Cơn "sốt đất" vùng ven TP.HCM do đầu cơ "lướt sóng" kiếm lời

ANTD.VN - Thời gian vừa qua, thị trường đất nền tại nhiều khu vực vùng ven TP.HCM liên tục tăng giá. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đây chỉ là cơn “sốt” ảo được tạo ra bởi các hoạt động đầu cơ.

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư hạ tầng của thành phố

Gần đây, giá đất phía Đông, Nam và Tây TP.HCM đua nhau “nhảy múa”. Mức tăng phổ biến 10-40% trong 4 tháng và tăng 1,5-2 lần nếu so với 12 tháng qua. Phần lớn các giao dịch, mua bán không theo nhu cầu mua để ở mà chủ yếu là hoạt động “lướt sóng” kiếm lời.

“Cò” thổi giá đất

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, hôm qua (21-5), ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, cơn “sốt đất” ở TP.HCM gần đây tăng mạnh bởi nhiều lý do. Đầu tiên là ảnh hưởng từ các chương trình, kế hoạch dự án phát triển hạ tầng. Ví dụ như, tuyến đường ven sông Sài Gòn tới Củ Chi dự kiến được đầu tư xây dựng khiến giá đất tại quận 12, Hóc Môn và Củ Chi tăng mạnh.

Rồi dự án đường xe điện Bến Thành - Suối Tiên, tương lai nối tới Bình Dương cũng làm giá đất khu vực đó lên “cơn sốt”… Mới đây nhất là thông tin xây dựng cầu Bình Khánh nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ cũng khiến giá đất “lên đồng”. Theo ông Nguyễn Văn Đực, “sốt đất” còn do “cò đất” đẩy giá đất lên.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giới “đầu nậu” và “cò đất” là nguyên nhân trực tiếp và là thành phần thu lợi nhiều nhất trong cơn “sốt” giá ảo hiện nay. Các chuyên gia chỉ ra rằng, trục đô thị phía Đông thành phố gồm các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức được cho là điểm bùng phát “cơn sốt”. Giá đất tại các quận này đã tăng 5-10% rồi lên 30-50% và sau đó tăng vọt lên 70-100%, thậm chí tăng 150-200% trong giai đoạn 2016-2017. 

Giá đất tăng mạnh ở phân khúc đất nền chứ không phải đất dự án. “Cơn sốt” hiện đang diễn ra ở quận 9, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và lan tới cả các huyện Củ Chi, Cần Giờ. Từ cuối năm 2016 đầu năm 2017, thông tin một số huyện vùng ven có thể sẽ lên quận cũng kích thích giá đất tăng vọt.

Làm méo mó thị trường

Nhìn nhận về tác động của “cơn sốt” giá ảo đối với đất nền vùng ven TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng: “Cơn sốt đất nền tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ xảy ra vỡ “bong bóng” gây thiệt hại dây chuyền”.

Các chuyên gia cũng khẳng định, việc xảy ra “sốt đất” còn do sự tham gia một cách mù quáng của người mua. Tâm lý chạy theo đám đông của một bộ phận không nhỏ người dân hám lời góp phần làm thị trường biến dạng.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, câu chuyện “sốt” giá đất đang bị đẩy lên một cách thái quá so với thực tế những gì đang diễn ra. Từ năm 2010 đến nay, có những khu vực giá đất tăng tự nhiên là do giá đất nền đã bị “nén” nhiều năm. Có những khu vực vị trí tốt, hạ tầng ngày càng hoàn thiện hay những khu vực hình thành dân cư… thì giá tăng mạnh cũng là điều bình thường. 

“Đúng là có một số vị trí “cò đất” đã dùng thủ thuật để đẩy giá lên nhưng việc đó không đủ sức để khiến thị trường xảy ra nguy cơ “bong bóng” bất động sản. Đối tượng tham gia vào thị trường lúc này chỉ có “đầu nậu” và những người mua nhà dưới chuẩn, tức là những người không đủ tiền để mua căn hộ thì chấp nhận bỏ một vài trăm triệu để mua mảnh đất nhỏ, giấy tờ viết tay”, TS Đinh Thế Hiển nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực lại có góc nhìn khác: “Cơn sốt nào cũng gây nên “bong bóng” bởi giá đất bị đẩy lên không đúng với thực tế. Người người, nhà nhà đua theo khiến giá càng tăng mạnh, thậm chí nhiều người bỏ công ăn việc làm để làm “cò đất”. Không ít người dốc tiền vào đất để đón đầu những đợt tăng giá thay vì đầu tư vào sản xuất”. Đây đều là những yếu tố dẫn tới những hệ lụy tai hại sau này.

Khi được hỏi, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, rất khó để đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư bởi càng ở những giai đoạn rủi ro cao thì người đầu tư lại càng có thể kiếm lời lớn. Điều quan trọng là người dân cần tính toán và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. 

Nhiều giải pháp “hạ sốt”

Lãnh đạo TP.HCM khẳng định, thành phố sẽ ban hành quyết định ngăn chặn hoạt động của giới “đầu nậu”, được xem là nguyên nhân chính dẫn đến “sốt đất” tại nhiều khu vực trên địa bàn thời gian qua. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhanh chóng sửa đổi Quyết định 33 về phân lô tách thửa. Đồng thời yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo công an vào cuộc điều tra xử lý nghiêm những “cò đất” có dấu hiệu lừa đảo, “thổi giá” đất để trục lợi.

Thành phố khuyến cáo người dân có nhu cầu mua đất nên theo dõi thông tin về chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng, các dự án của doanh nghiệp thông qua thông tin chính thống của thành phố. Hiện nay, TP.HCM đã “bác” chủ trương 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè sẽ lên quận.