Tranh chấp gay gắt khi mua bất động sản nghỉ dưỡng nhưng không được cấp sổ đỏ

ANTĐ - Mua biệt thự tại các dự án nghỉ dưỡng nhưng không được cấp sổ đỏ như nhà đầu tư hứa hẹn, thực trạng này khiến không ít khách hàng bức xúc và nảy sinh những tranh chấp nghiêm trọng. Câu hỏi được đặt ra là làm cách nào để người mua tránh được rủi ro?

Tranh chấp gay gắt khi mua bất động sản nghỉ dưỡng nhưng không được cấp sổ đỏ ảnh 1

 Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần xem xét kỹ hồ sơ pháp lý

của dự án trước khi ký hợp đồng

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội và rủi ro” do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (27-7), các chuyên gia cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng đang được đánh giá là phân khúc phát triển tốt, cơ hội sinh lời cao hơn so với các phân khúc truyền thống trước đây. Tuy nhiên, phân khúc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả nhà đầu tư và chủ dự án.

Thậm chí, có những thông tin cho rằng không ít mô hình kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng mang hơi hướng của kinh doanh đa cấp khiến nhà đầu tư hoang mang. Tại một vài dự án đã phát sinh tranh chấp nghiêm trọng giữa chủ dự án và nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hà Nội cho biết, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có tốc độ phát triển nhanh tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, có những năm tăng trưởng đến 15 -20%. Sở dĩ có sự tăng trưởng này là do nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước tăng rất cao, đặc biệt là du lịch biển. Trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp trong nước triển khai rất nhiều dự án lớn.

Về vấn đề chủ đầu tư khi mua biệt thự tại khu sinh thái có được cấp sổ đỏ hay không, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ chính sách và pháp chế – Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Việc có được cấp sổ đỏ hay không phải xét từ gốc vì đang có sự nhầm lẫn. Pháp luật đất đai quy định rõ nếu đất đai là đất nhà ở (chung cư, liền kề, biệt thự) có thể sử dụng xây nhà để bán, phân lô bán nền theo quy định… Khu du lịch nghỉ dưỡng là đất thương mại dịch vụ nên chỉ được cho thuê đất và không được phân lô bán nền bán như đất ở”.

“Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thể được chuyển nhượng từng phần cho các nhà đầu tư thứ cấp. Nếu hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, họ sẽ được chuyển quyền sử dụng đất. Để biết được chủ đầu tư dự án có quyền chuyển quyền sử dụng đất hay không thì nhà đầu tư thứ cấp phải xem xét hồ sơ pháp lý của dự án: mục tiêu dự án, nội dung dự án; hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất”, bà Hoàng Thị Vân Anh cho hay.

Đại diện Tổng Cục quản lý đất đai nêu rõ, việc sử dụng đất phải liên quan đến quy hoạch, mảnh đất ấy được sử dụng vào mục đích gì? Sau đó tuỳ từng loại tuỳ dự án, mục đích để có thể cho phép phân lô, chuyển quyền, tách thửa. Việc tách thửa có phù hợp quy hoạch chi tiết hay không, có sử dụng đúng mục đích không, đảm bảo diện tích tối thiểu hay không? Việc đất ở có sử dụng làm đất nghỉ dưỡng không, cần nghiên cứu Điều 57 của Luật Đất đai.

Nói rõ hơn về những nhầm lẫn của khách hàng khi đầu tư vào các khu bất động sản nghỉ dưỡng, bà Hoàng Thị Vân Anh cho biết: “Khách hàng của khu bất động sản nghỉ dưỡng đang có sự nhầm lẫn. Họ cho rằng các dự án này như là các dự án nhà ở để bán. Đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nếu đủ điều kiện theo quy định thì được chuyển nhượng từng phần hoặc toàn bộ dự án cho chủ đầu tư thứ cấp để tiếp tục kinh doanh theo đúng dự án và quy hoạch được duyệt. Các dự án không được bán các biện thự nghỉ dưỡng như trong các dự án nhà ở. Không được phân lô, bán nền cho khách hàng như trong các dự án nhà ở”.

Làm rõ hơn về vấn đề chuyển nhượng tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản - Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: “Trong trường hợp chuyển nhượng một phần dự án, cần phải hiểu rõ chuyển nhượng một phần dự án ở đây là gì? Một phần dự án không có nghĩa là một căn nhà. Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng phải đáp ứng đủ các điều kiện để được làm chủ đầu tư dự án”.

Theo ông Thường, cần hiểu rõ khái niệm chủ đầu tư phải được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Còn nhà đầu tư thứ cấp thì có thể là các cá nhân. Đối với các dự án mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép làm nhà ở để bán thì người dân có thể mua để ở.

"Nếu nhà đầu tư mua nhận chuyển nhượng thì phải có trách nhiệm thực hiện dự án đúng như mục tiêu ban đầu. Nếu trong dự án đó được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phần đất làm nhà ở để bán thì người dân có thể mua để làm nhà ở. Còn nếu dự án được phê duyệt để làm nhà cho thuê nghỉ dưỡng thì chỉ được cho thuê”, ông Thường khẳng định.