“Teen” mạnh dạn bàn về đồng tính

ANTĐ - Một trong những đề tài nhạy cảm trong giới học trò hiện nay là quan điểm về xu hướng giới tính khác biệt. Theo ông Trần Thành Nam, Tiến sĩ Tâm lý, ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, lứa tuổi 13-14 đã có những nhận thức về tính dục nên rất cần cách tiếp cận nhân văn và khéo léo.

Học sinh THCS không ngại nói về giới tính khác biệt

“Coi chừng bị lây”

Dù được đánh giá là nhạy cảm nhưng để tạo ra một bàn tròn chia sẻ quan điểm về giới tính, chương trình “Chinh phục” của VTV6, Đài truyền hình Việt Nam đã xây dựng riêng một tập về đề tài này và đã nhận được những ý kiến khá thẳng thắn của các thí sinh tham gia. “Ở trường em vẫn còn hiện tượng phân biệt đối xử với những bạn đồng tính. Các bạn ấy bị trêu chọc, bị tách khỏi và thường bị gọi bằng những cái tên không hay. Những bạn đồng tính thì hay bị nói là “Ê! Đừng chơi chung với bọn đó! Coi chừng bị lây luôn đó”. Em nhận thấy các bạn đó cảm giác rất đau khổ và cô đơn. Theo em không nên có hành vi phân biệt như vậy” – em Lê Minh Xuân Phúc, thí sinh 13 tuổi, đến từ TP.HCM chia sẻ quan điểm phải tôn trọng những xu hướng giới tính khác biệt.

“Đồng tính không phải là một căn bệnh để mà mọi người kỳ thị khiến cho người đồng tính không thể có cuộc sống bình thường. Mọi người cần có một quan điểm thoáng và mở hơn về đồng tính. Người đồng tính cũng như mọi người bình thường khác, chỉ là họ không thích và yêu người khác giới mà thôi” - thí sinh Nguyễn Thùy Dung đến từ Thừa Thiên Huế bình luận. 

Khá bất ngờ với chia sẻ của các bạn học sinh về vấn đề đồng tính, Ban tổ chức chương trình “Chinh phục” cho biết, nhiều thí sinh tham gia chương trình cũng đưa ra những nhận định rất thẳng thắn về giới tính. Các em ở độ tuổi từ 11 tới 14, lứa tuổi khởi đầu của những nhận thức rõ ràng về tính dục. Điều đáng nói là tất cả các em đều không coi đồng tính là căn bệnh hay biểu hiện lệch lạc, mà hoàn toàn là một xu hướng tự nhiên.

Đề tài không nên né tránh

“Lứa tuổi 13-14, độ tuổi cuối cấp THCS, khi mà những vấn đề về giới tính và sức khỏe sinh sản đã được chú ý đề cập, theo quan điểm cá nhân tôi cũng là thời điểm thích hợp để trẻ em được trao đổi về đồng tính. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, đây vẫn là một chủ đề nhạy cảm. Đề cập đến vấn đề đồng tính trên một gameshow truyền hình thông qua các câu hỏi có nội dung tích cực, các nhận định tích cực, đề cập đến các nhân vật đồng tính có đóng góp tích cực đối với xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau là cách tiếp cận chủ đề nhạy cảm này một cách rất khéo léo và nhân văn” - TS Tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ.

Bà Phan Ngọc Phước Bảo, phụ huynh em Huỳnh Phan Ngọc Long, thí sinh đến từ TP Hội An cho biết: “Tôi cũng khá bất ngờ, nhưng là một bất ngờ tích cực và thú vị khi thấy con mình xuất hiện trên truyền hình. Quả thật, mặc dù tôi và Huỳnh Phan Ngọc Long luôn xem nhau như những người bạn thân để chia sẻ các vấn đề quanh con gái mình, nhưng khi thấy rằng con và các bạn thí sinh cùng trang lứa khác có sự quan tâm và hiểu biết về chủ đề đồng tính, tôi thấy khá ngạc nhiên. Theo tôi, độ tuổi của con cũng là thời điểm thích hợp để nói về đồng tính, cũng như các vấn đề giới tính khác một cách trực tiếp mà không bó buộc, lý thuyết suông”.

Với thông điệp mà các em chia sẻ có thể thấy, trong bối cảnh nhiều bộ phận trong xã hội còn phân biệt đối xử với người đồng giới, những quan điểm của các em học sinh đã không chỉ rộng lượng và nhân văn hơn mà còn phản ánh đúng tri thức khoa học: đồng tính không phải là một căn bệnh hay sự hư hỏng đua đòi, ngược lại, đó là một xu hướng hoàn toàn tự nhiên hình thành ngay từ giai đoạn thơ bé của con người.