Ngóng vay mua nhà lãi suất 5%

ANTD.VN - Gần 3 tháng sau khi Chính phủ phê duyệt mức lãi suất ưu đãi 5% đối với các khoản nhà ở xã hội, người dân vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này.

Việc bố trí nguồn ngân sách cho gói vay nhà xã hội đang gặp khó khăn

Theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, từ ngày 1-1-2017, mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng đối với các khoản dư nợ cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP là 5%/năm, trong thời gian vay tối thiểu 15 năm. 

Khó tiếp cận

Theo Nghị định 100/NĐ-CP, người mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị cho từng thời kỳ, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ. Theo quy định này, mức lãi suất ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 31-12-2016 là 4,8%/năm. 

Tuy nhiên, người có nhu cầu vay mua nhà rất khó tiếp cận mức lãi suất này do ngân hàng yêu cầu người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại đây với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ. Cùng với đó, đối tượng được hưởng ưu đãi chỉ bao gồm những người có thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân, các công nhân viên quốc phòng, lực lượng vũ trang, người nghèo thành thị…

Từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mức lãi suất 5% đối với các khoản vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hợp đồng vay vốn nào với mức lãi suất này được ký với ngân hàng, dù nhu cầu vay là rất lớn. Chị Đặng Thị Mai Lan (quê Vĩnh Phúc) cho biết, sau 4 năm làm ăn ở Hà Nội, vợ chồng chị tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ và muốn vay thêm để mua nhà ở xã hội.

Nghe thông tin Chính phủ chốt mức lãi suất mua nhà ở xã hội 5%, vợ chồng chị rất mừng nên đã tìm kiếm các dự án nhà ở giá rẻ phù hợp. “Nhưng khi chúng tôi hỏi về gói vay 5% thì bên môi giới cho biết gói này vẫn chưa triển khai và không biết bao giờ mới vay được. Hiện chủ đầu tư có liên kết với một ngân hàng cho vay với lãi suất 5%, nhưng chỉ trong năm đầu tiên, còn các năm sau theo lãi suất thị trường” - chị Lan cho biết.

Ngân hàng đã sẵn sàng nhưng phải chờ... ngân sách

Theo quy định, ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho vay mua nhà ở xã hội song nguồn tiền này đến nay vẫn chưa bố trí được. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - đơn vị được chỉ định cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 5% - cho biết, đến nay ngân hàng này đã sẵn sàng cho vay nhà ở xã hội với kế hoạch xây dựng nguồn vốn đề xuất năm 2017 là 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ về vật chất, nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ sẵn sàng thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chưa thể cho vay do... ngân sách Nhà nước chưa được bố trí nguồn vốn. “Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn ngân sách cho nhà ở xã hội. Việc cho vay sẽ được thực hiện ngay khi ngân sách bố trí được nguồn vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Nguyễn Văn Lý cho biết.

Theo các chuyên gia, việc cho vay với lãi suất 5% thực sự là một khó khăn với các tổ chức tín dụng nên tất yếu phải chờ ngân sách. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay dao động 7-12% nên việc cho vay với lãi suất 5% là rất khó khăn. 

“Nếu các ngân hàng cho vay 5% thì vốn huy động phải ở mức 3% nhưng thực tế thì khó có thể huy động được vốn giá rẻ ở mức trên. Điều này có nghĩa các tổ chức tín dụng chỉ có thể triển khai được chính sách trên khi Nhà nước tái cấp vốn hoặc cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.