Nắm thời hạn đổi bằng lái xe để không bị "cò" lừa

ANTD.VN - Dù lộ trình đổi Giấy phép lái xe (GPLX) mô tô còn rất dài nhưng do thiếu thông tin nên nhiều người đã đến các điểm đổi GPLX của Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT Hà Nội để làm thủ tục đổi GPLX. Do quá tải ở các điểm này, các đối tượng “cò” bắt đầu xuất hiện.

Nắm thời hạn đổi bằng lái xe để không bị "cò" lừa ảnh 1Lượng người đi đổi GPLX ngày một đông

Lộ trình đổi GPLX hạng A1 đến năm 2020

Tại các điểm cấp, đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội ở Phùng Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) và Cao Bá Quát (quận Ba Đình, Hà Nội), ghi nhận của phóng viên vào sáng 21-11 cho thấy, lượng người đến đổi GPLX xếp hàng vòng trong, vòng ngoài. Phần lớn những người đến 2 điểm này để đổi GPLX hạng A1 (xe mô tô 2 bánh từ 50-175cm3).

Trong khi đó, thời hạn đổi GPLX hạng A1 theo lộ trình của Bộ GTVT đến tận năm 2020. Các điểm đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội đều có biển thông báo rất rõ về lộ trình, thời hạn đổi GPLX từ vật liệu giấy sang PET đối với từng loại xe.

Ông Nguyễn Trung Kiên, ở Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: “Tôi phải đi sớm, xếp hàng từ 7h sáng tại đây (Sở GTVT Hà Nội, Phùng Hưng), vậy mà đến nơi đã thấy gần trăm người xếp hàng trước. Nhưng đến đây mới thấy bảng thông báo của Sở GTVT Hà Nội rằng bằng lái xe máy đến năm 2020 mới hết hạn. Đã mất công đi rồi thì cố xếp hàng đổi”. Số người nhầm như ông Kiên chiếm số đông trong số người đang xếp hàng tại các điểm đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội, Tổng cục Đường bộ. 

Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT Hà Nội thông tin, dù đã có thông báo dán ngay tại các điểm cấp, đổi GPLX của Sở GTVT, cũng như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người dân vẫn ùn ùn đổ về đổi GPLX. Trung bình mỗi ngày, 3 điểm cấp đổi GPLX của Sở tiếp nhận khoảng hơn 1.000 hồ sơ đăng ký đổi GPLX, trong đó nhiều và đông nhất là điểm tại số 2 Phùng Hưng, Hà Đông. Ông Nguyễn Đình Nghĩa cho biết: “Người dân cần nắm đầy đủ thông tin, người có GPLX hạng A1 cứ bình tĩnh vì lộ trình đổi còn rất dài. Hơn nữa, cũng chưa quy định nào cho rằng, hết lộ trình đổi thì không được dùng GPLX mô tô vật liệu giấy”. 

Mất tiền oan cho “cò”

Do lượng người đến đổi GPLX quá đông, nên tại điểm đổi GPXL của Tổng cục Đường bộ ở địa chỉ đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã xuất hiện các đối tượng “cò” đổi GPLX. Ghi nhận cho thấy, dù mới đầu giờ chiều nhưng lượng người đến xếp hàng đổi GPLX đã chật cứng. Anh Nguyễn Hoàng Hải, ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội thông tin: “Tôi phải xin nghỉ làm để đi đổi bởi GPLX do Sở GTVT Nam Định cấp. Vì không tìm hiểu rõ thông tin nên tôi nghĩ phải lên Tổng cục mới đổi được. Gần 10h sáng tôi đến thì đã thấy thông báo tạm dừng tiếp nhận hồ sơ vì quá tải nên chiều phải đến xếp hàng tiếp”. 

Do quá tải, không ít người tới đổi GPLX  tại địa điểm của Tổng cục Đường bộ còn bị các đối tượng “cò” chăn dắt, đòi phí cao. Ngay phía đối diện Tổng cục Đường bộ, các đối tượng “cò” GPLX  hoạt động nhộn nhịp và mời mọc công khai. Nếu muốn làm thủ tục qua “cò”, người có nhu cầu phải chi mức giá cao nhất khoảng 500.000 đồng/người. “Cò” quảng cáo chỉ cần để lại Chứng minh nhân dân, sáng hôm sau sẽ đến lượt được giải quyết hồ sơ…

Để đề phòng “cò”, ngay ngoài cửa phòng tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã dán thông báo về tình trạng “cò” cấp, đổi GPLX, trong đó nêu rõ: Bên ngoài cổng Tổng cục Đường bộ có một số đối tượng “cò mồi” dụ dỗ, lừa gạt người dân đến đổi GPLX. Để tránh thiệt hại cho nhân dân, đề nghị người dân đến làm việc trực tiếp, không thông qua “cò mồi”... Dù vậy, vẫn có người dân do không muốn phải chờ đợi xếp hàng lâu đã chi tiền cho “cò” để nhờ làm hộ hồ sơ...

Lộ trình chuyển đổi sang GPLX bằng vật liệu PET

Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4: Trước ngày 31-12-2016. Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): Trước ngày               31-12-2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có GPLX bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX vật liệu PET.