Lại chi tiền tỷ vá mặt cầu Thăng Long

ANTD.VN - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa lại giao Cục Quản lý đường bộ I  sửa chữa mặt cầu Thăng Long để đảm bảo êm thuận cho phương tiện qua lại. Và, đây là lần thứ “n” mặt cầu này được sửa chữa dưới kiểu vá víu nhưng cũng ngốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước song kết quả lại chỉ tạm thời. 

Mặt cầu như tấm áo rách

Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 29-8, mặt cầu Thăng Long đang được các đơn vị của Cục Quản lý đường bộ 1 sửa chữa bằng cách vá các chỗ bong bật, ổ gà. Tuy nhiên, một thực tế nhận thấy rõ, sau nhiều lần sửa chữa, vá víu, mặt cầu Thăng Long ngày càng xuống cấp, nham nhở. Những chỗ vá cũ, vá mới chồng lên nhau, chằng chịt như tấm áo vá. Đáng nói, độ êm thuận của mặt đường đã không còn đảm bảo.

Sau nhiều lần sửa chữa, mặt cầu Thăng Long như tấm áo vá chằng, vá đụp

Anh Lê Xuân Tùng, lái xe thuộc một doanh nghiệp vận tải tải từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố phản ánh, mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, dù rất nhiều lần được sửa chữa nhưng toàn kiểu vá víu chằng đụp, mặt cầu không còn êm thuận nữa mà mấp mô, chưa kể những vết nứt trên mặt cầu.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giao Cục QLĐB I tiến hành sửa chữa khẩn cấp mặt cầu Thăng Long. Trong trường hợp khó khăn khi áp dụng các công nghệ mà Ban QLDA3 (Tổng cục Đường bộ) đã áp dụng như khối lượng nhỏ không mua được vật liệu, công nghệ đã sửa… được phép dùng các vật liệu thích hợp như bê tông nhựa nóng hoặc các biện pháp khác để dặm vá hết các ổ gà, hố sâu lồi lõm, bổ sung sơn kẻ lại mặt đường nếu cần thiết. Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu công việc này phải hoàn thành trước ngày 31-8-2016.

Trong trường hợp có khối lượng hư hỏng trong phạm vi bảo hành của nhà thầu do Ban QLDA3 làm chủ đầu tư, sau khi sửa xong , Cục QLĐB I báo cáo Tổng cục để yêu cầu Ban QLDA3 xử lý. Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu Cục QLĐB I báo cáo tình hình thực hiện bàn giao với Ban QLDA3 và công tác quản lý, tuần tra, kiểm tra công tác sửa chữa khẩn cấp nêu trên. Đối với Ban QLDA3, đơn vị này được yêu cầu báo cáo cụ thể các dự án đã sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Trong báo cáo phải nêu rõ giải pháp kỹ thuật, khối lượng, giá trị, thời điểm thực hiện, thời điểm kết thúc, thời điểm hết thời hạn bảo hành từng dự án.

Trước đó vào tháng 5-2015, Tổng cục Đường bộ cũng đã yêu cầu Ban QLDA3 sửa chữa, khắc phục hư hỏng, mất ATGT trên mặt cầu Thăng Long. Năm 2015, mặt cầu Thăng Long cũng đã nhiều lần được sửa chữa…

Hỏng đến đâu vá đến đấy

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Cục trưởng Cục QLĐB I cho biết, thực hiện chỉ đạo sửa chữa khẩn mặt cầu Thăng Long để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Đơn vị đã bắt tay vào sửa chữa từ ngày 27-8, dự kiến đến hết ngày 30-8 sẽ hoàn thiện. Ước khối lượng sửa chữa lần này vào khoảng 200m2. Đề cập đến công nghệ áp dụng sửa chữa lần này, ông Nguyễn Xuân Lâm thông tin, đơn vị vẫn áp dụng công nghệ cũ vì công nghệ mới chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

“Khó khăn khi sửa chữa mặt cầu Thăng Long là vừa làm vừa phải đảm bảo giao thông cho các phương tiện qua lại. Trong khi đó, việc sửa chữa cũng chưa thể tính đến hiệu quả lâu dài, trước mắt là để phục vụ người dân lưu thông êm thuận trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh tới đây”,  đại diện Cục QLĐB I thông tin.

Trả lời về việc mặt cầu Thăng Long đã nhiều lần được sửa chữa, duy tu nhưng vẫn không mang lại kết quả lâu dài, ổn định, ông Nguyễn Xuân Lâm cho rằng, do kết cấu mặt cầu Thăng Long là bản thép, sử dụng công nghệ của Liên Xô trước đây, bên trên trải lớp bê tông nhựa chỉ 7cm, trong khi lưu lượng xe qua lại lớn, cộng với cầu xây dựng đã lâu, công trình đã lão hóa nên việc xử lý dứt điểm khá phức tạp. “Việc sửa chữa đảm bảo lâu dài khá phức tạp nên phương châm là hỏng đến đâu thì sửa chữa, khắc phục đến đấy”, ông Nguyễn Xuân Lâm cho biết.

Cuối năm 2009, Bộ GTVT đã quyết định chi 97 tỷ đồng sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ mới nhưng chỉ sau 2 tháng đã xuất hiện nứt, vỡ. Bộ GTVT cũng nhận trách nhiệm do công nghệ thất bại. Bộ GTVT cũng đã mời các chuyên gia từ Anh, Đức, Singapore, Nhật Bản sang thử nghiệm hỗ trợ nhưng chưa thành công. Từ đó đến nay, năm nào cầu Thăng Long cũng được sửa chữa tạm vài lần với số kinh phí không nhỏ.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho rằng, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long liên tiếp gặp thất bại là do công nghệ, kỹ thuật áp dụng chưa đúng, chưa chuẩn. Vì công nghệ rất phức tạp, bao hàm nhiều yếu tố như nhiệt độ môi trường, tỷ lệ nhựa đường, tỷ lệ đá cấp phối, xi măng… Trong khi đó, công nghệ trải nhựa trên bản thép là công nghệ phức tạp, nếu không  cẩn thận rất dễ dẫn đến hiện tượng xô trượt sang hai bên.