Cuộc đua không cân sức trên thị trường ô tô

ANTD.VN - Phải chịu nhiều quy định ràng buộc, lại không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân đã tính đến việc bỏ nghề.

Kinh doanh ô tô đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút FDI

Với doanh số mỗi năm tăng tới vài chục phần trăm, Việt Nam được đánh giá là thị trường ô tô hấp dẫn nhất ASEAN, nhất là trong bối cảnh thuế nhập khẩu các dòng xe dung tích xi lanh dưới 2.0L từ khu vực ASEAN sẽ giảm về 0% trong năm tới. Tuy vậy, cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả, việc dòng vốn ngoại đổ dồn vào lĩnh vực này trong năm 2017 đã báo trước một cuộc cạnh tranh không cân sức. 

Không cạnh tranh nổi ô tô giá rẻ

“Bỏ hẳn Thông tư 20 chúng tôi vẫn thua” - đó là khẳng định của ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thiên Anh Phúc, một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Hà Nội. Theo ông Nguyễn Tuấn, Thông tư 20 sau hơn 5 năm áp dụng đã ảnh hưởng rất lớn tới nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô với quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự. 

Do làm ăn khó khăn, số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ngày càng teo tóp và đến nay chỉ còn khoảng 20 doanh nghiệp. Số này cũng chỉ có thể buôn bán xe cũ chứ không được phép nhập khẩu xe mới. Đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Tuấn dù Thông tư 20 có được bãi bỏ thì những doanh nghiệp này cũng “không dám nghĩ đến kinh doanh ô tô nữa” khi làn sóng ô tô giá rẻ có thể sẽ tràn vào Việt Nam. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 1-2017, cả nước đã nhập hơn 7.300 xe ô tô, tăng hơn 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2016 (5.800 chiếc). Mỗi xe nhập về Việt Nam tháng 1-2017 có mức giá khoảng 20.800 USD/chiếc (chưa gồm thuế), giảm tới 4.500 USD/chiếc so với cùng thời điểm năm ngoái (25.300 USD/chiếc).

Thực tế này dự báo một cuộc đua của xe giá rẻ đến từ các thị trường ASEAN và Ấn Độ, bởi lượng xe các nước này đã chiếm hơn 70% tổng lượng xe nhập. 

Vốn ngoại đè bẹp doanh nghiệp nhỏ

Trước những khó khăn bủa vây, hiện nay, một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân đã tính đến chuyện chuyển hướng kinh doanh xe ô tô bình dân. Chủ một showroom ô tô cũ nhập khẩu trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vài năm trở lại đây, không chỉ không được nhập khẩu ô tô mới mà ngay cả việc nhập khẩu ô tô cũ cũng không thuận lợi do những quy định liên tục thay đổi.

Mức thuế tăng lên khiến giá ô tô cũ tăng, lãi giảm không đủ bù chi phí mặt bằng, nhân công. Chính vì vậy, chủ doanh nghiệp này đã quyết định đăng ký kinh doanh lại để phân phối một số thương hiệu xe nhập khẩu bình dân. 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần đây có xu hướng đổ mạnh vào lĩnh vực kinh doanh ô tô. Cụ thể, trong năm 2016, số dự án FDI cấp mới vào ngành kinh doanh buôn bán ô tô tăng thêm trên 505 dự án, đứng thứ hai về các ngành thu hút FDI lớn nhất vào Việt Nam, xếp trên cả lĩnh vực thu hút nhiều FDI trong mấy năm qua là bất động sản.

Theo nhận định của Cục Đăng ký và Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc có nhiều dự án FDI tập trung vào buôn bán ô tô là do cơ chế, chính sách thuế đối với ô tô đang được cởi bỏ và các nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ thị trường Việt Nam.