Kiến nghị xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng chống ùn tắc

ANTD.VN - Với hơn 5 triệu mô tô, xe máy, khoảng hơn nửa triệu xe ô tô; cùng hàng triệu phương tiện cá nhân khác, chưa kể đến lượng lớn phương tiện ở các tỉnh thường xuyên ra vào Hà Nội, sức nóng về áp lực giao thông của Thủ đô chưa khi nào “nguội”. 

Những giải pháp, đề xuất của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội đối với các cơ quan chức năng được xem là dữ liệu tin cậy để nghiên cứu, triển khai những phương án đảm bảo ATGT mang tính bền vững.

Một trong những đề xuất của CSGT Thủ đô là nghiên cứu, khảo sát, triển khai xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, cũng như hạn chế phương tiện đi qua trung tâm thành phố.

Giải quyết hơn 400 đầu việc

Trong rất nhiều cuộc họp, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội than thở: “Mỗi một CSGT Thủ đô hiện đang phải “cõng” trên lưng hàng nghìn phương tiện trong một ca công tác”. Dẫu biết hình ảnh mà người đứng đầu lực lượng CSGT Hà Nội ví von này chỉ mang tính ước lệ, song phần nào nói lên áp lực mà lực lượng này đang phải đảm đương.

Thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày lực lượng CSGT đăng ký mới, sang tên, đổi chủ cho khoảng 500 phương tiện. Diện tích các tuyến phố thì chẳng thể “nở” thêm, trong khi sức ép về sự gia tăng chóng mặt của các loại phương tiện đang khiến tình trạng ùn tắc giao thông nóng lên từng ngày.

Dù quân số hơn 1.000 CBCS, nhưng hiện nay lực lượng CSGT  Thủ đô vẫn đang mang sức người ra để chống ùn tắc song áp lực từng ngày là quá "khủng" 

“Dù lực lượng CSGT đã luôn nỗ lực, song nếu như không có các phương án tổ chức giao thông hợp lý thì sức người sẽ chẳng thể nào xoay chuyển được cục diện giao thông đang ngày càng tăng lên” - đại diện Phòng CSGT nhấn mạnh. Hơn ai hết, câu chuyện và bài toán giải quyết ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn không gì bền vững hơn chính là các giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài. Cùng với việc đẩy mạnh CSGT hóa giải những điểm, nút có nguy cơ ùn tắc, trong năm 2016, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã tham mưu cho CATP Hà Nội kiến nghị và phối hợp với Sở GTVT thành phố khảo sát, triển khai thực hiện nhiều đầu việc liên quan đến công tác tổ chức giao thông.

Đại úy Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội thống kê: "Có tới 414 đầu việc gồm phân luồng, tổ chức giao thông, 221 kiến nghị về điểm đỗ... đã được lực lượng CSGT Hà Nội đề xuất các cơ quan chức năng giải quyết. Cụ thể, ngoài những kế hoạch, phương án bảo vệ trong các kỳ cuộc lớn của đất nước và thành phố diễn ra ở Thủ đô, đơn vị đã tổ chức họp với Công an các quận, huyện trên tuyến trục phía Nam và phía Tây Hà Nội đưa ra các bện pháp phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tai nạn giao thông (TNGT); hay đề xuất với Sở GTVT, ngành đường sắt 30 biện pháp đảm bảo TTAGT đường sắt đi qua địa bàn thành phố".

Những giải pháp mang tính bền vững

Cũng theo Đại úy Phạm Đức Hoàng, đáp lại sự chủ động của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt trong công tác khảo sát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp trên là sự thụ động, ỷ lại và chưa sát sao của một số đơn vị có liên quan. Cụ thể, hiện tại vẫn còn một số phần việc lớn liên quan đến công tác tổ chức giao thông dù Phòng CSGT đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất như tổ chức giao thông 2 chiều tại đường Phan Chu Trinh và phố Yết Kiêu (quận Hoàn Kiếm) nhằm giảm tải cho các tuyến phố Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Bà Triệu, Quang Trung (Hoàn Kiếm) trong thời gian tổ chức không gian đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm; tổ chức giao thông 2 chiều ở đường Đê La Thành và một số nút giao thông có liên quan nhằm giảm tải cho phố Nguyễn Thái Học, Kim Mã (thuộc các quận Đống Đa, Ba Đình).

Việc xây dựng các cây cầu nhỏ kết nối giữa trung tâm thành phố với quận, huyện ở bên kia sông Hồng sẽ giảm ùn tắc trong nội đô, khi các cây cầu cũ hiện nay đang quá tải với lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc

Bên cạnh đó, những đề xuất lớn như tổ chức lại giao thông tại các tuyến đường, phố Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy, Quốc lộ 5 và các công việc liên quan đến lắp đặt đèn chiếu sáng, duy tu, bảo trì mặt đường, tuyến phố của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt cho các đơn vị, nhưng đến thời điểm này vẫn "án binh bất động".

Được biết, ngày 10-2 vừa qua, trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, CATP Hà Nội đã có báo cáo gửi đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội các biện pháp tăng cường đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố năm 2017 và những năm tiếp theo. Theo đó, báo cáo đề xuất Chính phủ siết chặt lại công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, cụ thể: Chuyển giao công tác đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an; ban hành niên hạn sử dụng đối với xe ô tô con, mô tô, xe máy.

Đặc biệt, tổ chức đấu giá BKS, áp dụng việc cấp biển số phương tiện theo con người. Mỗi công dân chỉ được cấp một biển số xe mô tô, ô tô nhằm quản lý phương tiện chính chủ và giảm ùn tắc giao thông, phòng ngừa, đấu tranh giảm TNGT, tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ GTVT ban hành quy định đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định và hợp đồng phải có thiết bị giám sát hành trình, máy đo nồng độ cồn kết nối với Trung tâm giám sát của Tổng cục đường bộ Việt Nam để quản lý...

Nhiều tuyến đường trong nội đô chỉ cần mưa nhỏ, kéo dài cũng lâm vào ùn tắc cục bộ, không lối thoát

“Các giải pháp trước mắt chúng tôi đề xuất với lãnh đạo các cấp là xây dựng 3 cây cầu qua sông Hồng, cụ thể: Xây dựng cầu nối từ huyện Thường Tín sang tỉnh Hưng Yên để các phương tiện phía Nam không đi qua trung tâm thành phố; từ đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm sang quận Long Biên, phục vụ đi lại của nhân dân trong khu vực nội thành; từ khu vực bến phà Chèm, quận Bắc Từ Liêm sang huyện Đông Anh, để các phương tiện phía Bắc không đi qua trung tâm thành phố” - Đại tá Đào Vịnh Thắng đề xuất.

Cũng theo đại diện Phòng CSGT, đơn vị đề xuất hạ cốt đê, xây dựng 2 tuyến tàu điện hoặc buýt nhanh từ bến nứa đi thị trấn Phùng và từ đường Yên Phụ đi huyện Thường Tín. Đồng thời, tiếp tục triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo TTATGT; di dời bến xe phía Nam về huyện Thanh Trì, bến xe Mỹ Đình về huyện Đan Phượng và bến xe Nam Thăng Long về huyện Đông Anh, nhằm giải bài toán xe khách chạy vòng vo, dừng đỗ đón trả khách trong nội đô, tương lai triển khai tiếp các tuyến đường vành đai 4, 5 để giảm ùn tắc giao thông.