Cuộc đời huyền thoại của một người con Hà Nội từng là Bí thư Thành ủy Sài Gòn (bài 1):

Ngôi “mộ gió” và những đứa con chưa từng gặp mặt cha

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Về xã Tây Mỗ, ngoại thành Hà Nội, một cách tình cờ, chúng tôi nghe bà Nguyễn Thị Minh Hồng, năm nay 87 tuổi, có tâm sự về cha mình - người được vinh danh, được lấy tên “Trịnh Đình Trọng” để đặt tên đường giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện về cuộc đời của nhà cách mạng lão thành Trịnh Đình Trọng (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Phú, sinh năm 1908 tại Tây Mỗ) thì chứa đựng nhiều thăng trầm nhưng đầy vẻ vang và tự hào.

Nhà cách mạng Trịnh Đình Trọng là một con người huyền thoại, từng giữ các chức vụ quan trọng như Bí thư Thành ủy Sài Gòn (từ tháng 5 năm 1946); Bí thư Đảng bộ Hải Phòng (từ năm 1940); Bí thư Phủ ủy Phủ Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội) từ năm 1939… Thế nhưng tư liệu về nhà cách mạng kiệt xuất ấy chỉ có vài dòng sơ lược. Lịch sử Đảng bộ nơi ông sinh ra, nơi ông làm Bí thư Thành ủy, cũng rất chung chung và ngắn ngủi.

Nhà hoạt động cách mạng Trịnh Đình Trọng, từng là Bí thư Thành ủy TP.HCM vào năm 1946

Nhà hoạt động cách mạng Trịnh Đình Trọng, từng là Bí thư Thành ủy TP.HCM vào năm 1946

Bí thư Thành ủy Sài Gòn, “chủ bút” của nhiều tờ báo

Ngạc nhiên hơn, nhà cách mạng Trịnh Đình Trọng còn làm chủ bút mấy tờ báo ở Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia làm báo trong nhà tù thực dân rất oanh liệt. Cả khi bị địch bắt và tù đày ở hai “địa ngục trần gian” khét tiếng nhất lịch sử Việt Nam là nhà tù Sơn La, nhà tù Côn Đảo; ông vẫn cùng đồng chí đồng đội tham gia làm báo “Độc lập” ngay trong cảnh gông cùm với chế độ hà khắc của đám cai ngục. Sau này, ông tham gia “cầm trịch” tờ báo có cái tên quật cường “Chống xâm lăng”, cũng không thể nào quên các tờ báo có tên “Liên Việt”, “Tiến lên” rồi cả “phiên bản trước” của tờ “Chống xâm lăng” là tờ “Thông tin kháng chiến”.

Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Trịnh Đình Trọng xứng tầm là người làm báo kỳ cựu. Bởi chúng được ra đời trong những năm tháng vô cùng khó khăn, mỗi trang báo in ra có thể khiến tính mạng các chủ bút, các chiến sĩ cách mạng tham gia làm báo đều phải treo trước các bài toán sinh tử. Sau này, ông Trịnh Đình Trọng làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nam bộ… Năm 1951, do nhiều năm nếm mật nằm gai, bí mật đi từ Bắc chí Nam hoạt động cách mạng, do quá trình tù đày, ông Trịnh Đình Trọng đã mắc trọng bệnh và mất tại Bạc Liêu. Đồng chí, đồng bào mai táng ông tại bờ Kinh Xáng, xã Trí Phải, nay thuộc trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu.

Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Phú, tức Trịnh Đình Trọng

Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Phú, tức Trịnh Đình Trọng

Ký ức có tên trong hình hài không thể nhớ mặt

Thế rồi, vật đổi sao dời, hơn nửa thế kỷ trôi qua, thân nhân tìm về thì không sao thấy được di cốt của nhà cách mạng ấy nữa. Tại nghĩa trang TP.HCM hiện nay, phần mộ đồng chí Trịnh Đình Trọng và vợ là cụ Sáu (cũng là một lão thành cách mạng) nằm cạnh nhau. Song, mộ ông Trịnh Đình Trọng/ Nguyễn Hữu Phú hiện nay chỉ là “mộ gió”, tức là không có di cốt bên dưới.

Là người làm báo thế hệ con cháu, với tư cách là một con dân nước Việt luôn tri ân thế hệ cách mạng tiền bối không tiếc máu xương cho độc lập tự do của dân tộc, chúng tôi đã dành nhiều thời gian đi tìm hiểu tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Trịnh Đình Trọng. Trên hành trình ấy, chúng tôi thường đi xuyên qua con phố “Trịnh Đình Trọng” để đến gặp con trai, con gái, con dâu, con rể của ông. Tuy nhiên, do thời gian trôi đã khá xa, tính chất bí mật sinh tử của thời trứng nước cách mạng đó, do các cuộc càn quét gắt gao ở thời điểm bấy giờ, cả con trai và con gái cụ đều không thể nhớ mặt hoặc chưa từng được gặp cha mình.

Tháng 10 năm 2020, chúng tôi tìm gặp người con trai cụ Trịnh Đình Trọng tại Sài Gòn. Ông tên là Nguyễn Thành Đồng, từng làm cán bộ Đài Truyền hình TP.HCM, nay đã nghỉ hưu. Từ nhỏ, ông Đồng đã được tổ chức bí mật đưa vòng sang Camuchia để ngược lên Trung Quốc, rồi vòng về phía Bắc Việt Nam ta để học tập. Đến tận năm mười mấy tuổi đầu, ông Đồng vẫn chưa bao giờ được biết mình mang họ gì. Mẹ ông Đồng, cũng hoạt động cách mạng và bị địch bắt đi ở tù.

Ông Nguyễn Thành Đồng kể lại: “Khi khai họ tên để đi học, tôi bèn ghi bừa họ của tôi là “Nguyễn”, vì Việt Nam có nhiều người họ Nguyễn nhất. “Nguyễn Thành Đồng” - tôi khai vậy. Ai ngờ sau này đúng luôn. Vì sau này mới biết cha tôi là Nguyễn Hữu Phú, đi hoạt động cách mạng mới đổi sang tên Trịnh Đình Trọng”. Ông Đồng còn có người em gái ruột là bà Hương, sinh ra không biết mặt cha, từng đi du học ở Liên Xô, về công tác tại ngành Thương mại TP.HCM, hiện đang nghỉ hưu sống tại quận 3.

Đặc biệt, “gia đình” ngoài Bắc của ông Nguyễn Hữu Phú, có đủ con gái, con trai, thì mãi sau này mới được ghi nhận. Cháu rể của ông Phú là một bác sĩ nổi tiếng. Anh còn phải vào Sài Gòn, photocopy bằng “Tổ quốc ghi công” rồi vài loại giấy tờ khác liên quan đến ông Nguyễn Hữu Phú/Trịnh Đình Trọng từ nhà ông Đồng, mang về Tây Mỗ để in ra đặt lên ban thờ. Lúc còn sống, con trai ông Phú là ông Nguyễn Hữu Cường, nghe tin cha mình đã hy sinh ở phía Nam, tìm cách xin giấy tờ “Tử sĩ” cũng không được.

Ảnh vợ chồng cụ Trịnh Đình Trọng trong kho ảnh tư liệu gia đình do ông Nguyễn Thành Đồng giữ

Ảnh vợ chồng cụ Trịnh Đình Trọng trong kho ảnh tư liệu gia đình do ông Nguyễn Thành Đồng giữ

Nhà cách mạng lỗi lạc qua hồi ức của người cháu nội

Chúng tôi về xóm Phượng, xã Tây Mỗ, nay thuộc quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Khu làng cổ kính, cổng làng rêu phong ố vàng, như hằn in những bước đi kiêu hãnh của thời gian trên vùng đất văn vật.

Gần nhà văn hóa thôn, bên những ao nước cổ xanh biếc, anh Nguyễn Sỹ Mạnh - cháu nội của ông Nguyễn Hữu Phú/Trịnh Đình Trọng thắp nén hương nhìn lên di ảnh ông nội mình, kể lại: “Khi bố tôi còn sống, ông thường tự hào về những chi tiết rất thú vị về ông nội tôi (cụ Phú). Ông nội tôi sinh ra trong gia đình trung nông, làm nghề thêu ren truyền thống. Khoảng 20 tuổi tham gia cách mạng, được kết nạp Đảng, lại là 1 trong 3 người “sáng lập” ra chi bộ Đảng đầu tiên của xã Tây Mỗ. Đến năm 1939, mới 21 tuổi, cụ đã làm Bí thư Phủ ủy Hoài Đức. Trong thời kỳ này, bố tôi kể, rằng ông nội tôi bị Sở Mật thám (bấy giờ là thời thuộc Pháp) của thực dân theo dõi gắt gao. Chúng nghi ngờ nên “giám sát” kiểu giam lỏng ông tôi ở địa phương. Vốn từ gia đình trung nông, sau này đi hoạt động cách mạng khắp nơi, làm đủ thứ nghề để ngụy trang, song chưa bao giờ ông nội tôi giỏi việc cày cấy của người nông dân”.

Đường phố mang tên cụ Trịnh Đình Trọng tại TP.HCM hiện nay

Đường phố mang tên cụ Trịnh Đình Trọng tại TP.HCM hiện nay

Vã bùn lên quần áo, quang gánh trên vai, lừa mật thám Pháp

Một lần mật thám về, hắn hỏi: “Nguyễn Hữu Phú đâu?”. Gia đình sợ lắm, bảo: “Đang đi cấy ngoài ruộng”. Hắn bảo ra kiểm tra. Người nhà thản nhiên: “Ông ra cũng được, nhưng ra ruộng thì bẩn giày ông lắm. Chẳng bằng ông cứ ngồi đây, các cháu đang giết gà làm cơm và đi mua rượu. Chúng tôi ra ruộng gọi “Nguyễn Hữu Phú” về tiếp cơm ông có phải hơn không? Gã mật thám nghe bùi tai, ngồi vào mâm đợi. Gia đình đi tìm “Nguyễn Hữu Phú” thì ông đang cùng các đồng chí bàn kế mở rộng hoạt động xuống vùng Vân Đình (thuộc Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), ra mãi phía Hải Phòng cửa bể. Mọi người mới tá hỏa bảo ông Phú thay ngay quần áo, ra ruộng, lấy bùn vẩy lên người, rồi cầm mấy bó mạ đầy bùn đất vỗ vào hai ống chân ông. Thế là ông giả bộ lếch thếch khoác quang gánh lên vai về trình diện “mật thám”.

Cũng như các nam giới khác thời thuộc Pháp những năm đầu thế kỷ, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Phú được gia đình cho cưới vợ sớm. Khi đi hoạt động cách mạng miệt mài khắp nhiều vùng đất, lâm vào cách biệt giam tù tội quật cường, vợ trẻ con thơ ở nhà hết sức vất vả. Các con cũng chỉ biết thông tin về cha hết sức lờ mờ, thậm chí vì nhiệm vụ cách mạng cao cả, gia đình cũng không được biết, tổ chức tuyệt đối bí mật để đảm bảo an toàn cho cả chính gia đình đồng chí. Từ năm 1940, thực dân Pháp tăng cường khủng bố gắt gao, các “đối tượng bị mật thám giám sát” như Nguyễn Hữu Phú được tổ chức khẩn trương điều đi nơi khác hoạt động.

Chàng thanh niên Nguyễn Hữu Phú về Vân Đình rồi đi Hải Phòng, sau này được tín nhiệm chỉ định làm Bí thư Đảng bộ Hải Phòng. Lịch sử Ðảng bộ xã Tây Mỗ thời kỳ 1930-2008 ghi rõ những chi tiết trùng khít với những gì bà Nguyễn Thị Minh Hồng (hiện sống ở Hà Đông) kể với chúng tôi. Bà Hồng là con gái cả của ông Nguyễn Hữu Phú/Trịnh Đình Trọng. Theo đó, năm 1951, ông Nguyễn Hữu Phú/Trịnh Đình Trọng mất ở Bạc Liêu, sau khi các danh hiệu, chế độ dành cho một lão thành cách mạng như ông được ghi nhận, bà Hồng được cán bộ đến hỏi nguyện vọng có mong muốn ra nước ngoài học tập không thì bà trả lời là không và ở lại công tác trong ngành ngân hàng.

(Còn nữa)