Chờ công nghiệp ô tô Việt Nam cất cánh

ANTĐ - Thừa nhận ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chậm phát triển hơn so với nhiều nước trong khu vực và mục tiêu nội địa hóa đến nay không đạt được nhưng đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển của ngành này.

Chờ công nghiệp ô tô Việt Nam cất cánh ảnh 1Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển công nghiệp ô tô

Cơ hội từ các cường quốc ô tô

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trước đây, khi nói đến phát triển công nghiệp ô tô, chúng ta chủ yếu đề cập tới tiềm năng, khả năng đáp ứng, phục vụ thị trường trong nước và công nghiệp phụ trợ cho ngành này nhưng TPP đã mở ra cách tiếp cận mới. Đó là việc các nước thành viên TPP có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu linh kiện đi các nước khác.

Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong lĩnh vực này trước đây phụ thuộc rất lớn vào thị trường trong nước có quy mô nhỏ, phân tán, nhưng sau TPP, các doanh nghiệp sẽ có động lực để phát triển với quy mô lớn. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, TPP sẽ tạo ra sức hút đầu tư từ các cường quốc về công nghiệp ô tô, trong đó Nhật Bản, Hoa Kỳ, Mexico giữ vai trò chủ đạo. 

Đại diện Viện nghiên cứu chiến lược của Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp ô tô. Trên thực tế, chúng ta đã sản xuất, xuất khẩu được một số phụ tùng, linh kiện ô tô, như thanh gia cường taplo, khung xe, ống dẫn dầu phanh, bàn đạp, ắc quy, ghế... Thị trường ô tô đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu mua các phụ tùng, linh kiện còn thấp. Do đó, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Trong tương quan so sánh với các nước ASEAN, chỉ Việt Nam và Philippines là còn nhiều tiềm năng phát triển. Thái Lan đã đến giai đoạn bão hòa, sản xuất vượt xa nhu cầu nội địa nên khó có cơ hội mở rộng sản xuất trong nước hơn nữa. Indonesia và Malaysia cũng có tiềm năng nhưng đang gặp không ít khó khăn. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhìn nhận, TPP sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh bởi các linh kiện, phụ tùng sản xuất tại Việt Nam lắp ráp vào ô tô các nước thành viên TPP (nếu đạt tỷ lệ 45%) sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các thị trường nội khối. Đây là lợi thế của Việt Nam bởi Thái Lan, Indonesia không phải thành viên TPP.

Học cách làm của người Thái

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức. TPP cũng đặt ra rào cản lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nếu không đổi mới nhanh chóng. Sau nhiều năm có chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, đến nay, mục tiêu nội địa hóa của Việt Nam vẫn không đạt được và giá xe luôn cao hơn các nước trong khu vực. Sau năm 2018, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm xuống mức 5% và 0%, gây sức ép cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, khi thuế quan theo TPP về mức 0%, nếu không có chiến lược phù hợp để phát triển công nghiệp phụ trợ thì Việt Nam sẽ trở thành nơi tiêu thụ linh kiện cho các nước thành viên TPP. Chưa kể, nếu giá xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước thành viên TPP giảm xuống, sẽ khó khuyến khích phát triển tiêu dùng ô tô trong nước.

Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam nên học người Thái Lan trong sản xuất ô tô. Cụ thể, người Thái Lan không có tham vọng xây dựng nhãn hiệu ô tô nào của riêng mình. Họ tập trung phát triển sản xuất phụ tùng ô tô hiện đại, chất lượng cao thay vì chủ yếu lắp ráp như Việt Nam. 

Để ngành công nghiệp ô tô phát triển, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy cho rằng, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, cần có biện pháp để chính sách ưu đãi đầu tư được thực thi hiệu quả hơn. “Cần xem xét lại chính sách phát triển để vừa làm tăng quy mô thị trường, vừa giúp tăng trưởng ngành” - bà Nguyễn Thị Xuân Thúy nói. Trong đó, việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu phụ tùng… cần được đánh giá kỹ càng để khuyến khích sản xuất trong nước.