Dự án là tài sản bảo đảm bị thu hồi:

Quyền lợi người mua nhà có ảnh hưởng?

ANTD.VN - Nhiều khách hàng mua nhà tại các dự án là tài sản bảo đảm của chủ đầu tư để vay vốn ngân hàng đang lo ngại về việc quyền lợi của mình liệu có được bảo vệ nếu dự án bị thu hồi?

Dự án Saigon One Tower đã bị VAMC thu hồi để xử lý số tiền nợ hơn 7.000 tỷ đồng

Mới đây, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty CP Sài Gòn One Tower - dự án phức hợp Saigon One Tower. Đây là trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm đầu tiên được thực thi theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng.

Chây ỳ trả nợ, bị thu hồi dự án

Trước đó, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số ngân hàng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện tại đã lên trên 7.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, khi mua nhà tại các dự án thế chấp ngân hàng, khách hàng cần biết thông tin về việc căn hộ mình cần mua đã được chủ đầu tư giải chấp hay chưa. Trong trường hợp căn hộ đã được giải chấp dù dự án bị thu hồi thì khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng.

VAMC đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu nhóm khách hàng nêu trên thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng khách hàng không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi. VAMC đã yêu cầu Công ty CP Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ nghĩa vụ của các khách hàng nêu trên, tuy nhiên Công ty CP Sài Gòn One Tower vẫn không thực hiện bàn giao tài sản. Vì vậy, VAMC đã triển khai thu giữ tài sản bảo đảm là dự án đầu tư phức hợp Saigon One Tower để xử lý nhằm thu hồi nợ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là khoản nợ lớn, việc VAMC thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42, đồng thời mang tính cảnh báo đến các khách hàng có nợ xấu nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng cho VAMC cũng như các tổ chức tín dụng.

Sẽ đảm bảo quyền lợi khách hàng

Theo các chuyên gia, việc VAMC thu giữ dự án này là một động thái rất có ý nghĩa trong việc thực thi Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trường hợp này là lời cảnh báo cho các chủ đầu tư chây ỳ trả nợ. “Chúng ta sẽ quan sát xem điều gì sẽ được áp dụng để xử lý những trường hợp như thế này. VAMC sẽ đàm phán như thế nào, trong trường hợp không đàm phán thành công thì sẽ cưỡng bức thu giữ. Kịch bản tệ nhất là hai bên không giải quyết được thì phải đưa nhau ra tòa” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Cũng theo chuyên gia này, trong trường hợp ra tòa thì một điểm mới của Nghị quyết 42 là điều khoản về việc Tòa án phải áp dụng thủ tục rút gọn. “Đây sẽ là một thử thách không chỉ cho các ngân hàng, VAMC mà còn cho các cơ quan chức năng liên quan và đặc biệt là tòa án” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Theo quy định hiện hành, nếu chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng. Vì vậy, theo các chuyên gia, khi mua nhà tại các dự án thế chấp ngân hàng, khách hàng cần biết thông tin về việc căn hộ mình cần mua đã được chủ đầu tư giải chấp hay chưa. 

Trong trường hợp căn hộ đã được giải chấp dù dự án bị thu hồi thì khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng. “Khi thu giữ thì đương nhiên ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm nhưng phải cân đối xem xét để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. VAMC cũng chỉ được thu giữ và bán phần tài sản bảo đảm chưa bán cho ai, còn là của chủ đầu tư. Trong trường hợp tài sản chưa giải chấp mà ngân hàng do chủ quan hay sơ hở để chủ đầu tư bán thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm thu hồi từ chủ đầu tư, còn người mua sẽ được bảo vệ” - luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho biết.

Trong trường hợp ngân hàng chuyển nhượng lại dự án cho chủ đầu tư mới thì tại Điều 8 Nghị quyết 42 quy định, bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng. Vì vậy, kể cả khi dự án bị ngân hàng thu nợ thì quyền lợi của khách hàng mua dự án vẫn được luật pháp bảo vệ.