Cấm đặt trụ sở, văn phòng trong khu chung cư: Luật có nhưng khó quản

ANTD.VN - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không được kinh doanh tại căn hộ chung cư. Đây là quy định đã có trong Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua tình trạng các doanh nghiệp đặt trụ sở trong khu chung cư vẫn rất phổ biến.

Chưa có chế tài xử phạt

Ngay sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực, Nghị định 99/2015/NĐ-CP, của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở (có hiệu lực từ ngày 10-12-2015) quy định trường hợp doanh nghiệp đã sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm bán hàng trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực, thì phải chuyển sang địa điểm khác. Thời hạn chuyển đổi là 6 tháng kể từ ngày Nghị định 99 có hiệu lực. Nghĩa là tháng 6-2016 đã là hạn chót cho các doanh nghiệp chuyển trụ sở, địa điểm kinh doanh khỏi các căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, thời điểm này, khảo sát tại nhiều khu đô thị lớn ở Hà Nội như Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy), Linh Đàm (Hoàng Mai), Văn Phú, Dương Nội (Hà Đông), B4 Kim Liên (Đống Đa)... vẫn có rất nhiều trụ sở các công ty, văn phòng đại diện, văn phòng giao dịch...

Điều dễ nhận thấy là ở hầu hết các chung cư này, ngay dưới tầng 1 các doanh nghiệp đã công khai đặt bảng chỉ dẫn đến văn phòng của mình trong khi nhiều Ban quản lý tòa nhà không hề quan tâm. Bảo vệ một tòa nhà ở khu Trung Hòa - Nhân Chính khẳng định, không hề thấy Ban quản trị hay bất kỳ cơ quan chức năng nào đến nhắc nhở về việc phải di dời các công ty này đi chỗ khác. “Chủ nhà không ở thì cho thuê là quyền của họ.

Hơn nữa, cho thuê làm văn phòng, trụ sở công ty bao giờ giá cũng cao hơn so với cho thuê để ở nên nhiều chủ nhà vẫn cho thuê bình thường” - anh này nói.

Sở dĩ rất nhiều doanh nghiệp chọn chung cư làm trụ sở là do giá thuê ở đây rẻ hơn nhiều so với thuê tại các tòa nhà văn phòng. Thông thường, nếu cùng một diện tích, giá thuê tại các tòa nhà văn phòng thường cao gấp rưỡi đến gấp 3. Chi phí thuê quá cao là lý do khiến đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không chịu nổi.

Trong khi đó, dù Luật đã quy định nhưng đến nay tình trạng này vẫn tràn lan, theo các chuyên gia là do chưa có lực lượng thanh, kiểm tra, cũng chưa có chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm. Ngay cả các văn bản pháp luật cũng chưa có quy định nào về lực lượng thanh, kiểm tra. Đại diện UBND một phường ở quận Cầu Giấy cho biết, hiện phường không có chức năng quản lý hoạt động này và cho đến thời điểm này cũng chưa nhận được văn bản nào của cấp trên yêu cầu phải kiểm tra, xử lý các nhà chung cư có đặt trụ sở, văn phòng của các công ty. 

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không thực hiện việc đăng ký đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại các căn hộ trong nhà chung cư.

Trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức đã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại các căn hộ trong nhà chung cư phải thực hiện đăng ký thay đổi trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ trong nhà chung cư theo thủ tục quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp theo thẩm quyền.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. Tuy cho biết sẽ kiểm tra, xử lý theo quy định, nhưng văn bản này cũng không nêu rõ các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý ra sao, theo quy định nào?

Cấm hay không?

Theo nhiều chuyên gia, việc cấm đặt trụ sở doanh nghiệp trong các tòa nhà là cần thiết và hợp lý, vì tiêu chuẩn thiết kế các tòa nhà chung cư để ở khác so với các trung tâm thương mại hay tòa nhà văn phòng cho thuê.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, tòa nhà xây dựng với chức năng gì thì phải sử dụng đúng chức năng đó. “Văn phòng đặt trong chung cư sẽ ảnh hưởng đến các cư dân sống trong đó. Thứ nhất là gây quá tải các dịch vụ như bãi giữ xe, thang máy, điện nước... vì văn phòng thường rất đông người, có thể lên đến vài chục người, trong khi một căn hộ chung cư chỉ thiết kế cho một hộ gia đình khoảng 3-4 người ở.

Thứ hai là có thể gây ra các vấn đề về an ninh. Khi đặt trụ sở, văn phòng trong khu chung cư sẽ có nhiều người lạ ra vào, khách đến làm việc, giao dịch gây phức tạp về an ninh, thậm chí có những vụ tranh chấp giữa các công ty dẫn tới xô xát...” - ông Nguyễn Văn Đính nêu quan điểm.

Để thực hiện được quy định này, theo ông Nguyễn Văn Đính cần phải có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. “Hiện nay cái khó là quan điểm của người dân là nhà của tôi, cho ai ở là quyền của tôi. Tuy nhiên, nếu có những biện pháp kiên quyết thì chắc chắn sẽ có hiệu quả. Ví dụ như các cơ quan Nhà nước không cho phép đăng ký kinh doanh ở các căn hộ chung cư. Ban quản lý tòa nhà phải kiên quyết, thậm chí không cấp điện, cấp nước cho những hộ gia đình sử dụng sai chức năng” - ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị. 

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng không nên quy định cứng nhắc về vấn đề này. Ông Ngô Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, việc hạn chế đặt trụ sở, văn phòng doanh nghiệp tại các chung cư là đúng để đảm bảo an ninh, an toàn của tòa nhà. Mặc dù vậy, Nhà nước không nên quy định cứng nhắc mà nên giao quyền quyết định cho Ban quản trị của chung cư, vì đây là tiếng nói của các cư dân sống trong đó.

“Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp quá sâu vào những chuyện đó, theo tôi nên đề cao vai trò của chủ sở hữu, bởi vì quyền sở hữu có cả quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng... Nếu Ban quản trị tòa nhà cảm thấy văn phòng đó không ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân của khu chung cư và đồng ý thì cũng nên cho phép. Chẳng hạn một bạn trẻ khởi nghiệp, chưa có nhiều vốn liếng, công việc cũng chỉ có mấy cái máy tính, không đông nhân viên thì họ đăng ký trụ sở công ty ngay tại nhà của họ và được Ban quản trị đồng ý thì cũng không ảnh hưởng gì” - ông Ngô Sỹ Liêm nói.  

Là một thành viên Ban soạn thảo Luật Nhà ở, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chủ trương ban đầu là chỉ cấm sử dụng chung cư làm trụ sở kinh doanh với mục đích sử dụng như kho chứa hàng độc hại, dễ cháy nổ hay với các doanh nghiệp có quá đông nhân viên…

Cũng nên có sự linh hoạt khi áp dụng, chẳng hạn với những văn phòng đại diện, doanh nghiệp quy mô nhỏ, ít người và tính chất công việc văn phòng thuần túy thì nên tạo điều kiện, để người dân có thể cho thuê căn hộ nếu chưa có nhu cầu sử dụng. Điều này không chỉ bảo đảm quyền sở hữu của người dân mà còn có tác dụng phân tán bớt trụ sở doanh nghiệp, hộ kinh doanh khỏi khu vực nội đô.