Chung cư FLC Garden City xây 18 tầng không phép: Vẫn rao bán căn hộ

ANTD.VN - Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng và công trình đang bị niêm phong, ngừng thi công nhưng căn hộ chung cư HH-01 tại Dự án FLC Garden City vẫn được rao bán. Khách hàng bỏ tiền mua căn hộ tại tòa nhà này chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, mặc dù tòa nhà HH-01 dự án FLC Garden City do Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska làm chủ đầu tư chưa có Giấy phép xây dựng và đang bị đình chỉ thi công nhưng vẫn được nhân viên môi giới thuộc Hệ thống Siêu thị dự án Bất động sản STDA (đơn vị phân phối chính thức Dự án) giới thiệu, rao bán tới khách hàng. 

Chung cư FLC Garden City xây 18 tầng không phép: Vẫn rao bán căn hộ ảnh 1Tòa HH-01 dự án được rao bán rầm rộ trên mạng khi chưa có Giấy phép xây dựng

Chủ đầu tư né tránh

Tiếp xúc với phóng viên, một nhân viên môi giới bán hàng khẳng định: “Nếu anh muốn mua tòa HH-01, bên em sẽ vào hợp đồng đặt mua hoặc hợp đồng góp vốn. Chủ đầu tư cũng sắp được cấp giấy phép, khi đó bên em sẽ cung cấp để anh yên tâm và sau đó sẽ ký hợp đồng chính thức. Thời gian vừa qua khi khách hàng nhận thông tin tòa nhà này xây dựng không phép nên bán ra khá chậm và bảng hàng còn khá nhiều căn nên nếu anh muốn mua sẽ có nhiều căn để chọn”. Cũng theo nhân viên môi giới này, dự kiến, chủ đầu tư sẽ có Giấy phép xây dựng trong tháng 5-2017 và chủ đầu tư đã có thông báo sẽ tăng giá đối với các căn hộ tại tòa nhà này kể từ ngày 2-5-2017 (!?) 

Theo các chuyên gia xây dựng, thông thường khi dự án chưa được cấp phép xây dựng, theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc thực hiện hành vi bán căn hộ đã là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Trường hợp xảy ra tranh chấp giữa khách hàng với bên bán và bên bán không trả lại tiền cho khách hàng thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. 

Để đảm bảo quyền lợi đối với người mua nhà, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã gửi một số câu hỏi đến đại diện truyền thông của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Theo đó, phóng viên đã nêu vấn đề: “Với việc công trình đã bị cơ quan chức năng niêm phong, dừng thi công (Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh), chủ đầu tư sẽ đảm bảo quyền lợi cho những người đã mua nhà như thế nào? Tòa HH-01 FLC Garden City đang bị niêm phong, nhưng nhân viên tư vấn tại dự án vẫn khẳng định công ty đang mở bán và vào hợp đồng góp vốn cho khách mua, như vậy có phải công ty đang đẩy rủi ro về phía khách hàng hay không?”.

Tuy nhiên, chúng tôi đã không nhận được câu trả lời từ phía đại diện truyền thông Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Chung cư FLC Garden City xây 18 tầng không phép: Vẫn rao bán căn hộ ảnh 2Nhân viên môi giới cho biết tòa nhà dự án HH-01 FLC Garden City vẫn đang được bán ra

Rủi ro đẩy hết cho người mua

Với những trường hợp dự án có vi phạm kể trên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, “Chúng tôi đã khuyến cáo người mua nhà phải tìm hiểu kỹ trước khi mua. Đối với người trót lỡ mua thì chúng tôi cần phải xem xét mức độ sai phạm của chủ đầu tư để xử lý”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, để bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi mua nhà, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý dự án. Nếu căn hộ đã mua thuộc phần vi phạm của chủ đầu tư và sau này cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải tháo dỡ thì các bên tự thỏa thuận giải quyết hoặc nhờ Tòa án giải quyết bởi đây là tranh chấp dân sự.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Thiên Việt cho biết, trường hợp dự án chưa được cấp phép xây dựng nhưng đã tiến hành thi công và mở bán thì rủi ro đối với khách hàng mua nhà là rất lớn. Việc không được cấp phép xây dựng có thể dẫn tới hệ quả là các căn hộ đã bán cho khách hàng sẽ không được cấp sổ đỏ sau này. 

Thứ hai, khi chủ đầu tư không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn triển khai dự án thì bên cạnh việc bị xử lý vi phạm hành chính thì chủ đầu tư có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng. Như vậy, trường hợp xảy ra tranh chấp giữa người mua nhà với chủ đầu tư thì toàn bộ rủi ro sẽ đẩy hết cho người mua. Người mua sẽ không có căn cứ, hay nói cách khác là không còn cơ hội để đòi bồi thường từ chủ đầu tư. 

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng “tiền trảm, hậu tấu” trong lĩnh vực xây dựng, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Trước hết, phải áp dụng chế tài đủ nghiêm khắc để các chủ đầu tư phải dè chừng trước khi cố tình vi phạm. Đồng thời, cần áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với người thực thi công vụ buông lỏng quản lý, để sai phạm xảy ra.

Trong trường hợp công trình vi phạm nêu trên, thẩm quyền của người thực thi công vụ là phải giám sát, ra các quyết định thực thi để đảm bảo hoạt động xây dựng trên địa bàn quản lý được thực hiện nghiêm minh. Việc để chủ đầu tư vi phạm nhiều lần cho thấy, có sự đùn đẩy giữa các cơ quan Nhà nước liên quan và thậm chí có sự nể nang, dẫn tới việc không xử lý nghiêm vi phạm, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Về nguyên tắc, trường hợp chưa có Giấy phép xây dựng nhưng đã triển khai xây dựng thì chủ đầu tư buộc phải khôi phục nguyên trạng. Vi phạm này phải được xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và việc cưỡng chế thuộc thẩm quyền của UBND quận Nam Từ Liêm. Trường hợp quận không xử lý cho thấy trách nhiệm của quận trong đảm bảo kỷ luật, thực thi pháp luật là có vấn đề. 

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Thiên Việt