Trẻ trầm cảm vì áp lực từ cha mẹ

ANTĐ - Bắt con học, ép con thành tài là “căn bệnh” của nhiều cha mẹ. Vì vậy khi con rối nhiễu tâm lý, trầm cảm thì cha mẹ cũng cần phải chữa trị. 
Trẻ trầm cảm vì áp lực từ cha mẹ ảnh 1

Kỳ vọng của cha mẹ khiến nhiều học sinh căng thẳng, trầm cảm, nhất là trong các đợt thi cử 
(Ảnh chụp đợt tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 tại ĐH Bách khoa Hà Nội)

6 tuổi đã trầm cảm

Kín đáo bịt mặt, đưa con đến Phòng khám Tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội), chị Trần Hoa Ly (Đống Đa) phân trần, chị đưa con đi khám xa là vì sợ ở nội thành, gặp người quen, lại dị nghị về con. Chị Ly cho biết, con gái chị mới 6 tuổi nhưng từ nhỏ con chị đã chậm chạp hơn những đứa trẻ khác. Vì lo con không học được bằng bạn, ngay khi con gần 5 tuổi, chị đã cho con đi học chữ.

Ngày nào con đi học về, hai mẹ con chị cũng đánh vật học đọc, học viết. Chị Ly tức giận gào thét, mắng con. Sợ mẹ mắng, có lần con chị còn tè cả ra quần. Khi con vào lớp 1, mỗi lần con bị cô phê chữ xấu, làm toán chậm, chị lại lôi con ra quát mắng, đánh vào hai tay cho chừa. Một thời gian, chị Ly bỗng nhiên thấy con mình trằn trọc khó ngủ, khi ngủ cũng hay giật mình. Cô giáo cũng phản ảnh, ở lớp cháu không thích chơi đùa với bạn, chỉ nép mình ở góc lớp, gương mặt lờ đờ, mệt mỏi. Chị có quát, gương mặt cháu vẫn không cảm xúc. Cuối cùng chị đành đưa con đi khám. Bác sĩ cho biết, cháu bị trầm cảm do căng thẳng mà nguyên nhân mắc bệnh chính là từ mẹ. 

Con trai của anh Hoàng Anh Chính (Ba Đình) đang học lớp 5 lại thường xuyên lên cơn đau đầu, đau bụng mỗi khi lên lớp, đặc biệt vào các tiết kiểm tra. Lên phòng y tế của nhà trường nằm nghỉ thì lại đỡ. Vài lần, cô giáo yêu cầu bố mẹ cho cháu đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, chiếu chụp, soi khám vẫn không tìm được bệnh. Anh Chính nghi ngờ con muốn trốn học, nghỉ kiểm tra nên giở thói giả vờ, ăn vạ. Anh tiếp tục quát nạt, yêu cầu con phải học thêm, chịu phạt chép bài nhiều lần. Nhưng các cơn đau ngày càng nhiều lên, có lần cô giáo hốt hoảng phải đưa đi bệnh viện. Không tìm được nguyên nhân,  anh Chính nghe theo lời khuyên, đưa con đi khám sức khỏe tâm thần. 

Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, ngày càng có nhiều trẻ em được đưa đến khoa để tư vấn và điều trị các vấn đề về tâm lý. Các em thường gặp các triệu chứng mất ngủ, lo âu, xa lánh mọi người, học hành sa sút. Có em còn kèm các cơn đau cơ, đau ngực, đau bụng mà không tìm được nguyên nhân bệnh lý. Có em mới chỉ học lớp 1 đã có dấu hiệu căng thẳng, sợ học.

Nhiều trẻ mới 7-8 tuổi nhưng bố mẹ bắt đi học thêm 1 ngày mấy ca, chỉ cần con bị điểm 8 là đã mắng mỏ, so sánh con với bạn bè khác, sau đó lại ép con học tăng giờ… Khi thăm khám, trò chuyện, hầu hết các em đều cho biết rất sợ học, sợ bị điểm kém, sợ bị cô giáo phạt sau đó mách cho bố mẹ biết. Những lo âu kéo dài này dẫn đến các rối loạn thực vật kèm theo các chứng run, vã mồ hôi, đau bụng, đau đầu không rõ nguyên nhân.

Đặc biệt vào trước các kỳ thi, các em 14-15 tuổi đến khám không ít. Có em còn giấu bố mẹ tự tìm đến khám vì cũng cảm thấy “em sắp phát điên” vì đi ngủ cũng mơ thấy bài, đọc bài mà không hiểu mình đang đọc cái gì. Em cho biết nếu em không đỗ vào trường chuyên, không giành được học bổng thì bố mẹ sẽ đuổi em ra khỏi nhà. 

Bác sĩ Lý Trần Tình - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng nhận định ngày càng nhiều trẻ em phải đi khám tâm thần vì những rối nhiễu tâm lý với các biểu hiện mất ngủ, ngủ hay giật mình, căng thẳng lo âu, xa lánh người khác, sức khỏe sa sút, học hành chểnh mảng. Ban đầu, hầu hết các bậc cha mẹ đều không cho rằng con mình bị trầm cảm nên đưa con đi khắp nơi để chạy chữa. Chỉ đến khi không thể chữa được mới đưa con đi khám tâm thần. Cũng không ít cha mẹ sợ bị mọi người dị nghị nên vẫn để con ở nhà, không điều trị. 

Cha mẹ cũng cần điều trị

Bác sĩ La Đức Cương cho biết, nguyên nhân bệnh lý của hầu hết những trẻ bị trầm cảm đều xuất phát từ kỳ vọng quá lớn của cha mẹ. Đặt mơ ước, khát vọng của mình lên vai con, nhiều cha mẹ cho rằng cứ cho con học nhiều, ôn lắm, lớp giỏi, trường điểm thì con mình sẽ trở nên thông minh, thành tài. Theo bác sĩ Cương, để điều trị cho trẻ, trước mắt cần phải điều trị cho cả bố mẹ. Bố mẹ cần nhận thức được sự phát triển trí tuệ của trẻ sẽ không thể do ép học, tăng áp lực mà có được.

Bố mẹ là tiến sĩ, giáo sư nhưng không phải đứa con nào cũng thông minh, xuất chúng. Mỗi trẻ có một ngưỡng nhận thức. Nếu đã hướng dẫn, dạy dỗ con cẩn thận mà con vẫn không thể có sự đột phá thông minh thì cũng đừng quá ép. “Cha mẹ cũng cần được điều trị tâm lý để giải tỏa áp lực cho chính mình, không nên quá kỳ vọng vào con, để rồi ép trẻ học tập quá sức. Chỉ khi cha mẹ nhận thức được điều đó thì con mới có cơ hội thoát khỏi các ám ảnh về học tập và dần dần hết triệu chứng trầm cảm” - bác sĩ La Đức Cương cho biết. 

“Do quá kỳ vọng, khi con không đạt kết quả như mong muốn thì cha mẹ lại mắng mỏ, quát nạt, đánh đập con. Những lời mắng sỉ nhục, “dìm hàng”, coi con là ngu dốt, đồ bỏ đi, ăn hại sẽ khiến trẻ càng sợ hãi, tự ti, mặc cảm hơn. Lâu dần, trẻ em sẽ bị sang chấn tâm lý, có các rối loạn lo âu…” - bác sĩ La Đức Cương cho biết.