Doanh nghiệp tiếp tục phản đối điều chuyển luồng tuyến xe khách

ANTD.VN -Sáng nay, khoảng 20 doanh nghiệp vận tải trong diện điều chuyển luồng tuyến đã về Sở GTVT Hà Nội phản đối việc điều chuyển bến xe trước đó.

Tại buổi tiếp xúc "bất ngờ" vào sáng nay 15/3, các doanh nghiệp đều có chung một ý kiến, là việc chuyển về bến mới- Nước Ngầm sau hơn 2 tháng khiến doanh nghiệp rơi vào thua lỗ nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, phải dừng hoạt động.

 Ông Trần Hữu Quảng, Giám đốc TNHH Hà Sơn Hải, chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội (Nước Ngầm) bày tỏ, từ năm 2013, bến xe Mỹ Đình được cho là "vỡ trận", hàng loạt doanh nghiệp đã bị điều chuyển luồng tuyến, sau khi ổn định, các doanh nghiệp ở lại tưởng đã yên ổn đầu tư, làm ăn thì bây giờ lại bị điều về bến Nước Ngầm. 

Các doanh nghiệp vận tải "đổ" về Sở GTVT Hà Nội phản đối việc điều chuyển sáng nay 15/3

"Bến xe Nước Ngầm nằm ở ngay điểm "đen" về ùn tắc giao thông cửa ngõ thành phố, và giờ lại điều chuyển thêm hàng trăm lượt xe về đây càng gây ùn tắc. Cùng đó, bến Nước Ngầm các loại phí quá cao và những điều khoản hợp đồng vô lý", ông Quảng bày tỏ.

Đơn cử, trong hợp đồng với bến Nước Ngầm có điều khoản, nếu lái, phụ xe nói to ở bến xe sẽ bị phạt 200.000 đồng. "Ở bến xe nhộn nhạo, đông đúc như vậy mà không nói to thì giao tiếp với nhau qua cử chỉ à", ông Quảng bức xúc cho hay. 

Theo đó, ông Quảng đề xuất nếu không được quay trở về bến Mỹ Đình hoạt động thì có thể chuyển doanh nghiệp về bất kỳ bến xe nào mà Tổng công ty vận tải Hà Nội đang quản lý. 

Theo các thông tin của doanh nghiệp chạy xe Thanh Hóa- Hà Nội (Nước Ngầm), hiện tất cả các nhà xe trong diện điều chuyển ở tuyến này đều phải cắt giảm đầu xe vì nếu chạy mỗi xe sẽ lỗ 2,5 triệu đồng/ngày.

Còn ông Đinh Quang Thắng, Giám đốc Công ty Anh Thắng, chạy tuyến Vinh- Hà Nội (Nước Ngầm) cũng xin được về lại bến Mỹ Đình hoạt động vì doanh nghiệp đang quá khó khăn sau khi điều chuyển. 

Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho hay, hiện các ý kiến của doanh nghiệp đã được Bộ GTVT thống nhất với thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo tiếp.

“Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của thành phố đang tích cực kiểm soát, xử lý nạn xe “dù”, bến “cóc” để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vận tải” – ông Quang thông tin thêm.

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải và chủ trương sắp xếp luồng tuyến đã được Bộ GTVT và thành phố thống nhất, đồng thời chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ.