50km cao tốc phải đặt 1 trạm cấp cứu

ANTD.VN - Tối thiểu 50km đường bộ cao tốc phải có trạm cứu nạn y tế. Đây là quy định tại Thông tư của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1-3-2017.

Khi xảy ra tai nạn trên cao tốc, việc cấp cứu nạn nhân thường gặp khó khăn

Đường cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ, thiếu trung tâm cứu hộ, cứu nạn y tế và phương tiện là thực trạng đang diễn ra tại một số tuyến đường cao tốc. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dù được đánh giá là hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay, dài 100km nhưng dọc tuyến không có trạm dừng nghỉ, không có nơi đổ xăng đã gây không ít khó khăn cho lái xe. 

Trung tâm cứu hộ được lồng ghép vào trạm y tế

Tại Thông tư số 49/2016/TT-BYT ban hành tháng 12-2016 của Bộ Y tế về tổ chức và hoạt động cấp cứu TNGT trên đường bộ cao tốc quy định, hoạt động cấp cứu TNGT phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả để cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.

Theo quy định mới, trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua bao gồm: trạm y tế xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, Trung tâm cấp cứu 115, bệnh viện Nhà nước và bệnh viện tư nhân.

Đáng chú ý, tối thiểu 50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu. Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi có đường cao tốc đi qua lập danh sách cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện cấp cứu TNGT và gửi cho trung tâm điều hành giao thông tuyến và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều phối và thực hiện việc cấp cứu TNGT.

Về quy định này, ông Uông Đình Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M, Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) cho biết, đầu tháng 3, VEC đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương có đường cao tốc đi qua đề nghị cung cấp danh sách các trạm y tế, các cơ sở cấp cứu gần nhất để VEC nắm được và liên hệ khi có TNGT xảy ra trên cao tốc. Theo đó, hầu hết các địa phương đã gửi danh sách về cho VEC.

Ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng VEC thông tin, về cơ bản, VEC đều nhận được sự hợp tác từ các địa phương có cao tốc chạy qua. 

Lo trạm y tế không đủ năng lực

Theo đại diện VEC O&M, khoảng cách 50km đường bộ cao tốc phải có 1 trạm cấp cứu là hợp lý. Quy định về khoảng cách trạm cứu hộ y tế trên đường bộ cao tốc đã được phê duyệt trong đề án cấp cứu tai nạn trên đường cao tốc năm 2013. Tuy vậy, cũng có bất cập là theo Thông tư 49 của Bộ Y tế, các trạm cứu hộ y tế phải lồng ghép với Trạm y tế cấp xã/phường trở lên. Nhưng hiện nay, các trạm y tế xã/phường không có xe cứu thương, nên vẫn phải là các Trung tâm cứu thương 115 các tỉnh, thành phố và các bệnh viện.

“Trước đây, khi chưa có Thông tư 49 của Bộ Y tế, VEC O&M phải thuê Trung tâm 115 tại các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua với giá 25 triệu đồng/tháng để họ trực 24/24h khi có thông tin tai nạn xảy ra là họ điều xe cứu thương tới. Nhưng nay theo Thông tư của Bộ Y tế thì phần này sẽ do người bệnh chi trả”, đại diện VEC O&M thông tin.

Về quy định đặt trạm cấp cứu trên đường bộ cao tốc, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, sở dĩ có quy định này là do thời gian vừa qua tình trạng TNGT trên đường cao tốc khá nhức nhối, gây nhiều hậu quả đau lòng. Bên cạnh đó, trên cao tốc, khi tai nạn xảy ra, hầu hết nạn nhân không được sơ cứu, cấp cứu, điều trị kịp thời, chưa kể quãng đường di chuyển từ nơi xảy ra tai nạn tới các cơ sở y tế thường xa, ảnh hưởng tới việc điều trị thành công của bệnh nhân.

Do vậy, quy định 50km có trạm cấp cứu phần nào sẽ khắc phục những hạn chế nêu trên, giúp công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời. “Hoạt động cấp cứu TNGT phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, hiệu quả để cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất” - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay.