Cải thiện hình ảnh xe buýt từ thái độ lái, phụ xe

ANTD.VN - “Quan tài bay”, “hung thần xa lộ”… là những những hình ảnh ẩn dụ mà nhiều người nói về xe buýt. Những câu nói cửa miệng trên đã và đang phản ánh hình ảnh xe buýt trong mắt cộng đồng. 

Áp lực giao thông tăng cao, những “cung đường khổ ải” ngày một nhiều là điều bất cứ ai tham gia giao thông thường xuyên tại Hà Nội đều có thể cảm nhận được, ngày ngày. 

Với quỹ đất mở rộng đường ít ỏi, hạn chế phương tiện cá nhân là điều ai cũng nghĩ tới. Giải pháp này dường như cũng là “chiếc phao” phù hợp nhất trước viễn cảnh đường sá tê liệt.  Hiện tại, đường sắt đô thị vẫn chưa hẹn ngày khánh thành, xe buýt đương nhiên là giải pháp duy nhất để hạn chế phương tiện cá nhân. 

Thực tế, Hà Nội đã ý thức rõ điều này. Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, thành phố đã triển khai hệ thống vận tải công cộng số lượng lớn. Gần 100 tuyến xe buýt đã đi vào vận hành kết nối các vùng miền của thành phố. Chất lượng xe, chất lượng phục vụ đều đang được cải thiện.

Đó là những chỉ dấu đáng mừng để xe buýt có thể cạnh tranh với các loại phương tiện cá nhân. Đặc biệt, những người tham gia di chuyển bằng xe buýt đã có những phản hồi tích cực với loại hình vận tải công cộng này. Song, để thuyết phục người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt, vấn đề cốt lõi là tìm cách tăng thiện cảm với loại hình dịch vụ này mà thôi.

Đến đây, câu hỏi đặt ra: Xe buýt có đang tạo được thiện cảm trong mắt người tham gia giao thông không? 

Câu trả lời là không. Hình ảnh những chiếc xe buýt chòng chành cua như sắp lật tôi vẫn gặp thường xuyên. Hình ảnh những ống khói xe buýt xả khói đen kịt cả đoạn đường cũng không phải hiếm gặp. Xe buýt bất chấp các phương tiện khác để tạt đầu vào bến như cơm bữa. Đấy là những điều mà người dân hàng ngày “mục sở thị”.

Nhan nhản những hình ảnh trên mạng xã hội cũng phản ánh rằng, xe buýt không những không chú ý “làm thương hiệu” mà còn thường xuyên để “mất điểm” trong mắt người dân, những “khách hàng tiềm năng”. Cách đây ít lâu, một hình ảnh được phát tán gây bức xúc trong dư luận: 3 chiếc xe buýt chắn một con đường tắc cứng.

Hay đoạn clip ghi lại lái xe buýt tay lướt điện thoại, cùi chỏ giữ vô lăng cũng làm dậy sóng dư luận. Với những hình ảnh vừa là trải nghiệm thực tế, vừa trên mạng xã hội như vậy, để lựa chọn một biểu tượng trên Facebook dành cho xe buýt, không ít người sẽ chọn biểu tượng “phẫn nộ” (Angry).

Người tham gia giao thông có cảm giác những người lái xe chỉ đang cố làm tròn vai. Họ không cố cải thiện hình ảnh cũng như tạo những sự thân thiện cần thiết với những người đang tham giao thông cùng mình, trên các tuyến đường.

Chính vì thế, bên cạnh việc cải thiện chất lượng xe, tăng số chuyến, ngành vận tải công cộng cần cả những động thái cải thiện hình ảnh của mình. Đôi khi không cần những chiến dịch truyền thông hoành tráng mà chỉ là những buổi làm việc nội bộ để xác lập lại thái độ của người lái xe, phụ xe - những đại sứ của xe buýt trên các tuyến đường - với khách hàng của họ và những người tham gia giao thông khác.