Trung Quốc xả nước chỉ giúp giải quyết phần nào cứu hạn, còn mặn thì...

ANTĐ - Đại diện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã có thông báo chính thức sẽ tăng cường lượng xả nước. Việc này sẽ giải quyết phần nào đó khả năng cứu hạn ở hạ lưu. Còn khả năng đẩy mặn rất khó nếu đỉnh triều tiếp tục cao.

 Trung Quốc xả nước chỉ giúp giải quyết phần nào cứu hạn, còn mặn thì... ảnh 1Tình hình hạn hán được dự báo có thể tiếp tục mở rộng ra cả các tỉnh Bắc Trung Bộ

Khó “cứu” xâm nhập mặn

Ông Trần Đức Cường – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, để hỗ trợ các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, ngay từ đầu mùa khô (sau Tết Nguyên đán vừa qua), ủy ban này đã tiến hành các nghiên cứu, phân tích để xác định nguyên nhân chính xác tình trạng hạn và mặn.

Theo kết quả nghiên cứu, dòng chảy từ phía thượng nguồn sông Mê Kông xuống đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2015-2016 suy giảm nghiêm trọng. Con số quan trắc cho thấy, dòng chảy từ thượng nguồn về tới cửa Tân Châu và Châu Đốc của Việt Nam suy giảm trên 30% so với trung bình nhiều năm. Nói cách khác là đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước một cách trầm trọng.

Nguyên nhân là do suy giảm lượng mưa trên toàn bộ lưu vực. Theo con số quan trắc, toàn lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông trong mùa khô năm 2015-2016 trung bình giảm trên dưới 50%. Đặc biệt, trong tháng 2 là tháng mùa khô cao điểm giảm tới 75% tổng lượng mưa.

Nguyên nhân thứ hai là do lượng nước điều tiết tự nhiên từ Biển hồ Tonle Sap là không có, trong khi đây là nguồn nước chính nuôi dưỡng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô.

Thứ ba là bản thân nhu cầu sử dụng nước trong nội tại đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô vừa rồi rất lớn. Do tình hình khô hạn, bốc hơi nước rất cao, nên nhu cầu lấy nước để tưới tiêu, sinh hoạt cũng tăng lên.

Lượng nước suy giảm dẫn tới tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Với xâm nhập mặn có hai yếu tố, thứ nhất là đỉnh triều trong mùa khô vừa rồi lên rất cao so với trung bình nhiều năm và thứ hai là thiếu nước ngọt từ thượng nguồn xuống không đẩy được mặn.

“Sau khi xác định nguyên nhân, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã đánh giá mức độ thiệt hại về kinh tế, môi trường và có báo chi tiết gửi Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đưa ra một loạt khuyến cáo như thông qua kênh ngoại giao cũng như cơ chế hợp tác vùng để làm việc với các quốc gia thượng lưu. Trong đó có đề xuất làm việc với phía Trung Quốc để yêu cầu xả nước cứu hạn dưới hạ lưu”, ông Trần Đức Cường cho biết.

Ông Trần Đức Cường thông tin thêm, ngày 15-3, Trung Quốc đã có thông báo chính thức sẽ tăng cường lượng xả ở bậc thang cuối cùng là đập Cảnh Hồng (cách biên giới Lào, Thái Lan 70km về phía thượng lưu). “Hy vọng với lượng xả 2.000m3/s như thông báo sẽ giải quyết phần nào đó khả năng cứu hạn ở hạ lưu. Còn khả năng đẩy mặn phụ thuộc lớn vào diễn biến đỉnh triều. Nếu đỉnh triều tiếp tục cao lên thì việc giải quyết mặn rất khó”, ông Trần Đức Cường đánh giá.

Hạn hán có thể tiếp tục mở rộng

Liên quan tới công tác dự báo, ông Lê Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: “Đợt hạn hán kỷ lục trong vòng 100 năm nay đã được chúng tôi đưa ra cảnh báo sớm từ cuối tháng 8-2015. Giữa tháng 8, chúng tôi đã nhận định được khả năng El Nino ở mức độ kỷ lục và còn có khả năng kéo dài. Cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn đã được phát vào giữa mùa mưa năm 2015”.

“Chúng tôi cũng đưa ra cảnh báo hạn hán năm 2015 ở Tây Nguyên, ở Nam Trung Bộ khốc liệt hơn so với năm 2014, lý do đơn giản là mưa ít. Năm 2014 lượng mưa thiếu hụt lên tới 30-40% và năm 2015 thiếu hụt hơn so với mức trên”, ông Lê Thanh Hải cho hay.

Để minh chứng cho lượng mưa ít, ông Lê Thanh Hải nêu ví dụ hết sức cụ thể. Đó là tại tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3 có đợt mưa trái mùa và chính đợt mưa trái mùa này đã gây ra trận lũ lớn nhất của năm. Như vậy có thể thấy, xuyên suốt mùa mưa không có mưa hay lũ.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino hiện nay đang là hiện tượng kỷ lục mà đỉnh của nó lên tới 3,1 độ C, cao hơn so với hiện tượng này trong năm 1997-1998. Hiện tượng này đang tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng. Công tác cảnh báo hạn hán được đưa ra đối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và có khả năng lan rộng ra Bắc Trung Bộ trong những tháng tiếp theo.

“Theo các dự báo mới nhất, hiện tượng El Nino vẫn còn tiếp tục tuy đã qua “đỉnh” – vào tháng 11-2015. Hiện tượng này đã suy giảm nhưng sẽ còn kéo dài tới tháng 6-2016. Và năm 2016 tiếp tục được dự báo mùa mưa sẽ đến muộn, tình hình hạn hán càng gay gắt, nghiêm trọng hơn nữa và có thể mở rộng”.