Cấp phép xây dựng sẽ ngày càng thông thoáng

ANTD.VN - Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang nghiên cứu cải tiến thủ tục cấp phép xây dựng theo hướng tinh gọn, thuận tiện cho người dân.

Là một trong hai đô thị lớn nhất cả nước, có tốc độ đô thị hóa luôn ở mức rất cao, nhu cầu cấp phép xây dựng của người dân TP.HCM rất lớn. Do vậy, việc đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng là một trong những yêu cầu thường xuyên, liên tục của chính quyền thành phố. 

Cấp phép xây dựng sẽ ngày càng thông thoáng ảnh 1Thủ tục cấp phép xây dựng sẽ ngày càng thông thoáng, thuận tiện hơn

Ngồi nhà xin phép xây dựng

Một trong những bước đột phá trong lĩnh vực này là UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở Xây dựng hoàn chỉnh quy trình cấp phép xây dựng trực tuyến, thuộc thẩm quyền của Sở và UBND các quận, huyện, để chính thức áp dụng từ tháng 10-2017. Quy trình này đã được thí điểm tại quận 8 từ tháng 8-2016. Với quy trình này, người dân chỉ cần ngồi nhà thao tác trên máy vi tính có nối mạng để xin cấp phép xây dựng và không cần phải tới UBND phường hoặc quận để nộp hồ sơ như trước đây. 

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, cấp phép xây dựng qua mạng là một trong những dịch vụ công trực tuyến phù hợp xu thế Chính phủ điện tử và đô thị thông minh, cũng là quá trình chuẩn bị để đáp ứng xu thế dịch vụ công trong tương lai. Việc này không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý mà còn góp phần tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực.

Không dừng lại ở cấp phép qua mạng, UBND TP.HCM vừa giao UBND quận 7 nghiên cứu thí điểm bỏ thủ tục cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ. Theo đó, người dân chỉ cần đăng ký xây dựng dựa trên chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch hoặc thiết kế đô thị đã công bố. Việc này chỉ áp dụng đối với những khu dân cư đã được quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500. Đây được xem là một giải pháp mang tính đột phá để giảm phiền hà, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian xây dựng nhà ở của người dân.

Hà Nội thay đổi quy định cấp phép xây dựng

Cũng liên quan tới cấp phép xây dựng, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện Nghị định số 53/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp phép xây dựng. 

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ chủ trì nghiên cứu, trình UBND TP Hà Nội ban hành văn bản điều chỉnh hoặc thay thế quy định về cấp phép xây dựng của thành phố Hà Nội, đảm bảo phù hợp với các quy định tại Nghị định 53/2017/NĐ-CP và tình hình thực tế của thành phố. Thành phố cũng yêu cầu các ngành đề xuất, dự thảo, trình UBND TP hủy bỏ, kết thúc hiệu lực những văn bản có quy định chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 53/2017/NĐ-CP. 

Trong khi chưa ban hành quy định mới về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành áp dụng các quy định tại Nghị định 53/2017/NĐ-CP trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đề xuất, gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết.

Theo quy định mới tại Nghị định 53/2017/NĐ-CP, từ ngày 25-6-2017, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình muốn xin cấp Giấy phép xây dựng cần có 1 trong 12 loại giấy tờ về đất đai gồm:

1- Sổ đỏ được cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001, Luật Đất đai năm 2003.

2- Sổ đỏ được cấp theo Luật Đất đai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12.

3- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cấp theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ; Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ.

4- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định.

5- Các loại giấy tờ đủ điều kiện để cấp sổ đỏ nhưng chưa được cấp.

6- Giấy tờ về đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ sau ngày 1-7-2004 nhưng không có sổ đỏ theo quy định của pháp luật.

7- Báo cáo rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất

8- Giấy tờ về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đối với trường hợp cấp phép xây dựng để thực hiện xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hoặc di dời các công trình lịch sử.

9- Sổ đỏ hoặc văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của UBND cấp huyện.

10- Hợp đồng thuê đất.

11- Văn bản của cơ quan Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

12- Văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp sổ đỏ theo đề nghị của cơ quan cấp phép xây dựng.