Những chuyến bay chậm lại tăng nhanh

ANTĐ - Trong 6 tháng đầu năm, tình trạng chậm, hủy chuyến bay có dấu hiệu tăng trở lại. Hạ tầng sân bay là nguyên nhân được nhắc đến khá nhiều, nhưng theo các chuyến gia, không loại trừ việc các hãng hàng không khai thác với tần suất quá dày, nên không xử lý được tình huống khi có tàu bay gặp trục trặc. 

Những chuyến bay chậm lại tăng nhanh ảnh 1Chậm, hủy chuyến bay đang gia tăng trở lại

Chậm vì tắc nghẽn hạ tầng?

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), 6 tháng đầu năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 128.000 chuyến bay, số chuyến bay bị chậm chiếm 15,8%, tăng 0,8 điểm và chuyến bay bị hủy chiếm 0,6%, tăng 0,1 điểm so với cùng kỳ năm 2015.

Lý giải việc tăng tỷ lệ chuyến bay bị chậm, hủy, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, so với cùng kỳ năm 2015, số chuyến bay thực hiện của các hãng tăng xấp xỉ 27.000 chuyến, tương ứng với 26,5%  chuyến bay thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chỉ tăng thêm 1,3%. 

“Có sự tăng trưởng mạnh về số chuyến bay thực hiện nhưng tỷ lệ chậm chuyến tăng không nhiều. Điều này cho thấy các hãng hàng không Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt là tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”, ông Lại Xuân Thanh nói.

Về nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến bay, theo thống kê của Cục Hàng không,  nguyên nhân chủ quan của hãng hàng không (kỹ thuật tàu bay) chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 10,3% tổng số chuyến bay chậm và gián tiếp gây nên 10,6% chuyến bay chậm của chặng kế tiếp.

Trong nhóm nguyên nhân tàu bay về muộn, nguyên nhân hạn chế về điều hành bay tại cảng hàng không xuất phát chiếm tỷ trọng lớn, tới 11,3% trên tổng số chuyến bay chậm. Tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao, nhưng một số hãng hàng không lại kiến nghị Cục Hàng không báo cáo Bộ GTVT sửa đổi quy định về thời gian chậm chuyến tối đa, tăng từ 4 tiếng lên thành 6 tiếng.

Phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

Dù Cục Hàng không cũng như các hãng hàng không đều cho rằng, nguyên nhân chậm, hủy chuyến bay phần nhiều do lỗi từ hạ tầng, từ sự cố kỹ thuật tàu bay, do máy bay về trễ… nhưng điều này không thuyết phục được phần lớn hành khách đi tàu bay đã nhiều lần bị chậm, hủy chuyến.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, trú tại khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội bức xúc: “Chậm, hủy chuyến bay là việc khó tránh khỏi, ngay cả với hàng không quốc tế. Tuy nhiên, một số lý do mà các hãng bay đưa ra không thuyết phục. Tôi thường xuyên nhận thông tin chuyến bay bị chậm, bị đổi giờ bay từ 1-2 tuần. Lý do chậm chuyến được lường trước đến nửa tháng thực chất là gì, nếu không muốn nói thẳng ra là do các hãng khai thác với tần suất quá dày, thậm chí là bán vé tràn ra rồi chuyển khách qua chuyến bay khác”.

Cùng với việc chậm, hủy chuyến bay gia tăng, các vụ việc liên quan đến an toàn, an ninh hàng không cũng có xu hướng phức tạp hơn.

Trong 6 tháng, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã phát hiện và xử lý 13 vụ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm qua đường hàng không, chủ yếu là súng, đạn, vật phẩm nguy hiểm và đèn pin phát tia lửa điện; 6 vụ việc lấy trộm, chiếm đoạt tài sản bỏ quên tại nhà ga của khách đi tàu bay; 12 vụ việc buôn lậu và vận chuyển hàng cấm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 trường hợp sử dụng giấy tờ tùy thân sai quy định.

Cảng vụ hàng không miền Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, xử lý 76 vụ việc hành khách gây rối, không chấp hành các quy định về an ninh hàng không, xử phạt vi phạm hành chính 16 trường hợp; phối hợp Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất bàn giao Công an cửa khẩu 32 trường hợp…

Bên cạnh đó, nhiều cảng hàng không đã hoàn tất xây dựng hệ thống hàng rào khép kín, đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Quốc,…

Các cảng hàng không cũng đã bổ sung lắp đặt hệ thống camera; giám sát như Cảng hàng không Thọ Xuân đã bổ sung 29 camera; Phù Cát, Đà Nẵng 6 camera; Tân Sơn Nhất 44 camera, Cát Bi 66 camera tại nhà ga mới…