Chuyện lạ khi đi qua cầu Chiếc, phụ xe buýt kiêm nâng mở barie

ANTD.VN - Những cây cầu cũ ọp ẹp ở ngoại thành Hà Nội, mỗi lần xe tải, công nông chở nặng đi qua lại rung lên bần bật gây nguy cơ mất ATGT nhưng chưa được thay thế.

Mỗi xe buýt được cấp riêng 1 chìa khóa mở barie cầu Chiếc (Thường Tín, Hà Nội)

Năm 2011, Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với 34 công trình cầu vượt sông mang tính cấp bách trên địa bàn thành phố. Đến nay, sau hơn 6 năm triển khai, vẫn còn 16 cây cầu chưa được tu sửa, thay thế; trong đó 8 cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông liên khu vực các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín…

Muốn qua cầu, phụ xe buýt phải xuống mở khóa barie

Mỗi khi qua cầu Chiếc nối giữa hai huyện Quốc Oai - Thường Tín, phóng viên lại được nghe kể câu chuyện thật như đùa. Đó là mỗi xe buýt chạy qua cầu Chiếc luôn “thửa” sẵn một chìa khóa để mở barie khi lưu thông qua cầu. 

Cầu Chiếc (lý trình Km8+255) nằm trên địa bàn xã Hiền Giang - Thường Tín án ngữ con đường huyết mạch TL427 nối QL21B (Thanh Oai) với QL1 (Thường Tín). Cây cầu được xây dựng từ năm 1999, tải trọng tối đa 10 tấn. Năm 2010, người ta đã phải gia cường mặt cầu bằng tấm đan sắt thép do xuống cấp trầm trọng. Để đảm bảo an toàn, đơn vị quản lý đã lắp đặt barie hạn chế chiều cao tối đa (2,1m) đối với phương tiện qua cầu.

Mới đây, tuyến buýt số 94 Giáp Bát - Kim Bài được đưa vào hoạt động, các xe buộc phải đi qua cầu Chiếc nhưng chiều cao lại lớn hơn 2,1m. Vậy nên, đơn vị quản lý cầu phải đánh cho mỗi xe buýt một chiếc chìa khóa mở barie, khi đến đây, phụ xe buýt phải xuống mở khóa, nâng barie cho xe qua rồi khóa lại để ngăn xe tải lớn.

 Người dân tổ 3, thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang (Thường Tín) cho biết: “Cầu quá yếu, mặt tấm đan gia cường gồ ghề, trơn trượt, trời mưa phương tiện qua cầu không cẩn trọng thường xuyên bị ngã. Đáng nói, hai đầu cầu thường xảy ra ùn tắc. Chúng tôi đã trình bày với rất nhiều đoàn kiểm tra, rồi UBND huyện Thường Tín. Được biết, dự án xây dựng cầu cũng đã có mà không hiểu sao mãi chưa thấy xây dựng cho nhân dân vùng ngoại thành bớt vất vả”.

Tương tự, các cây cầu: Suối Hai 1, Km11+471, TL413 (Ba Vì); cầu Phú Tiên vượt sông Nông Giang, nối huyện Phú Xuyên với huyện Duy Tiên (Hà Nam); cầu Hạ Dục (Chương Mỹ) cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo lưu thông liên khu vực. Thậm chí, các cầu: Gốm (Chương Mỹ); Hồng Phú nối Thanh Oai với Phú Xuyên; cầu Phú Thứ tại Km6+680, TL420, dù có vai trò kết nối các địa phương nhưng vẫn tồn tại ở dạng cầu phao dân sinh thô sơ, cũ nát, cực kỳ nguy hiểm cho người qua lại. Đáng ngại hơn là mỗi khi có xe tải đi qua, cả cây cầu cứ rung lên bần bật, xe máy, xe thô sơ phải “dạt” vào hai bên mép cầu không dám đi tiếp vì sợ… sập. 

Trở ngại phát triển kinh tế - xã hội

Bác Đặng Văn Hai ở xã Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Nội bày tỏ, năm 2016, khi nghe tin thành phố Hà Nội quyết định giao Sở GTVT Hà Nội đầu tư xây dựng cầu Phú Tiên vượt sông Nông Giang, nối với huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam, thay thế cầu Lương đã cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân trong huyện mừng lắm.

“Cây cầu mới có vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 2 năm 2017-2018 nhưng đến nay, người dân chờ mãi vẫn chưa thấy dự án được triển khai. Trong khi đó, cầu Lương đã xuống cấp nghiêm trọng, mang tiếng là cầu huyết mạch nối hai tỉnh, thành phố mà tạm bợ quá”, bác Đặng Văn Hai thở dài.

Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ 1 Hà Tây Phùng Tuấn Minh cho biết, trong số những cây cầu nêu trên, một số đã được xây dựng từ thế kỷ trước, quy chuẩn kỹ thuật lạc hậu, tải trọng thấp không đảm bảo an toàn lưu thông. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế, xã hội phát triển, các địa phương đều có nhiều cơ sở sản xuất, nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng cao.

“Những cây cầu cũ kỹ này đang gây trở ngại lớn cho giao thông liên khu vực các huyện: Thường Tín, Thanh Oai, Ba Vì, Phú Xuyên…”. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất - Phí Đình Phùng thông tin thêm, những cây cầu yếu trên địa bàn huyện đều đã có kế hoạch sửa chữa, thay thế, được các cấp chức năng phê duyệt nhưng vẫn chưa thể triển khai do chưa được bố trí vốn. 

Theo tính toán, những cây cầu yếu trên địa bàn một số huyện dù có ý nghĩa rất quan trọng với giao thông khu vực nhưng đều thuộc loại hạng mục nhỏ, vốn đầu tư từ 10 - 115 tỷ đồng. Có cầu như: Hạ Dục, Gốm, Hồng Phú đã phê duyệt đầu tư từ năm 2012; cầu Phú Thứ phê duyệt từ năm 2013…; còn lại được đưa vào kế hoạch đầu tư từ năm 2016 tới nay.

Việc chậm trễ thực hiện sửa chữa, thay thế các cầu này đang gây trở ngại lớn cho người dân địa phương mỗi khi lưu thông, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT mỗi khi có mưa, lũ đến. Hơn nữa, cầu cũ, yếu còn gây cản trở phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn vì giao thông đi lại không thuận lợi, việc trao đổi hàng hóa, thông thương giữa các khu vực cũng phần nào bị hạn chế... Do đó, người dân ngoại thành rất mong mỏi thành phố đầu tư xây dựng những cây cầu mới.