Cấp bù lãi suất nhà ở xã hội: Sao phải "loằng ngoằng"?

ANTD.VN - Bộ Tài chính vừa công bố, lấy ý kiến vào dự thảo Quyết định về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. 

Các tính toán lãi suất cấp bù của Bộ Tài chính bị cho là còn phức tạp

Theo đó, các khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng (TCTD) theo đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích và trong hạn sẽ được cấp bù lãi suất chênh lệch.

Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án về mức lãi suất tham chiếu. Phương án thứ nhất là mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của từng TCTD. Theo đó, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được xác định như sau: Đối với cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất tham chiếu này trừ đi mức lãi suất cho vay ưu đãi của các TCTD do NHNN xác định, không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.

Đối với cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất tham chiếu trên trừ đi mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các TCTD do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ.

Trường hợp các TCTD không có quy định lãi suất đối với khoản cho vay có thời hạn cho vay dài tương ứng với thời hạn cho vay thực tế của khoản cho vay phù hợp với quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, để xác định mức chênh lệch lãi suất cấp bù, các TCTD sử dụng mức lãi suất cho vay áp dụng đối với khoản cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thời hạn cho vay ngắn hơn gần nhất với thời hạn cho vay thực tế của khoản cho vay.

Với phương án 2, công thức tính tương tự phương án 1 nhưng mức lãi suất tham chiếu là mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực do NHNN công bố. 

Cho rằng việc tính toán mức lãi suất cấp bù theo dự thảo do Bộ Tài chính xây dựng còn “loằng ngoằng, khó hiểu”, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nói: “Bộ Tài chính nên đưa ra cách tính dễ hiểu, dễ tham chiếu hơn. Các tính toán theo như dự thảo thì chỉ những người làm trong ngân hàng mới hiểu, còn người dân và doanh nghiệp phải tham khảo rất nhiều thì mới tính toán được. Hơn nữa các mức lãi suất để tính toán theo dự thảo có thể thay đổi theo từng thời kỳ sẽ gây khó khăn và rủi ro cho người đi vay”.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu Nhà nước không thể tái cấp vốn giá rẻ cho các ngân hàng để đảm bảo người dân được vay với một mức lãi suất ưu đãi cố định như gói 30 nghìn tỷ đồng thì nên đưa ra một mức cấp bù cố định. “Mức  3%/năm theo đề xuất của Bộ Xây dựng sẽ hợp lý hơn” - chuyên gia này đánh giá.