Cảnh giác với việc phát triển ồ ạt dự án bất động sản

ANTD.VN - Thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý I-2017, tuy nhiên, một số yếu tố cần được theo dõi, điều chỉnh để tránh nguy cơ khủng hoảng.

Thị trường bất động sản vẫn thiếu nguồn cung ở phân khúc có giá bán phù hợp với đại đa số người dân

Đánh giá của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, công ty chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản, cho biết, tiếp nối tâm lý lạc quan từ năm 2016, thị trường khá sôi động trong quý I-2017.

Mở bán 9.400 căn hộ

Tại Hà Nội, có gần 9.400 căn hộ được mở bán mới từ 35 dự án, tăng cả về số lượng và dự án mở bán tính theo quý. Trong đó, phân khúc trung cấp chiếm lĩnh thị trường với 62% tổng nguồn cung mới, theo sau là phân khúc cao cấp và bình dân. Đáng chú ý, số lượng mở bán mới từ phân khúc bình dân gần gấp 3 lần số lượng tại thời điểm quý IV-2016.

“Tổng cộng có 6.143 căn giao dịch thành công, mặc dù doanh số giảm 7% so với quý trước nhưng vẫn khá tích cực so với doanh số bán hàng tại thời điểm quý I các năm trước. Phân khúc trung cấp và cao cấp đóng góp 76% lượng căn hộ bán ra. Điều đáng lưu ý là doanh số bán hàng của phân khúc bình dân cho thấy sự cải thiện đáng kể khi có nhiều nguồn cung hơn, cung cấp nhiều lựa chọn cho người mua nhà hơn”, đại diện CBRE thông tin.

Xét về giá chào bán, các dự án đặt tại vị trí đắc địa, cung cấp đầy đủ các tiện nghi, tiện ích cho cư dân có xu hướng tăng giá. Trong đó, phân khúc cao cấp và hạng sang tăng mạnh nhất ở mức 8,4% và 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Về vị trí, khu vực phía Tây và Tây Nam thành phố dự kiến sẽ vẫn tiếp tục thống lĩnh nguồn cung. Đáng chú ý, các chủ đầu tư trong nước ngày càng quan tâm hơn đến phân khúc bình dân, do vậy dự kiến trong các quý tới sẽ có nhiều nguồn cung mới đến từ phân khúc này. 

Thị trường nhà biệt thự, liền kề và nhà phố cũng diễn biến sôi động trong quý đầu tiên của năm với hàng loạt dự án mở bán. Hầu hết các dự án mở bán mới đều nằm tại những vị trí rất đẹp, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, giao thông thuận tiện… 

Thị trường vẫn mất cân đối

Bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam đánh giá: “Qua khảo sát cho thấy, Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản. Các nhà đầu tư bị thu hút bởi các yếu tố nền tảng như kinh tế vững chắc giúp  tăng trưởng giá trị cho thuê và làm cho các tài sản đầu tư hấp dẫn hơn”. 

Triển vọng của thị trường cũng được ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cho thấy thị trường năm 2017 vẫn tiếp tục giữ được sự ổn định của năm 2016 và có phần mạnh mẽ hơn nhờ những chính sách hiệu quả của Nhà nước giúp kinh tế vĩ mô có điều kiện tốt nhất để phát triển lâu dài, bền vững. Những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tính thanh khoản tốt cũng thúc đẩy thị trường”.

“Trong năm 2017, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam ngày càng tăng. Sự quan tâm này tới từ nhiều đối tượng khác nhau, từ những cá nhân tìm mua nhà mong muốn tận dụng Luật Nhà ở sửa đổi, cho tới quỹ đầu tư tư nhân cũng như quỹ tài chính lớn trong khu vực tìm kiếm những thương vụ lớn”, ông Nguyễn Trần Nam phân tích.

Về những yếu tố có thể tác động bất lợi tới thị trường bất động sản, các chuyên gia cho hay, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, hàng loạt ngân hàng trong nước cũng đã tăng lãi suất tiền gửi VND dài hạn. Diễn biến này cần được xem xét và theo dõi bởi việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động lần này sẽ khiến áp lực lãi suất cho vay gia tăng theo và có thể gây ra ảnh hưởng bất lợi.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản năm nay cũng tiềm ẩn một số rủi ro cần theo dõi. Cụ thể, cơ cấu hàng hóa bất động sản đang mất cân đối, trong khi 70% tổng nhu cầu là nhà ở phân khúc trung bình và thấp thì hầu hết các dự án lại cung cấp hàng hóa là nhà ở cao cấp. Đặc biệt, cần cảnh giác với tình trạng phát triển ồ ạt các dự án, nhất là tại các thành phố lớn nhưng không căn cứ vào kế hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại từng thời điểm. Ngoài ra, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cũng sẽ chững lại do nguồn vốn và chính sách hỗ trợ thay đổi.