Nhà đất mua bán bằng giấy viết tay được cấp sổ đỏ như thế nào?

ANTD.VN - Theo quy định mới, từ ngày 3-3-2017, nhà đất mua bán chỉ có giấy viết tay từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008 sẽ được hợp thức hóa và được xem xét cấp sổ đỏ.

Nhiều người đang thắc mắc về quy trình để được cấp sổ đỏ cho nhà đất mua bán bằng giấy viết tay?

Đây là một trong những điểm mới tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 3-3-2017. Phấn khởi trước việc nhà đất của mình có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), tuy nhiên, nhiều bạn đọc vẫn chưa nắm rõ trình tự thủ tục để được cấp sổ đỏ với các trường hợp mua bán bằng giấy viết tay từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008 như thế nào?

Để được cấp sổ đỏ thì cần chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ gì, nộp ở đâu? Nhằm giải đáp những thắc mắc trên, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Trình tự, hồ sơ ra sao để được cấp sổ đỏ?

Ông Lê Thanh Nam cho biết, việc cấp sổ đỏ cho nhà đất mua bán chỉ có giấy tờ viết tay đã được nới về mặt thời gian, trước đây cơ quan quản lý chỉ xem xét cấp sổ đỏ với những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay trước ngày 1-7-2004.

Còn theo quy định tại Khoản 54 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, trường hợp người dân (hộ gia đình, cá nhân) nhận chuyển nhượng đất từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008 bằng giấy tờ viết tay thì người đang sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất mà có thể thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo quy định tại Điều 70 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng đất cần chuẩn bị các loại giấy tờ gồm: Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nếu có; Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Về nơi nộp hồ sơ, người đề nghị cấp Giấy chứng nhận có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, phường hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện. Về trình tự giải quyết, UBND cấp xã, phường có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ về hiện trạng sử dụng đất; nếu đất chuyển nhượng trước đó không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp; chuẩn bị hồ sơ để trình ký giấy chứng nhận, trao giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã, phường để trao (tùy theo địa chỉ người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp hồ sơ).

Rút ngắn thời gian

Bên cạnh việc cho phép cấp sổ đỏ cho trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy viết tay, Nghị định 01/2017/NĐ-CP còn quy định rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện một số thủ tục so với trước đây. Cụ thể, thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho cá nhân và tổ chức tối đa 15 ngày so với quy định cũ 30 ngày; Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền trên đất; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; Kê biên bán đấu giá tài sản... thực hiện không quá 10 ngày so với quy định hiện hành không quá 15 ngày; quá 15 ngày; Cấp lại sổ đỏ bị mất không quá 10 ngày so với quy định hiện nay không quá 30 ngày…

Cũng theo Nghị định này, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1-7-2014 mà đã ở ổn định trên diện tích đó thì vẫn được cấp sổ đỏ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ mở rộng thêm 5 trường hợp. Những trường hợp nhà đất lấn chiếm muốn được cấp sổ đỏ, người dân phải thực hiện đóng phạt và khắc phục hậu quả vi phạm.

Một điểm bổ sung khác tại Nghị định 01 là trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một phần diện tích đất tăng thêm không nằm trong giấy tờ được xem xét hợp thức hóa. Cụ thể, khi đo đạc mà diện tích thửa đất thực tế nhiều hơn trong giấy chứng nhận đã cấp và ranh giới thửa đất thực tế có thay đổi so với lúc cấp giấy chứng nhận thì được xem xét cấp sổ đỏ đối với phần diện tích đất tăng thêm. Điều này hướng đến giải quyết vướng mắc cho các hộ gia đình ở nông thôn, khi diện tích đất thực tế và trên giấy tờ không trùng khớp.