Không thể bỏ qua quyền thuê đất và sử dụng đất

ANTD.VN - Ngày 21-9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc và kết luận chỉ đạo thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), mặc dù ngày 20-9, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định việc này diễn ra “đúng thủ tục, trình tự pháp luật”... 

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội)

Trên thực tế, thành lập năm 1953, VFS đã sản xuất hơn 400 tác phẩm điện ảnh, với nhiều phim kinh điển đại diện cho điện ảnh Việt Nam. Từ năm 2003 hết hiệu lực hợp đồng, chưa có hợp đồng mới, nhưng công ty vẫn đang sử dụng làm trụ sở, còn một phần cho thuê lại khu đất vàng 5.450m2 tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, với vị trí đắc địa, được thuê giá ưu đãi Nhà nước; chưa kể khu đất hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội; khu đất gần 6.400m2 tại Đông Anh, Hà Nội và hơn 1,2 nghìn m2 tại quận 1, TP.HCM…

Tuy nhiên, trong kế hoạch cổ phần hóa vừa triển khai, VFS chỉ được định giá 19,7 tỷ đồng, trong đó giá trị thương hiệu và giá trị đất đai bằng 0 đồng. Do vậy, chỉ bỏ ra vỏn vẹn 32,5 tỷ đồng, Tổng Công ty vận tải thủy Vivaso từ tháng 6-2017 đã trở thành cổ đông chính, chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp (khoảng 50 tỷ đồng). Trước sự kiện này, công luận rất bức xúc, nhiều ý kiến cho rằng sự việc cổ phần hóa đó là không thể chấp nhận được. 

Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1-7-2014 đến ngày 30-11-2016, cả nước có tới 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa; dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, vi phạm Luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước…   

Thực tế cho thấy, giá trị sổ sách tài sản trên đất có thể rất thấp, nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất cũng phải là tài sản và không thể bỏ qua của doanh nghiệp, và chúng rất hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bởi vậy, Nghị quyết 12 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành ngày 3-6-2017 đã khẳng định, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cần coi trọng hoàn thiện thể chế về định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu,…) trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường; áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.

Thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Sử dụng có hiệu quả chính sách thuế, phí gắn với nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đất đai một cách ổn định. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước…

Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp. Đồng thời, cần xác định rõ vai trò, cơ chế và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn Nhà nước trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, thất thoát tài sản công trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. 

Thực tế không chỉ đòi hỏi cần tổ chức thanh tra, kiểm toán lại các vụ chuyển nhượng đất đai, hồi tố và truy thu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định hiện hành, trục lợi gây thất thoát tài sản công và thất thu ngân sách Nhà nước; mà còn cần tạo hành lang pháp lý minh bạch, đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Việc định giá quyền sử dụng và quyền thuê đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất; bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao.

Ngoài ra, quá trình đấu giá và niêm yết trên thị trường chứng khoán trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cần được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê và thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất; chủ động nhận diện, phòng ngừa, khắc phục tình trạng “nhóm lợi ích”, “sân sau” trục lợi cá nhân, tham nhũng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…

Thanh tra Chính phủ tranh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Ngày 2-10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện việc thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-12-2017.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo sau khi nhận được kiến nghị của một số cán bộ, diễn viên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam), đơn kiến nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam; báo cáo của Bộ VH-TT&DL (ngày 13-6-2017 và ngày 19-9-2017) về công tác cổ phần hóa VFS.

Yên Vân