Lần đầu tiên Hà Nội có dây chuyền nghiền phế thải xây dựng tại chỗ

ANTD.VN - Chiều 23-4, Sở Xây dựng Hà Nội đã chính thức giới thiệu mô hình sử dụng dây chuyền nghiền phế thải xây dựng ngay tại công trình. Thay vì phải vận chuyển tới bãi chôn lấp, phế thải xây dựng sẽ được nghiền nhỏ, có thể tái sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Phế thải xây dựng được nghiền nhỏ và có thể tái sử dụng làm vât liệu xây dựng

Ông Đặng Tiến Thành, Giám đốc Công ty CP xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội – đơn vị được thành phố giao thực hiện dự án này - cho biết, ước tính, mỗi ngày, khối lượng phế thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố lên tới hơn 3.000 tấn.

Từ trước tới nay, thành phố Hà Nội vẫn xử lý phế thải xây dựng bằng biện pháp chôn lấp hoặc dùng để san lấp các khu vực trũng trong quá trình sản xuất gạch. Giải pháp này không chỉ tốn kém do chi phí lớn, chiếm nhiều diện tích đất đai mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội theo hướng xử lý phế thải xây dựng để tái sử dụng, Công ty CP xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội đã phối hợp với đối tác Cộng hòa Liên bang Đức nhập dây truyền nghiền phế thải xây dựng theo công nghệ mới. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được ứng dụng tại Hà Nội.

Phế thải xây dựng sau khi được xử lý có thể tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, nhất là cho các công trình hạ tầng giao thông. Với các dự án làm đường giao thông cần GPMB, phế thải xây dựng sau khi xử lý có thể sử dụng làm vật liệu lót nền cho ngay tuyến đường đó.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, công nghệ này còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giá thành xử lý phế thải xây dựng theo công nghệ mới rẻ hơn nhiều so với giải pháp chôn lấp.

Công suất của dây chuyền đạt khoảng 100 tấn/giờ. Theo đó, nhà đầu tư ước tính, chỉ cần 5 dây chuyền hoạt động liên tục là đủ xử lý toàn bộ phế thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố.