ra cho người đi đường để trục lợi cho bản thân mà không màng đến sự nguy hiểm đến tính mạng của người khác đó là nạn rải đinh và vá xe “chém” giá cắt cổ. Khi có người cứu hộ từ thiện, những đối tượng xấu đe dọa, gây hấn để dằn mặt. Trên các tuyến đường Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy… là những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng rải đinh, lại không có cửa hàng sửa xe. Các đối tượng xấu chọn nơi này để ra tay rồi vá xe bắt chẹt người đi đường nhằm thu lợi. 

Đặc biệt, thời điểm tháng 1-2017, nhiều người cùng lúc bị xịt lốp trên cầu Nhật Tân. Anh Giáp Văn Trường đã nhanh chóng cùng một số anh em trong nhóm tổ chức chốt trên cầu, thường xuyên đi lại trên cầu, cứ gặp người bị thủng săm là dừng lại vá cả đêm. Anh Trường kể: “Thời điểm đó, có lúc gần chục người bị dính đinh, xếp hàng chờ để được vá xe. Từ đâu có người đàn ông lạ mặt tiến tới nói  tôi lừa đảo. Người này còn sừng sộ, gây hấn, chửi bới không cho tôi vá xe. Bọn chúng còn bán săm với giá từ 120.000-150.000 đồng cho 1 chiếc săm xe máy, trong đó giá thị trường chỉ từ 40.000-70.000 đồng. Bởi vậy sự xuất hiện của nhóm “chống đinh tặc” lập ra đã vô hiệu hóa việc bắt chẹt người lưu thông trên cầu không may xe gặp sự cố”.

Để đảm bảo an toàn cho anh em trong nhóm, anh Trường, Long và một số người khác đã tập huấn cho các thành viên những điều cơ bản nhất về tự vệ để tránh bị tấn công. Đồng thời, nhóm cũng đặt ra quy định mỗi lần cứu hộ sẽ đi 2 người trở lên, yêu cầu người cần cứu hộ dắt xe ra những đoạn đường lớn, có đèn sáng và kiểm tra thông tin cá nhân trên tài khoản Facebook của người đó để phòng ngừa nguy hiểm.