Tấm lòng sáng của một người khiếm thị

ANTĐ - Mặc dù bị khiếm thị, nhưng ông Nguyễn Viết Dương (xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội) không chỉ tự chăm lo cho cuộc sống của bản thân mà ngày ngày còn lặng lẽ làm công tác từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Tấm lòng sáng của một người khiếm thị ảnh 1

Ông Nguyễn Viết Dương vẫn tự chăm lo cho cuộc sống bản thân và tham gia các công việc từ thiện

Biến cố cuộc đời

Năm nay đã 78 tuổi nhưng ông Dương vẫn rất minh mẫn, ông kể: “Tuổi thơ tôi cũng sẽ nhẹ nhàng trôi đi nếu không có biến cố ngày ấy. Khi đó, tôi khoảng 8 tuổi, bị lây đau mắt của bạn cùng lớp, lúc đấy tôi chỉ nghĩ qua mấy ngày sẽ khỏi, không ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy ánh sáng”. Cuộc đời không cho ông đôi mắt lành lặn, không có cơ hội được học tập và vui chơi như bạn bè cùng trang lứa. Năm 9 tuổi, ông Dương chuyển sang theo học chữ nổi tại trường khiếm thị Nguyễn Chí Thiện ở quận Thanh Xuân. Do điều kiện ngày đó khó khăn nên vừa đi học ông vừa phải tìm cách mưu sinh. 

Ngày ngày đôi chân ông phải dò dẫm, lang thang kiếm sống khắp những con phố ở Thủ đô bằng nghề bán sáo dạo. Ở trường ngoài việc học chữ nổi, các thầy cô còn dạy đàn, dạy hát, dạy nghề thủ công cho những bạn có năng khiếu. Nhờ đó, từ bán sáo dạo, ông Dương nghĩ ra ý tưởng thổi sáo phục vụ khách tham quan, du lịch ở chân Tháp Bút bên Hồ Gươm. Ông cười bảo, ngày ấy không có nhiều hoạt động vui chơi như bây giờ, nhiều người đến xem phần vì yêu thích, phần vì hiếu kỳ, nên tiền bán sáo cũng giúp ông đủ sinh sống. 

Vừa đi học vừa phải tự mình mưu sinh, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ông đã sử dụng thành thạo chữ nổi, nên khi gia nhập Hội ái hữu mục thị, ông trở thành thầy giáo. Tiền phụ cấp từ việc dạy học giúp ông tiết kiệm được một khoản vốn dắt lưng. 

Mắt mờ nhưng lòng chẳng mờ

10 năm sau, trở về quê hương, với kiến thức và kỹ năng có được trong cuộc sống, ông được phân công làm Trưởng Ban văn nghệ của xã, phụ trách các hoạt động về thanh niên, thiếu niên (từ năm 1961-1973). Cũng trong thời gian này, ông đã gặp người vợ gắn bó với ông suốt cả cuộc đời và có với bà 3 người con. Hồi đó, những năm 1970-1973, bà Nguyễn Thị Lân là người cùng làng, cảm phục tài năng của ông đã đồng ý theo ông về sống cùng một mái nhà.

Hai vợ chồng đồng cam cộng khổ, cùng nhau bước qua những ngày gian khó. Ông tâm sự: “Mắt tôi hỏng, không có cơ hội được nhìn thấy mọi người. Thế nên, tôi luôn yêu quý và trân trọng những gì mình đang có, không mặc cảm tự ti và luôn động viên con cái cố gắng học tập, dù khó khăn vất vả cũng lo cho con được đi học”.

Giờ các con ông đã khôn lớn và đều thành đạt, hai vợ chồng ông sống với con trai út. Khi được hỏi về những việc làm thiện nguyện ông cười bảo: “Tôi bây giờ đã nghỉ hưu, lại sống với con trai nên mọi khoản tiền dành dụm, không dùng đến thì chia sẻ cho những người khó khăn hơn. Tôi luôn tâm niệm cứ cho đi sẽ nhận về hạnh phúc”.

Anh Trần Trọng Hoan, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nhị Khê cho biết, ông Nguyễn Viết Dương là một trong những điển hình về gương người tốt việc tốt của xã. Dù bị mù 2 mắt nhưng ông vẫn tự chăm lo cho cuộc sống của bản thân. Ông là người đầu tiên ở huyện Thường Tín đứng ra lập Quỹ khuyến học của dòng họ. Số tiền hàng năm ông đóng góp, ủng hộ các loại quỹ lên đến 40 triệu đồng.

Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông trực tiếp nghiên cứu tài liệu bằng chữ nổi về các tiêu chí để tuyên truyền cho những người khiếm thị của huyện. Không những thế ông còn đóng góp 240 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới của xã. Với những nghĩa cử cao đẹp đó ông đã được nhận Bằng khen của Hội chữ Thập đỏ Việt Nam.