Dự án cao tốc Bắc - Nam: Nhà đầu tư không phải lo giải phóng mặt bằng

ANTD.VN - Để tránh chi phí đầu tư quá cao khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, Nhà nước sẽ tham gia toàn bộ khâu giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư sẽ được nhận mặt bằng sạch.

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Nhà đầu tư không phải lo giải phóng mặt bằng ảnh 1

Nhà nước sẽ tham gia toàn bộ khâu giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam và nhà đầu tư sẽ được nhận mặt bằng sạch (ảnh minh họa)

Nhà đầu tư sẽ nhận mặt bằng sạch

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật cho biết, khi triển khai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quá trình huy động vốn hết sức khó khăn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ 4.000 tỷ cho giải phóng mặt bằng, nhưng đến giờ vẫn chưa có. Làm đường cao tốc quy mô 6 làn xe nhưng doanh nghiệp phải lo hết, nên chi phí nhiều lên, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài hơn.

Rút kinh nghiệm từ bài học trên, làm cao tốc Bắc - Nam lần này, để tránh chi phí đầu tư quá cao, nhà nước đã quyết định tham gia tới 39%. “Cụ thể, toàn bộ khâu giải phóng mặt bằng Nhà nước sẽ lo và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT, thực tế, tổng mức đầu tư tăng lên chủ yếu do giải phóng mặt bằng kéo dài. Hàng năm, tiền đền bù giải phóng mặt bằng đều tăng, nên giải phóng mặt bằng càng lâu, chi phí tăng càng nhiều.

Đủ khả năng huy động vốn

Khẳng định việc đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam là cần thiết, tuy nhiên cũng còn có nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia băn khoăn về việc Bộ GT-VT sẽ huy động vốn như thế nào để tránh tình trạng khi khởi động dự án rồi lại thiếu vốn, kéo dài, đội vốn gây lãng phí.

Liên quan tới những băn khoăn nêu trên, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết, hiện đã có 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để lập dự án khả thi, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu. Do đó, trong năm đầu hoàn toàn không phải lo.

“Thực tế, phần việc này làm bằng ngân sách mục đích là để chúng ta kiểm soát chi phí và giá thành. 63.000 tỷ đồng còn lại huy động nguồn lực của tư nhân. Chúng tôi đã nâng mức vốn chủ sở hữu theo quy định từ 10 lên 15%. Do vậy, sẽ có khoảng 13.000/63.000 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư, còn lại 50.000 tỷ đồng cần huy động từ các tổ chức tín dụng”, ông Huy cho hay.

Ông Nguyễn Danh Huy cho biết thêm: “Chúng tôi dự kiến chia ra 4 năm, mỗi năm huy động 12 nghìn tỷ từ các tổ chức tín dụng trong nước, con số này rất nhỏ, chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống ngân hàng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước mức này là hợp lý, ngân hàng trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn”.