Tín dụng bất động sản giảm nhưng cho vay sửa chữa, mua nhà lại tăng

ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng bất động sản giảm mạnh, trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy tỷ lệ vay sửa chữa, mua nhà lại tăng nhanh và chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng chậm lại so với năm 2016. Không chỉ tốc độ tăng trưởng dư nợ bất động sản giảm, mà tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ chung toàn hệ thống cũng giảm, chỉ còn hơn 8%.

Tuy nhiên, báo cáo về tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy cho vay sửa chữa, mua nhà có xu hướng tăng mạnh trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Cụ thể, báo cáo cho biết, tín dụng tháng 5 tiếp tục tăng trưởng khả quan. Ước tính đến hết tháng 5-2017, tín dụng tăng 6,8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 5,7%).

Trong đó, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo chiều hướng giảm tỷ trọng tín dụng dài hạn. Ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn là 45,4% (cuối năm 2016 là 44,9%). Ước tính tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 54,6% (cuối năm 2016 là 55,1%).

Có sự dịch chuyển của tín dụng bất động sản sang tín dụng tiêu dùng?

Đặc biệt, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh trong quý I-2017. Cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%).

Trước đó, hồi cuối năm 2016, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia từng lưu ý, tín dụng tiêu dùng năm 2016 ước tăng tới 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay. Thời điểm này, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng hình thái tín dụng bất động sản đang có sự chuyển dịch và cần được theo dõi, đánh giá.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong báo cáo lần này của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP đã có xu hướng tăng liên tục từ quý IV-2015 cho đến nay và hiện đã ở mức 11% trong quý I-2017. Đây là mức cao thứ hai trong giai đoạn 2009-2017, chỉ đứng sau mức 13% của mức quý I/2011.

Chênh lệch tín dụng/GDP hàng năm là chỉ số đo mức độ chênh lệch giữa tỷ lệ tín dụng/GDP thực tế của năm báo cáo và mức trung bình của những năm gần đây của Việt Nam. Đây là một trong những chỉ số cảnh báo sớm khủng hoảng ngân hàng được Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS) khuyến nghị.