Diễn đàn: “Văn hóa giao thông - Bạn không ngoài cuộc”:

Bấm còi xe cũng cần văn hóa

ANTD.VN - Ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị lớn như Hà Nội từ lâu đã trở thành nỗi bức xúc lớn của người dân. 

Cả đoàn người và xe đồng loạt bấm còi inh ỏi sau mỗi trận bóng có đội tuyển Việt Nam thi đấu

Ngoài đủ thứ tạp âm của đường phố, nhiều người cảm thấy “phát điên” bởi sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, trên lộ trình về nhà, họ lại bị tiếng còi xe inh ỏi bám riết. Thậm chí, trong một số trường hợp, sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông còn bị đe dọa bởi tiếng còi hơi công suất lớn. Thực tế, một số vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi người tham gia giao thông bị giật mình, ngã xuống đường sau tiếng còi xe chát chúa.

Còi xe là một bộ phận không thể thiếu của các phương tiện giao thông. Không chỉ báo hiệu cho các phương tiện khác, còi xe còn có chức năng cảnh báo chính chủ xe về các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Thế nhưng, sử dụng công cụ này như thế nào cho đúng cách và văn minh lại là câu chuyện khác. 

Chuyện bấm còi vô tội vạ, bấm cho vui đang diễn ra hàng ngày trong vòng xoáy giao thông Hà Nội. Cổ vũ đội tuyển bóng đá - cả đoàn người dừng xe đồng loạt bấm còi; đèo con nhỏ phía trước - cho con bấm còi như trò đùa nghịch; sốt ruột vì tắc đường - lại bấm còi “giải khuây”…

Nhiều tuyến đường có biển cấm còi nhưng dường như ít ai để ý

Từng có thời ở Hà Nội, người ta đua nhau lắp những loại còi xe phát ra âm thanh kỳ dị như tiếng mèo kêu, trẻ con khóc… để dọa người tham gia giao thông, xem nó như một thứ “thời trang”… Đó là chưa kể những trường hợp sử dụng còi xe công suất lớn, vi phạm quy định của pháp luật, gây hoảng sợ cho người đi đường… 

Người ta cũng không kiêng dè bất kỳ một không gian nào, đi qua bệnh viện, nhà trẻ, trường học, cơ sở tôn giáo, thậm chí phố cấm… vẫn vô tư bấm còi theo kiểu “mình thích thì mình bấm thôi”. Chưa hết, trong một vài lần dừng chờ đèn đỏ, người viết bài này đã phải hứng chịu những tiếng còi xe (cả ô tô, xe máy) liên tiếp phía sau.

Ngoảnh lại, người viết nhận được “thông điệp” từ người bấm còi: “Dẹp ra để tôi còn đi!?”. Đấy, ở một đô thị có nhịp sống gấp gáp như Hà Nội, còi xe còn thêm chức năng dẹp người đứng chờ đèn giao thông đúng luật để chủ xe còn có lối… vượt đèn đỏ! 

Chế tài pháp luật chỉ áp dụng với những trường hợp lắp đặt còi xe sai quy định hoặc bấm còi khi đang lưu thông trong phạm vi phố cấm, còn không thể phạt được người vô ý thức kiểu “mình thích thì mình bấm thôi”. Hệ quả, giao thông Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung luôn trong tình trạng ầm ĩ đến nhức óc, tới mức, nhiều người Hà Nội chỉ ước ao được tới không gian nào đó vắng tiếng… còi xe.

Xây dựng ý thức của người tham gia giao thông là cả một quá trình. Trong đó, mỗi hành vi của người tham gia giao thông đều là một cấu thành quan trọng. Cái còi xe dù nhỏ nhưng sử dụng nó như thế nào không là chuyện nhỏ. Bấm còi xe cũng cần văn hóa, chứ bấm theo kiểu lạm dụng, làm điếc tai người khác thì rõ là người vô ý  thức! “Còi to cho vượt” chỉ là vì người ta không thèm chấp với người thiếu văn hóa mà thôi, làm gì có tý oai phong nào!