Chuyện chưa kể về những cung đường Tây Bắc "không thể quên"

ANTD.VN - Với đặc thù tới làm việc ở những nơi xa xôi như các đồn biên phòng sát biên giới, đoàn nhà báo chúng tôi đã được trải nghiệm những điều vô cùng thú vị, và cũng hãi hùng tới khó quên ở miền biên viễn Tây Bắc Tổ quốc.

Trong khuôn khổ chương trình đi thực tế viết bài tại một số đơn vị bộ đội biên phòng Tây Bắc do Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội tổ chức, tôi và anh em trong đoàn đã có những ký ức đặc biệt khó quên.

Với những người đã đi, hay sắp đi Tây Bắc, hẳn họ cũng cảm thấy nhiều chia sẻ thông qua những ký ức này.

Món thắng cố Lào Cai: Không “kinh dị” như… lời thiên hạ

Bữa ăn đầu tiên của đoàn được một người anh có nhiều kinh nghiệm đi Tây Bắc sắp xếp tại một quán ăn trên địa bàn Lào Cai.

Theo lời anh thì “Đã đi qua Sapa, Lào Cai mà không ăn thắng cố thì phí quá!”

Nhưng quả là không phải ai cũng hào hứng với kế hoạch này, bởi quá nhiều lời “dọa dẫm” đã được lưu truyền về món ăn truyền thống phía Tây Bắc, như “toàn bộ cỗ lòng ngựa không hề được rửa ráy gì, mà bỏ ra là thả ngay vào nồi”, hay “thắng cố phải có mùi… thum thủm đặc trưng vì nội tạng là nguyên bộ”…

Thế nhưng, đúng như người ta nói, “trăm nghe không bằng một thấy”, và trăm thấy chẳng bằng một nếm…

Chảo thắng cố ngon lành mà chúng tôi được thưởng thức tại Lào Cai. Ảnh: Hoàng Minh

Khi dọn chảo thắng cố ra, mọi người ai cũng phải xuýt xoa, vì món “lẩu lòng – thịt  ngựa” này rất dễ ăn. Cảm nhận ban đầu thì món ăn có hương vị khá giống với phở sốt vang dưới xuôi.

Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là món ngon này không dành cho những ai “yếu răng”, vì nhìn chung, thịt ngựa khá dai, một số bộ phận nội tạng cũng dai không kém. Nếu gắp được miếng tiết mềm, hay lòng non giòn, thì người gắp như thể “trúng số” trên mâm thắng cố bốc khói nghi ngút vậy.

Một món ăn phụ khá đưa miệng khác tại đây là bánh mỳ chao qua dầu và ăn kèm thịt hộp.

Đường đèo trắc trở, ngoằn ngoèo với nhiều đoạn cua tay áo rợn người

Nhắc tới Tây Bắc thì một “đặc sản” không thể không nói tới, là những cung đường vô cùng hiểm trở. Đường đèo ngoằn ngoèo với nhiều đoạn cua tay áo rợn người, khiến người ngồi trên xe có những phen đứng tim.

Từ trung tâm thành phố Lai Châu, đoàn chúng tôi còn phải di chuyển thêm 200km nữa để tới các đồn biên phòng Mù Cả và Thu Lũm, thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Cung đường này giúp cả đoàn như được “trị liệu mát-xa” miễn phí, vì đặc thù đường ngoằn ngoèo liên tục nên ai ngồi trên xe cũng bị lắc trái, lắc phải gần như không ngừng nghỉ. Cậu lái xe trẻ tuổi liên tục vần vô-lăng tới mỏi cứng 2 tay.

Với những người chưa quen, cảm giác sẽ vô cùng khó chịu khi xương sườn và cơ bụng bị xoáy vặn liên tục.

Chuyện chưa kể về những cung đường Tây Bắc "không thể quên" ảnh 2

Cung đường Tây Bắc mang lại cảm giác mạnh cho bất kỳ ai từng đi qua. Ảnh: Đoàn Anh Tuấn

Có những lúc vào cua, đường hẹp, gặp xe ngược chiều đang xuống dốc, cảm giác như 2 xe sắp sửa đối đầu. Độ áp sát của 2 xe tới mức một chú trong đoàn phải bảo rằng “hai ông tài xế thoải mái thò sang bắt tay nhau, có khi còn châm giúp điếu thuốc được!” Tất nhiên,đó là nói vui.

Mặc dù đường sá đã được cải thiện đáng kể để xe ô tô có thể đi được, song nhiều đoạn vẫn khá xấu, mặt đường toàn đá to và sắc nhọn nên bánh xe khó bám.

Nói chuyện đi đường, thì có thể kể ra không ít ký ức hãi hùng, xin để dành cho những mục phía dưới nội dung này.

Những cái tên khó nghe, khó đọc mà… thú vị

Khi lên vùng cao Tây Bắc, sẽ có rất nhiều địa danh khiến người dưới xuôi cảm thấy ngỡ ngàng, thú vị, cho dù có khó nghe, khó đọc tới đâu.

Như những điểm chúng tôi đến: Đồn Biên phòng Mù Cả (xã Mù Cả), đồn biên phòng Thu Lũm (xã Thu Lũm), hay các thông tin về xã Leng Su Sìn, bản Xi Nế, Lù Khò, Cừ Xá, Gia Tè, Gò Cứ, Phìn Khò, điểm di dân U Ma Cao, U Ma Thấp…

Mỗi cái tên thường gắn liền với một tích nào đó, mà có nghe người già hay bộ đội biên phòng kể lại, ta mới hiểu và nhớ rõ hơn.

Chẳng hạn như xã Mù Cả, theo lời giải thích của Trung tá Phan Văn Hóa (Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mù Cả), thì tên ban đầu của xã là Mò Cá, sau đó, theo các lần phiên âm và nói chệch, thì tên địa phương này trở thành… “Mù Cả”.

Trước đó, khi lên tới đồn nằm trên núi cao, sương mù giăng kín khiến tầm nhìn bị hạn chế nhiều, chúng tôi cứ ngỡ “Mù Cả” là vì sương mù quá dày đặc khiến người ta không thể nhìn thấy gì…

Cảnh sắc tuyệt đẹp khó diễn tả bằng lời

Một trong những điều đọng lại sâu đậm nhất trong mỗi người khi đi lên vùng cao Tây Bắc – bất kể đó là người mới đi lần đầu hay đã quá quen với nơi đây – là cảnh sắc tuyệt đẹp đến ngỡ ngàng.

Chuyện chưa kể về những cung đường Tây Bắc "không thể quên" ảnh 3

Cảnh sắc Tây Bắc đẹp như một bức tranh hoàn mỹ. (Ảnh chụp bằng điện thoại: Đoàn Anh Tuấn)

Núi rừng hùng vĩ, nguyên sơ, mây lãng đãng trôi như làn khói thuốc điểm tô vào màu xanh ngút ngàn tầm mắt. Có những chỗ, mây lại tập trung đặc quánh vào, khiến người ta ngỡ như đó là chốn tiên cảnh…

Bởi vậy, dễ hiểu khi vùng đại ngàn Tây Bắc là điểm đến ưa thích của nhiều tay máy, muốn tìm tới để ghi lại những khoảnh khắc thiên nhiên đẹp tới nao lòng.

Chuyện chưa kể về những cung đường Tây Bắc "không thể quên" ảnh 4

Đồn Biên phòng Mù Cả nằm lẩn khuất trong sương. Ảnh: Trung Hiếu

Tôi tự tìm ra một “công thức” khá đơn giản để chụp ảnh đẹp: Đứng vững, hít một hơi dài để cảm nhận cái lạnh của mây và sương, cái mùi ngai ngái của lá cây và lắng nghe tiếng chim hót, tiếng vọng dội vào các vách núi trầm vang, rồi giơ máy ra và bấm…

Với cách chụp ảnh như vậy, chẳng hiểu sao chỉ với một chiếc máy “cùi bắp”, tôi cũng ghi lại được những bức ảnh tự nhiên mà đẹp như đã qua chỉnh sửa photoshop nhiều lượt vậy.

Bữa cơm “chém” ở Mường Tè

Trong hành trình “chạy” mưa để kịp vượt qua những cung đường xấu, kịp giờ tới các đồn biên phòng, đoàn chúng tôi đã có một bữa trưa khó quên ở trung tâm huyện Mường Tè.

Nơi đây dân cư còn ít, nên trung tâm huyện cũng chỉ có một đoạn ngắn tập trung những dịch vụ như cơm bụi, nhà nghỉ bình dân…

Đoàn lên tới đây là đã quá giờ trưa một chút, chẳng tìm được hàng nào nghỉ chân, mà anh em đều đói tới ngấu ruột. Mọi người thấy may mắn vì tìm được một hàng ăn do một người dưới xuôi lên đây mở, “không thì lại bóc mỳ gói nhai tạm cũng nên”.

Thế nhưng, cái cảm giác đói ngấu không khiến mọi người mất đi cảm nhận về một bữa ăn quá… tệ, khi mọi thứ đều khô cứng và mặn đến tê người. Thậm chí, món gà luộc được xem là “cứu cánh” cho bữa cơm, lại khiến người ăn bần thần vì nhận ra, giữa hàng đàn gà rừng thơm ngon ấy, người ta vẫn chọn thịt những con gà “thải” (loại gà công nghiệp chuyên nuôi để lấy trứng, khi hết ‘đát’ thì bị bán rẻ), da giòn sần sật nhưng chẳng có mấy vị thịt gà, và mỏ thì bị cắt bớt…

Kết thúc bữa ăn mà nếu ở dưới xuôi thì 300.000 đồng đã bị coi là đắt, đoàn chúng tôi phải thanh toán hơn 800.000 đồng.

Âu cũng là một kỷ niệm khó quên!

Đường đá dốc khiến chiếc xe 16 chỗ “phì phò” bò lên

Mỗi khi chiếc xe đang chạy bon bon mà bất ngờ khựng lại để “bò”, cả đoàn hiểu rằng sắp sửa được “mát-xa” rồi đây.

Quả không sai, khi đi qua những đoạn đường dày đá, tài xế buộc phải chạy xe chậm, và chiếc xe rung lắc không ngừng, ngật ngưỡng nghiêng trái nghiêng phải như thể ông lão 80 tuổi vừa uống hơi quá chén…

Những hòn đá sắc nhọn ở đường được đồng bào nhặt và xếp thành "rào chắn", ngăn cách vùng trồng trọt với đường đi. Ảnh: Trung Hiếu

Cảm giác hãi hùng tăng lên khi cậu tài xế vừa lái vừa lầm bầm… “xót” xe: “Không biết lốp có chịu nổi không. Không biết chịu được bao lâu nữa!”

Không xót sao được khi chiếc xe phải bò qua những đoạn đường toàn đá to, sắc nhọn, và vẫn là những con đường ngoằn ngoèo men núi, một bên là vực thăm thẳm…

Và rồi lần đầu tiên tôi thấy chiếc xe 16 chỗ trở thành “ông cụ” thực sự, khi tới những đoạn leo dốc đường đá. Cả đoàn phải xuống xe để đẩy, vì nếu chạy có tải, xe không tài nào leo nổi.

Thêm một ký ức đẩy xe lên dốc ở đường đá khó quên!

Bởi lúc ấy, ai cũng phải tập trung hơn, dồn sức máu lửa hơn. Những bàn chân đạp lên đá phải chắc chắn hơn, dù đau hay mỏi tới đâu chăng nữa. Vì sao ư? Nếu không may chỉ cần để cho xe trượt xuống thôi, thì không biết mấy anh em đang gò lưng đẩy xe sẽ thoát thế nào khi ở lưng chừng dốc toàn đá to, sắc nhọn ấy.

Cũng may mắn là suốt quãng đường đi, xe chúng tôi chỉ phải vá lốp có… 1 lần!

Những bữa cơm bộ đội khéo nấu, ngon lành

Chuyện chưa kể về những cung đường Tây Bắc "không thể quên" ảnh 6

Chuyến công tác tới các đồn biên phòng Tây Bắc rất khó quên

Trong chuyến công tác vừa qua, chúng tôi đã được ăn 3 bữa cơm do các đồn biên phòng mời.

Đó đều là những bữa rất ngon, với nguồn thịt sạch, rau xanh do chính các chiến sĩ tăng gia sản xuất. Mỗi món ăn đều được nấu vô cùng khéo léo, với đủ loại gia vị khác nhau.

Bởi thế, chúng tôi đã trêu các chiến sĩ rằng, “thế này thì khi về nhà, vợ các anh có lẽ còn phải học chồng để nấu được những món ngon đến vậy”.

Những pha rợn người đáng nhớ khi đi đường

Với lộ trình tổng cộng 1.300 km và di chuyển liên tục trong 5 ngày, trong đó khoảng một nửa là đường đèo hiểm trở, cả đoàn đã trải qua không ít pha rợn người đáng nhớ.

Như là khi xe đang ở một đoạn đèo và xuống dốc, trời mưa mù mịt, đường trơn như bôi mỡ. Chiếc xe container phía trước từ từ bò xuống, và “lịch sự” nhường xe của chúng tôi đi trước.

Khi vượt qua, mọi người đều thảng thốt khi ngửi thấy mùi phanh cháy khét lẹt, nhìn sang thì chiếc container đang bốc khói nghi ngút ở các bánh xe…

Thế nên chiếc xe của chúng tôi sau khi vượt qua đã phải chạy như bay, để tránh chiếc xe siêu trường siêu trọng đang lùi lũi phía sau kia.

Hay trong hàng loạt những lần vào cua, ít nhất vài lần cả đoàn bị đứng tim khi xe đối diện phóng quá nhanh, khiến 2 xe chạm mặt nhau như thể đối đầu. Cảm giác rợn người càng tăng lên, khi 2 bên đường dày đặc những biển cảnh báo nguy hiểm, yêu cầu tài xế tập trung, biển mô tả đoạn đường dễ bị lao xuống vực…

Lại một lần khác, khi xe đang trên đường trở về từ trên núi, một chiếc xe máy của cặp vợ chồng người Mông chở theo con nhỏ đã đột ngột lao từ đường nhánh ra với tốc độ rất cao, tạt đầu chiếc xe của chúng tôi.

Do quá bất ngờ, tài xế đã phải phanh gấp hết cỡ, đồng thời đánh lái sang phải để tránh va chạm. Cả đoàn khi đó gần như… ngừng thở, vì cú đánh lái quá mạnh tưởng như lao thẳng vào taluy âm bên đường…

Chuyện chưa kể về những cung đường Tây Bắc "không thể quên" ảnh 7

Một đoạn đường xấu khiến cả đoàn chật vật vượt qua

Và có lẽ “đỉnh cao” của ký ức hãi hùng là khi chiếc xe phải vượt qua một con dốc, đoạn đi từ Thu Lũm về trung tâm huyện Mường Tè.

Con dốc này đường rất xấu, nếu mưa to thì bị gián đoạn giao thông hoàn toàn. Khi chúng tôi đi qua, đường vừa trải qua trận mưa nhỏ hôm trước mà đã vô cùng lầy lội. Độ rộng của đường chỉ vừa đủ cho một chiếc container đi qua. Một bên là vách núi thẳng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm và không có taluy âm.

Chứng kiến con dốc nguy hiểm đó,  cả đoàn quyết định xuống xe để chiếc xe có thể leo không tải mà vượt qua dốc. Nhưng do bùn quá dày, ngập tới gần nửa bánh xe, chiếc xe bị lún lưng chừng dốc, không tài nào leo lên được.

Vậy là cả đoàn chúng tôi lại… đẩy xe, khi dưới chân là bùn đặc quánh và chỉ một chút bên cạnh là vực sâu hun hút. Đẩy lên không được, lại quay ra đẩy xuống để giải thoát cho chiếc xe.

Khi chiếc xe vừa thoát bùn, tài xế phải lùi lại rất sâu để lấy đà leo dốc. Khi đó, đứng trên đỉnh dốc, cả đoàn chúng tôi tưởng như ngừng thở vì ngỡ… xe mất phanh, không hãm lại được. Chiếc xe cứ càng lùi sát mép vực, cả đoàn lại càng nín thở đợi chờ…

Một Sapa bừa bộn và nhếch nhác

Không biết có phải do thời điểm cả đoàn chúng tôi ghé chân Sapa vào đúng những ngày mưa dầm hay không, mà điểm du lịch nổi tiếng này trở nên bừa bộn và nhếch nhác đến phiền lòng.

Những công trình xây dựng hiện đại của người dân mọc lên khắp nơi, đánh mất vẻ truyền thống nơi đây. Nhiều ngôi nhà đang xây dang dở, ximăng, cát sỏi tràn ra, loang lổ…

Bên cạnh đó, sự bừa bộn còn thêm phần tăng lên do thiếu quy hoạch tổng thể, khiến Sapa giống như một bức tranh nhiều màu sắc, nhưng lại là những màu “mạnh ai nấy góp”, làm cho người ta khó cảm nhận được vẻ đẹp của một địa danh có tiếng.

*****

“Đi một ngày, học một sàng khôn” – các cụ đã dạy như vậy. Quả thật, chuyến công tác Tây Bắc vừa qua đã cho mỗi người chúng tôi những “sàng khôn” khó quên. Sau chuyến đi này, dường như mỗi cây bút lại thêm phần xúc cảm và rắn rỏi hơn, khi mọi người được ngắm nhìn và lưu vào tâm trí những cảnh đẹp hùng vĩ của đất nước, cùng nỗ lực bám đất, bám dân, giữ từng cột mốc biên cương của các chiến sĩ quân đội vùng biên.